Hàng loạt ngân hàng thương mại đề xuất giảm sâu lãi vay

(Banker.vn) Sau khi quy định cho phép vay ngân hàng này để trả nợ ngân hàng khác của Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Nhiều ngân hàng thương mại công bố giảm sâu lãi suất.
Hà Nội: Ngân hàng và doanh nghiệp bàn giải pháp tiếp cận được vốn vay Ngân hàng Nhà nước phát hành gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu kỳ hạn 28 ngày Doanh nghiệp Hà Nội kêu khó tiếp cận vốn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo "nóng"

Theo Thông tư 06/2023/TT-NHNN, từ ngày 1/9/2023, các ngân hàng được quyền xem xét và quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại ngân hàng khác. Cơ chế mới này sẽ tạo điều kiện cho người vay có thể lựa chọn ngân hàng cho vay lãi suất thấp hơn, điều này buộc các ngân hàng thương mại phải tích cực giảm lãi suất để cạnh tranh với nhau nhiều hơn.

Do đó, nhiều khách hàng hiện có nhu cầu chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác có lãi suất ưu đãi hơn. Thay vì hướng dẫn khách hàng chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác, nhân viên tín dụng nhiều ngân hàng khuyến khích khách hàng xoay nguồn vốn để tất toán, sau đó làm thủ tục vay mới với lãi suất ưu đãi hơn.

Hàng loạt ngân hàng thương mại đề xuất giảm sâu lãi vay
Lãi vay giảm được kỳ vọng sẽ kích thích cầu vay mua nhà tăng trưởng trở lại thời gian tới

Anh Lê Hiếu (Ocean Park – Hà Nội) cho biết, gia đình có vay 6 tỷ đồng tại một ngân hàng để mua chung cư tại Ocean Park từ năm 2022, sắp kết thúc thời gian ân hạn, anh được ngân hàng này báo lãi suất cho vay thả nổi sau thời gian ân hạn khoảng 10,5 - 11%/năm. Hiện với mức lãi suất này anh không hài lòng nên đã tham khảo ngân hàng Vietcombank và được báo lãi suất cho vay 7,5%/năm áp dụng năm đầu tiên, các năm sau lãi suất thả nổi.

Thấy lãi suất hợp lý, anh Hiếu quyết định tất toán hợp đồng vay của ngân hàng nọ để chuyển sang Vietcombank. Và được nhân viên của chính ngân hàng này mời chào nếu tất toán hợp đồng cũ và làm lại hợp đồng vay mới, lãi suất khoản vay của anh chỉ còn 7,8%/năm áp dụng năm đầu tiên, sau đó thả nổi. Qua cân nhắc, anh Hiếu đã chọn vay Vietcombank bởi lãi suất ưu đãi hơn và thủ tục không quá khó khăn.

Phương án này có ưu điểm là khách hàng được giải ngân nhanh hơn, lãi suất ưu đãi hơn. Nhưng nhược điểm là khách hàng phải tự xoay xở nguồn vốn lớn để tất toán hợp đồng đang vay hoặc phải có tài sản thế chấp khác. Bên cạnh đó, để làm thủ tục vay mới, khách hàng sẽ phải mất thêm một lần nữa phí thẩm định hồ sơ, chưa kể khoản lãi phạt trả trước hạn.

Hiện, với các khoản vay mua nhà thường kéo dài 10-15 năm, lãi vay của ngân hàng rẻ hơn luôn được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Vì vậy, làn sóng dịch chuyển từ ngân hàng này sang ngân hàng khác dự kiến còn tiếp diễn, nếu các ngân hàng không hạ lãi vay để giữ chân khách hàng.

Xuất phát từ tình trạng trên, từ đầu tháng 9/2023 đến nay, một loạt ngân hàng tung ra các chương trình ưu đãi lãi suất cho khách hàng mua nhà, vừa giữ chân khách hàng cũ, vừa thu hút thêm khách hàng mới.

TPBank từ ngày 11/9, áp dụng lãi suất cho vay mua bất động sản chỉ từ 6,9%/năm dành cho với khách hàng vay mới hoặc khách hàng có nhu cầu chuyển khoản vay về TPBank. Mức lãi suất ưu đãi có thể được giảm thêm tối đa 0,4%/năm lãi suất ưu đãi kỳ đầu cho mỗi khế ước nhận nợ giải ngân từ 5 tỷ đồng trở lên trong thời gian diễn ra chương trình. Khi khách hàng tham gia chương trình mua bảo hiểm, khoản vay còn được giảm thêm tới 0,3%/năm vào biên độ lãi suất.

Nhiều ngân hàng lớn khác cũng công bố mức lãi suất hấp dẫn cho khách hàng chuyển khoản vay từ ngân hàng khác về ngân hàng mình. MB triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác với lãi suất chỉ 8%/năm cố định trong 12 tháng. Còn Techcombank tung ra chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm.

Tương tự, BIDV đưa ra mức lãi suất 6%/năm với các khoản vay ngắn hạn và 6,8%/năm với các khoản vay trung, dài hạn và mức cho vay 100% dư nợ gốc còn lại. VietinBank thì đưa ra mức lãi suất cho vay thấp hơn cả lãi suất huy động, chỉ từ 5,6%/năm cho khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất - kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm (mua nhà, mua xe…)…

Số liệu nửa đầu năm nay của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tín dụng bất động sản tăng 4,7%, nhưng riêng cho vay người mua nhà ở thực chỉ tăng 0,88%. Thu nhập sút giảm, giá nhà ở vẫn leo thang bất chấp thị trường bất động sản trầm lắng, lãi vay mua nhà ở mức cao… là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này. Vì vậy, cùng với nỗ lực giảm lãi suất của ngành ngân hàng, thị trường bất động sản chỉ có thể phục hồi nếu doanh nghiệp được gỡ khó về pháp lý.

Tín dụng bất động sản tăng chủ yếu nhờ cho vay các chủ đầu tư tăng mạnh. Mặc dù vậy, lãi vay giảm được kỳ vọng sẽ kích thích cầu vay mua nhà tăng trưởng trở lại thời gian tới, từ đó lan tỏa hiệu ứng tích cực tới thị trường bất động sản.

Tại Hà Nội ngày 21/9, Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Cơ hội cho các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, hiện nay, Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy.

Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, linh hoạt hơn, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống…

Cùng với đó, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.

Vân An

Theo: Báo Công Thương