Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng, phát triển nền văn hóa

(Banker.vn) Lúc sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - nhà chính trị sắc sảo, suốt đời cống hiến vì hạnh phúc của nhân dân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh tụ kiệt xuất của nhân dân Việt Nam Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với ngành điện Việt Nam

Trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đặc biệt quan tâm và dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều bài viết, bài phát biểu khẳng định vị trí, vai trò to lớn của văn hóa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Sự quan tâm và những tâm huyết của Tổng Bí thư đã tạo động lực mạnh mẽ, nguồn sinh khí mới trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội đã dành cho Báo Công Thương những chia sẻ về sự quan tâm, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với nền văn hoá Việt Nam cũng như ý nghĩa của việc hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư về chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng, phát triển nền văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng một nhà lãnh đạo luôn hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ảnh: Nam Nguyễn

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn đau đáu cho sự nghiệp chấn ng văn hoá dân tộc. Ông có thể nêu những dấu ấn chỉ đạo của Tổng Bí thư đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc?

Chúng ta có thể thấy rõ, trong suốt cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của mình, thấm nhuần sâu sắc nhiệm vụ và sứ mệnh mà Đảng, Bác Hồ đã xác định: “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chỉ đạo, định hướng và thúc đẩy phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Với sự quan tâm sâu sắc đến văn hoá dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặc biệt chú trọng vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống, cách mạng, đồng thời thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo trong văn hóa.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn nhấn mạnh rằng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội và đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển bền vững của đất nước. Vì vậy, ông luôn ủng hộ việc bảo tồn các di sản văn hóa, tôn vinh các giá trị truyền thống của dân tộc, từ văn hóa vật thể đến phi vật thể, đồng thời khuyến khích việc quảng bá văn hóa dân tộc ra thế giới.

Ngoài ra, Tổng Bí thư đặc biệt chú trọng đến việc xây dựng, phát triển con người Việt Nam toàn diện về đạo đức, lối sống, lối làm việc và thẩm mỹ, hình thành công dân có tinh thần yêu nước, đoàn kết, và sáng tạo...

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội
PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội

Bên cạnh đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ chú trọng vào việc bảo tồn văn hóa truyền thống mà còn khuyến khích sự giao lưu, học hỏi từ văn hóa quốc tế nhằm góp phần vào sự tiến bộ và hội nhập của văn hóa Việt Nam.

Cùng với đó, ông luôn khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ, nhà văn hóa và các tổ chức văn hóa phát triển, thể hiện sự đa dạng và phong phú của văn hóa dân tộc.

Đặc biệt, dưới sự chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhiều chính sách, chiến lược phát triển văn hóa đã được ban hành, góp phần định hướng và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành văn hóa.

Theo tôi, những dấu ấn này không chỉ thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với sự nghiệp văn hóa mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của Việt Nam.

Từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư, theo ông đã truyền cảm hứng như thế nào đối với ngành văn hoá cũng như đối với những người làm văn hoá, nhất là các văn nghệ sĩ trong công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc…?

Những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa, đối với văn hóa trong những năm qua đã trở thành những định hướng quan trọng trong sự phát triển của toàn ngành. Đồng thời, đã mang lại một làn gió mới, sinh khí mới cũng như tạo động lực mạnh mẽ cho ngành văn hóa và các văn nghệ sĩ trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam.

Thứ nhất, nhấn mạnh vào việc giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc. Đây là kim chỉ nam, giúp các nghệ sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ hiểu rõ giá trị cốt lõi của văn hóa Việt Nam, từ đó tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đậm đà bản sắc, góp phần quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

Thứ hai, sự khuyến khích đổi mới sáng tạo và sáng tạo không ngừng. Chỉ đạo này tạo ra một môi trường kích thích, nơi các nghệ sĩ không chỉ làm sống lại những giá trị truyền thống mà còn mạnh dạn thử nghiệm, sáng tác những tác phẩm mới mẻ, hiện đại, hội nhập nhưng không mất đi bản sắc riêng.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng, phát triển nền văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các văn nghệ sĩ bên lề Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021. Ảnh: Trần Huấn

Thứ ba, sự quan tâm, đầu tư của nhà nước đối với ngành văn hóa. Chỉ đạo của Tổng Bí thư thường đi đôi với những chính sách và nguồn lực hỗ trợ từ Quốc hội, chính phủ, giúp các nghệ sĩ có cơ hội phát triển tài năng, có điều kiện làm việc tốt hơn và an tâm sáng tạo.

Cuối cùng, việc giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực văn hóa. Chỉ đạo này chú trọng đến việc đào tạo chuyên sâu, bồi dưỡng tài năng trẻ trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, đảm bảo có một lực lượng kế thừa chất lượng, tiếp tục tạo nên những đóng góp tích cực cho nền văn hóa nước nhà.

Tôi tin tưởng rằng, những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ tạo đà phát triển văn hóa Việt Nam mà còn khích lệ, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho các nghệ sĩ. Họ cảm nhận được sự quan tâm, ủng hộ và sự định hướng rõ ràng, từ đó tự tin hơn, sáng tạo hơn trong công việc của mình. Điều này góp phần quan trọng trong việc xây dựng và phát triển một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" mới được ra mắt là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; đồng thời tác phẩm được coi là “kim chỉ nam” định hướng con đường vận động và phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Với ý nghĩa đó, thời gian tới ngành văn hoá cần làm gì để hiện thực hoá chỉ đạo của Tổng Bí thư về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam qua tác phẩm này, thưa ông?

Có thể khẳng định rằng, cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang lại nhiều ý nghĩa và giá trị quan trọng cho sự phát triển văn hoá Việt Nam trong thời gian tới.

Thứ nhất, cuốn sách tổng hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, tạo ra một tầm nhìn chiến lược và toàn diện cho sự phát triển văn hóa trong tương lai.

Thứ hai, đây không chỉ là những tư tưởng cá nhân mà là kết quả của một công trình khoa học có tính chất hệ thống, mang lại cơ sở lý luận vững chắc cho việc hoạch định chính sách và triển khai các kế hoạch phát triển văn hóa.

Thứ ba, cuốn sách nhấn mạnh đến việc giữ gìn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa dân tộc, điều này rất quan trọng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay. Giúp nhắc nhở và thúc đẩy sự sáng tạo dựa trên nền tảng truyền thống văn hóa dân tộc.

Hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về chấn hưng, phát triển nền văn hóa
Cuốn sách "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Nam Nguyễn

Từ những ý nghĩa quan trọng trên, theo tôi, những việc ngành văn hóa cần làm để hiện thực hóa chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thời gian tới có thể là: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục để toàn xã hội, đặc biệt là thế hệ trẻ, hiểu rõ và thấm nhuần các tư tưởng, chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa.

Bên cạnh đó, Nhà nước cần đưa ra các chính sách, chương trình cụ thể nhằm biến những tư tưởng, chỉ đạo trong cuốn sách thành những hành động, kế hoạch thực tiễn. Thêm vào đó cần đào tạo, nâng cao năng lực và tâm huyết cho cán bộ công tác trong lĩnh vực văn hóa, từ đó đảm bảo khả năng thực hiện và triển khai các chính sách, kế hoạch hiệu quả.

Đồng thời, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội, bao gồm cả các nguồn lực từ nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng, để tạo điều kiện tốt nhất cho việc phát triển văn hóa. Đi cùng với đó là đẩy mạnh công tác bảo tồn, tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống, đồng thời tiếp thu, sáng tạo và phát triển các giá trị mới phù hợp với xu thế thời đại.

Tôi tin rằng, các hành động và chiến lược nêu trên sẽ đảm bảo hiện thực hóa hiệu quả những chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đưa văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh cho sự phát triển bền vững đất nước!

Xin cảm ơn ông!

Những phát biểu “truyền lửa” về chấn hưng nền văn hóa của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021:

-“Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp mà còn ở sự phong phú của tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.

-“Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, nói lên bản sắc của dân tộc. Văn hóa còn thì dân tộc còn…”.

-"Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn. Đảng ta xác định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước".

-“Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế uy tín như ngày nay. Đây là một lợi thế cực kỳ to lớn để chúng ta tăng cường lòng tự hào dân tộc, quyết tâm đổi mới và chấn hưng nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới”.

-"Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là "nền tảng tinh thần", "động lực phát triển", và "soi đường cho quốc dân đi".

Hoa Quỳnh (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương