Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Phát hiện hàng vi phạm trị giá hơn 700 tỷ đồng

(Banker.vn) Trong tháng 8/2024, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh phát hiện 209 vụ vi phạm, với tổng trị giá hàng vi phạm hơn 700 tỷ đồng.
Hải quan TP. Hồ Chí Minh tăng cường kiểm soát mặt hàng tôm hùm đất Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính TP. Hồ Chí Minh: Hải quan kiên quyết không để xảy ra việc cán bộ tiếp tay, móc nối với buôn lậu

Theo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh, trong tháng 8/2024, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 209 vụ việc vi phạm với trị giá hàng hóa vi phạm hơn 701,5 tỷ đồng. Trong đó, có 2 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, còn lại 207 vụ là vi phạm hành chính.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết, hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới qua tuyến đường biển gồm các thủ đoạn như Khai sai mã số, thuế suất, số lượng, chủng loại, chất lượng, trọng lượng, trị giá hàng hoá xuất nhập khẩu; giả mạo xuất xứ, vi phạm quy định về ghi nhãn hàng hoá, xâm phạm sở hữu trí tuệ, chuyển tải bất hợp pháp; Hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng nhưng khai là hàng mới để né tránh việc kiểm tra các quy định về nhập khẩu máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng nhập khẩu. Ảnh minh hoạ.
Lực lượng Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra hàng nhập khẩu (Ảnh minh hoạ)

Các đối tượng cũng khai sai tên hàng thực tế xuất khẩu (hàng thực tế xuất khẩu không phải là sản phẩm gia công, sản xuất như khai báo) để xuất lậu hàng hoá không rõ nguồn gốc xuất xứ ra nước ngoài và hợp thức hoá việc thanh khoản số nguyên liệu nhập khẩu nhằm trốn thuế và đưa nguyên liệu nhập khẩu vào tiêu thụ nội địa. Đồng thời, trà trộn hàng hoá nhập khẩu với hàng hoá sản xuất được trong nước để xuất khẩu nhưng trên bao bì hàng hoá ghi xuất xứ Việt Nam; thay đổi nhãn mác, số liệu trên bao bì, hoặc nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý ghi tên hàng hoá, nhãn hàng hoá, bao bì thương phẩm của hàng hoá và nhãn hiệu hàng hoá trong khai báo có sự sai lệch,…

Đối với tuyến đường hàng không, phương thức phạm tội của các đối tượng gồm cất giấu hàng hóa trong hành lý ký gửi, hành lý xách tay nhằm qua mắt các lực lượng chức năng. Khai sai về tên hàng, mã số HS, số lượng, chất lượng, trị giá; giả mạo hồ sơ, chứng từ...

Gửi hàng qua đường chuyển phát nhanh, sử dụng địa chỉ không chính xác để gửi hàng hoặc thông qua dịch vụ đại lý khai thuê làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa là quà biếu cá nhân không nhằm mục đích thương mại để né tránh trách nhiệm khi bị phát hiện. Khai báo thông tin người nhận không rõ ràng, sử dụng nhiều địa chỉ khác nhau cho cùng một người nhận hàng.

Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh nhận định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và bảo vệ sở hữu trí tuệ là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, liên tục, lâu dài. Tuy nhiên các đối tượng hoạt động vì mục đích lợi nhuận, luôn tìm mọi cách trốn tránh sự kiểm soát của cơ quan hải quan, lợi dụng cơ chế, chính sách, văn bản ban hành còn bất cập, hệ thống quản lý chưa hiện đại, chưa đồng bộ, ...nên công tác đấu tranh rất khó khăn và phức tạp.

Cụ thể, việc sử dụng thường xuyên, liên tục hệ thống soi chiếu, thời gian đưa vào sử dụng lâu, lạc hậu đã gây khó khăn cho hoạt động công tác, gây áp lực, đẩy trách nhiệm cho cán bộ công chức trong quá trình thực thi nhiệm vụ.

Công tác chia sẻ thông tin trong việc kiểm tra, xác minh thông tin cá nhân phục vụ cho công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại gặp khó khăn, mất nhiều thời gian; Công tác phối hợp, trao đổi thông tin giữa các cơ quan, đơn vị còn chưa kịp thời, thường giữ bí mật đến cận giờ, thông tin cung cấp không đầy đủ, muốn dành thành tích là những hạn chế trong thời gian qua.

Ngoài ra, việc sắp xếp, bố trí, phân công nhiệm vụ ở một số đơn vị còn chưa hợp lý, chưa tận dụng nhân lực được đào tạo nghiệp vụ kiểm soát vào đúng vị trí, sở trường nên công tác này chưa phát huy hiệu quả.

Do đó, trong thời gian tới, Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh tiếp tục triển khai, thực hiện nghiêm chỉ đạo và văn bản hướng dẫn của các cấp về công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, và vận chuyển trái phép các chất ma túy qua biên giới.

Thường xuyên tổ chức quán triệt đến toàn thể cán bộ, công chức trong Cục, nêu cao nhận thức và tinh thần trách nhiệm trung thực trong công việc; tăng cường công tác tuyên truyền, vận động doanh nghiệp và người dân trên địa bàn quản lý về tác hại của việc buôn bán, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Đồng thời, vận động người dân tố giác các hành vi vi phạm pháp luật, không dung túng, tiếp tay cho các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường công tác quản lý địa bàn, tuần tra, kiểm soát, trinh sát, điều tra, nắm tình hình, sớm phát hiện các thủ đoạn, hành vi vi phạm và đề xuất biện pháp ngăn ngừa; Tăng cường công tác phối, kết hợp, trao đổi chia sẻ thông tin với các cơ quan quản lý, lực lượng chức năng trong và ngoài địa bàn để góp phần ngăn chặn, phối hợp kịp thời,..

Ngân Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục