HDBank trình đại hội cổ đông tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng

(Banker.vn) HDBank cho rằng việc tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng sẽ tạo cơ hội mang lại giá trị gia tăng cho HDBank và cổ đông của ngân hàng.

Ngân hàng TMCP Phát triển TP. Hồ Chí Minh (HDBank - HOSE: HDB) vừa bổ sung tờ trình về việc tiếp tục tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng vào tài liệu họp Đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Theo đó, HDBank trình cổ đông thông qua việc tiếp tục thực hiện và triển khai các nội dung đã được đại hội đồng cổ đông thông qua hồi năm 2022, về việc để HDBank tham gia chương trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đồng thời thông qua những nội dung được cập nhật, sửa đổi, bổ sung của phương án nhận chuyển giao bắt buộc theo tình hình thực tế và hướng dẫn, phê duyệt của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại thời điểm đệ trình.

HDBank cũng sẽ trình Đại hội phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thêm tối đa 3.972,8 tỷ đồng
HDBank cũng sẽ trình Đại hội phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thêm tối đa 3.972,8 tỷ đồng

Tại Đại hội lần này, HDBank cũng đề nghị cổ đông tiếp tục giao và ủy quyền cho Hội đồng quản trị thực hiện và hoàn tất các công việc liên quan như nghị quyết đã được thông qua hồi năm 2022.

Những việc được ủy quyền bao gồm nhưng không giới hạn việc sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh nội dung cụ thể, quyết định, ký các văn bản, giấy tờ, tài liệu và tổ chức triển khai, thực hiện các công việc có liên quan đến việc nhận chuyển giao bắt buộc phù hợp với quy định pháp luật, yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Theo HDBank, việc tham gia tái cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng không chỉ góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, mà còn tạo cơ hội mang lại giá trị gia tăng cho HDBank và cổ đông ngân hàng.

Thông tin về tổ chức tín dụng HDBank sẽ tham gia tái cơ cấu vẫn chưa được nêu cụ thể tại tờ trình này.

Tại đại hội năm ngoái, cổ đông HDBank từng thông qua chủ trương tham gia thực hiện việc tái cơ cấu một tổ chức tín dụng theo hình thức nhận chuyển giao bắt buộc ngân hàng thương mại cổ phần được kiểm soát đặc biệt với tỷ lệ tán thành 81,52% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước HDBank, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng đã thông tin về các phương án nhận chuyển giao bắt buộc một tổ chức tín dụng yếu kém hoặc sáp nhập một ngân hàng khác tại đại hội cổ đông vừa diễn ra tuần qua.

Trong đó, riêng tại MSB, chỉ có hơn 56% cổ phần có quyền biểu quyết tán thành phương án sáp nhập nên tờ trình này không được Đại hội cổ đông MSB thông qua.

Còn tại Vietcombank và VPBank, thông tin mới dừng ở việc các ngân hàng này vẫn đang đợi cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án nhận chuyển giao bắt buộc mà chưa công bố cụ thể tên tổ chức tín dụng sẽ được nhận chuyển giao.

Ngoài kế hoạch tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng, HDBank còn dự định góp vốn, mua cổ phần một công ty trong lĩnh vực chứng khoán để công ty đó trở thành công ty con của HDBank.

Công ty chứng khoán mà HDBank dự định đầu tư sẽ cần đáp ứng một số điều kiện như: được cấp phép để thực hiện các nghiệp vụ như môi giới chứng khoán, tự doanh chứng khoán và tư vấn đầu tư chứng khoán; có vốn điều lệ trên 1.000 tỷ đồng theo báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất; có lợi nhuận trong 3 năm liên tiếp gần nhất và đáp ứng các quy định của pháp luật.

Lãnh đạo HDBank đánh giá, lĩnh vực chứng khoán, ngân hàng là một trong những trọng tâm phát triển trong tương lai. Việc đầu tư vào công ty chứng khoán có thể giúp ngân hàng mở rộng và khai thác hiệu quả hơn nữa tệp khách hàng hiện hữu, thông qua việc cung cấp các dịch vụ như: tư vấn phát hành, tài chính, tái cấu trúc doanh nghiệp… Ngoài ra, việc này còn giúp bán chéo sản phẩm, cung cấp dịch vụ thu chi hộ..., từ đó gia tăng doanh thu và lợi nhuận cho ngân hàng.

 Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của HDBank. (Nguồn: HDBank).
Kế hoạch kinh doanh năm 2023 của HDBank. (Nguồn: HDBank).

Năm 2023, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 13.197 tỷ đồng, tăng 29% so với năm 2022. Tổng tài sản ước đạt 520.024 tỷ đồng, tăng 25% so với năm 2022. Tổng dư nợ tín dụng ước đạt 333.553 tỷ đồng, tăng 24% nhưng không vượt quá hạn mức do NHNN phê duyệt.Tổng nguồn vốn huy động dự kiến đạt 459.398 tỷ đồng, tăng 25%. Tỷ lệ ROE và ROA dự kiến lần lượt là 24,5% và 2,3%.

Ngân hàng cũng dự kiến kế hoạch chia cổ tức năm 2022 bằng tiền mặt tỷ lệ tối đa 10% và bằng cổ phiếu tỷ lệ tối đa 15% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành, từ lợi nhuận chưa phân phối 2022 sau khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế và trích quỹ theo quy định.

Đại hội cũng trình phương án tăng vốn điều lệ năm 2023 thêm tối đa 3.972,8 tỷ đồng thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức và phát hành ESOP. Dự kiến tổng vốn điều lệ sẽ tăng từ 25.303 tỷ đồng lên 29.276 tỷ đồng trong năm 2023.

TPBank báo lãi trước thuế quý I/2023 đạt 1.700 tỷ đồng, thực hiện được 20% mục tiêu năm

Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank - HOSE: TPB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023. TPBank ghi nhận nhuận trước thuế ...

ĐHĐCĐ LienVietPostBank: Dự kiến chia cổ tức tỷ lệ 19% bằng cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thêm 66%

Chiều 23/4, Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank - HOSE: LPB) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên tại Ninh Bình ...

Tâm điểm mùa đại hội cổ đông ngân hàng 2023: "Nóng" chuyện sáp nhập

Mùa đại hội cổ đông các ngân hàng năm nay, câu chuyện sáp nhập, thâu tóm có lẽ là đề tài đang được quan tâm ...

Quang Huy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục