Hiện đại hóa mô hình ngân hàng hợp kênh với nền tảng Backbase

(Banker.vn) Với nền tảng của Backbase, Ngân hàng Phương Đông (OCB) kỳ vọng xây dựng hệ thống ngân hàng số tối ưu, cá nhân hóa cho từng khách hàng.
Ngân hàng số cùng doanh nghiệp bứt phá trong thời đại 4.0 Ngành ngân hàng số hóa để tiến lên phía trước đón đầu tương lai OCB ra mắt ngân hàng số thế hệ mới Liobank

Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB), Công ty công nghệ tài chính - Backbase và Công ty SmartOSC vừa tiến hành ký kết thỏa thuận hợp tác triển khai nền tảng ngân hàng tương tác Backbase (Engagement Banking Platform - EBP) nhằm đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số theo mô hình ngân hàng hợp kênh.

Xây dựng hệ thống ngân hàng số tối ưu với nền tảng Backbase
OCB ký kết hợp tác với Backbase và SmartOSC đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số qua mô hình ngân hàng hợp kênh

Với hợp tác lần này, OCB kỳ vọng xây dựng hệ thống ngân hàng số tối ưu, cá nhân hóa cho từng khách hàng trên tất cả các kênh, bằng cách số hóa toàn diện hành trình và điểm chạm của khách hàng nhằm cung cấp dịch vụ liền mạch, tức thời, gia tăng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng.

Ngân hàng đa kênh không còn xa lạ trong thời buổi hiện nay, chính là các kênh giao dịch mà mọi người vẫn thực hiện hàng ngày như: Internet Banking, Mobile Banking, quầy giao dịch, ATM…Mô hình này được hầu hết các ngân hàng Việt Nam áp dụng. Tuy nhiên, các kênh này độc lập, không đồng nhất, buộc khách hàng khi cần dịch vụ nào phải dùng đúng kênh mới được phục vụ.

Đối với ngân hàng hợp kênh (Omni-Channel Banking) thì ngược lại, giúp khách hàng có trải nghiệm đồng bộ và liền mạch trên mọi kênh giao dịch, từ Internet Banking, Mobile Banking, ATM, quầy giao dịch hay tư vấn viên. Cho phép đồng bộ tất cả các kênh giao dịch thành một, hình thành trải nghiệm xuyên suốt và đồng nhất trên bất kỳ kênh nào mà khách hàng lựa chọn.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, với vị thế là ngân hàng tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi số nói chung và mô hình ngân hàng hợp kênh nói riêng, chiến lược của chúng tôi là xây dựng một hành trình khách hàng xuyên suốt trong mảng bán lẻ và nhanh chóng mở rộng sang phân khúc doanh nghiệp.

Với việc triển khai nền tảng ngân hàng tương tác của Backbase, dựa vào ba yếu tố chính gồm: Thời hạn sản phẩm đi vào hoạt động trong vòng 6 tháng; toàn quyền kiểm soát việc xây dựng, sở hữu và khả năng tùy chỉnh các yêu cầu khác biệt của ngân hàng; nguồn lực hỗ trợ trong nước đối với việc triển khai và các nhu cầu của dự án trong tương lai, OCB kỳ vọng sẽ đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng thu hút khách hàng, với mục tiêu tăng gấp đôi lượng người dùng trong năm đầu tiên sau khi nền tảng đi vào hoạt động và đạt 10 triệu khách hàng sử dụng hàng tháng trong năm thứ 5.

Ông Riddhi Dutta, Phó Chủ tịch khu vực châu Á của Công ty Backbase cho hay, chúng tôi nhìn thấy sự nỗ lực đổi mới cũng như hiểu biết sâu sắc về quá trình chuyển đổi số tại OCB thông qua việc ngân hàng đã đưa ra rất nhiều định hướng, đề xuất nhằm cho ra một ngân hàng số hợp kênh độc đáo của riêng họ.

Khi áp dụng và xây dựng nền tảng này, ngân hàng không cần phải lo lắng về các quy tắc kinh doanh cơ bản, điều phối các dịch vụ ngân hàng, an toàn bảo mật và những yêu cầu cần tuân thủ. Các kiến trúc phần mềm và hành trình thiết yếu đã được chứng minh là có hiệu quả trên các ngành và kênh kinh doanh họ muốn tái cấu trúc.

"Ngay khi triển khai, các ngân hàng có thể bắt đầu xây dựng dịch vụ dựa trên nền tảng này để tùy chỉnh hành trình và trải nghiệm cho các phân khúc người tiêu dùng, sản phẩm, kênh cụ thể. Đó là lý do mà một nền tảng hợp kênh mở rộng như vậy có thể đi vào hoạt động trong vòng 6 tháng" - ông Riddhi Dutta nói.

Ngay sau khi thỏa thuận hợp tác được ký kết, SmartOSC - đơn vị tiên phong trong lĩnh vực cung cấp giải pháp chuyển đổi số quy mô toàn cầu sẽ song hành cùng OCB trong việc tích hợp nền tảng ngân hàng tương tác hay còn được gọi là ngân hàng hợp kênh vào các hệ thống hiện có của ngân hàng.

Nhờ kinh nghiệm lâu năm cùng sự am hiểu thị trường sâu sắc, SmartOSC đã cung cấp các giải pháp riêng biệt giúp ngân hàng OCB xử lý những yêu cầu nội địa hóa ban đầu. Bên cạnh đó, SmartOSC sẽ phát triển ứng dụng Mobile Banking, Internet Banking cho khách hàng cá nhân và ứng dụng dành riêng cho cán bộ nhân viên của OCB.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục