Thủ tướng chỉ thị đẩy mạnh phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 | |
Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần qua |
Hà Nội là điểm đến thân thiện, hấp dẫn và an toàn với các du khách |
Hơn 23 năm trước (ngày 16-7-1999), Hà Nội là thành phố đầu tiên của châu Á - Thái Bình Dương vinh dự được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình. Danh hiệu là niềm vinh dự lớn này đã góp phần nâng cao hơn nữa niềm tự hào dân tộc của người dân Hà Nội, khích lệ, cổ vũ động viên nhân dân đóng góp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, hiện đại, văn minh.
Danh hiệu “Thành phố vì hòa bình” còn là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Danh hiệu này cũng góp phần nâng cao vị trí, uy tín của Thủ đô Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung ở khu vực và trên trường quốc tế, góp phần quảng bá, giới thiệu về Hà Nội với thế giới, qua đó tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác quốc tế với các nước về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa, dịch vụ…
Cùng với danh hiệu “Thành phố Anh hùng”, Hà Nội có thêm danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Ðó là niềm vinh dự và tự hào không những với người dân Thủ đô, mà còn với nhân dân cả nước. Hà Nội qua “một thời đạn bom” đã bước sang “một thời hòa bình” và ngày càng phát triển.
Quán triệt và vận dụng sáng tạo đường lối đổi mới của Đảng, thành phố Hà Nội đã đề ra chủ trương phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với thực tiễn của địa phương, quyết tâm đổi mới cơ chế quản lý, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Kinh tế Thủ đô tăng trưởng liên tục, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao, các lĩnh vực văn hóa-xã hội, giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư, phát triển, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người dân.
Hơn 2 năm gồng mình chống chọi với đại dịch Covid-19 vừa qua là thử thách đầy cam go với Hà Nội, song cũng lại càng chứng tỏ bản lĩnh, trí tuệ và những phẩm chất tốt đẹp nhất của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô. Là thủ đô, đồng thời là trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội, giao lưu, đi lại của cả nước, nhưng Hà Nội là một trong những địa phương ứng phó, kiểm soát đại dịch tốt nhất, sớm đưa mọi hoạt động kinh tế-xã hội trở lại bình thường và bứt tốc, phát triển nhanh khi kiểm soát tốt dịch bệnh.
Kinh tế - xã hội của Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong 9 tháng đầu năm và thành phố đang nỗ lực để có những kết quả khả quan trong cả năm 2022. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực diễn biến phức tạp, khó lường tác động đến tình hình kinh tế - xã hội cả nước và Hà Nội, song với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị cùng sự chung sức, đồng lòng của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế - xã hội thủ đô quý III và 9 tháng năm 2022 tiếp tục phát triển tích cực.
Nhiều ngành tăng trưởng ấn tượng. Lũy kế 9 tháng năm 2022, Hà Nội thu hút 1,019 tỉ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, đăng ký cấp mới 262 dự án với số vốn đạt 183 triệu USD (tăng 6,5% số dự án và tăng 12,5% số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2021); có 141 dự án bổ sung tăng vốn đầu tư với số vốn tăng 336 triệu USD (tăng 51,6% số dự án và giảm 31,8% số vốn đăng ký). Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần 286 lượt với số vốn đạt 500 triệu USD, tăng 83,8%...
Hơn 20 năm qua, Thủ đô Hà Nội được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước, mà còn là trung tâm giao lưu quốc tế. Lượng khách trong nước và quốc tế đến Hà Nội trước dịch Covid-19 tăng đều đặn hằng năm và đang dần khởi sắc rõ nét khi dịch bệnh được kiểm soát tốt.
Trong 9 tháng đầu năm 2022, thành phố Hà Nội đón gần 13,87 triệu lượt khách du lịch, tăng hơn 4 lần so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, khách du lịch quốc tế ước đạt 766.400 lượt, khách du lịch nội địa ước đạt 13,1 triệu lượt, tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 40.000 tỷ đồng. Riêng tháng 9-2022, lượng khách đến Hà Nội ước đạt 1,48 triệu lượt, gồm 184.000 lượt khách quốc tế và 1,3 triệu lượt khách nội địa. Hà Nội cũng vinh dự được công nhận là Điểm đến du lịch thành phố hàng đầu châu Á năm 2022 của Tổ chức giải thưởng du lịch thế giới “World Travel Awards”.
Đặc biệt, thành công trên mọi phương diện của SEA Games 31 hồi tháng 5-2022 càng thêm khẳng định Hà Nội là một điểm đến ngày càng hấp dẫn, thân thiện, an toàn với du khách trong nước cũng như quốc tế. Trong thành công chung của sự kiện là ngày hội thể thao lớn nhất khu vực này có sự đóng góp xứng đáng của Hà Nội khi là nơi diễn ra 16/40 môn thi đấu, trong đó có nhiều môn Olympic và đặc biệt là nơi diễn ra 2 sự kiện quan trọng là Lễ khai mạc và Lễ bế mạc cùng trận chung kết “môn thể thao vua” bóng đá. Tất cả những môn thi đấu tại Hà Nội đều diễn ra trong điều kiện bảo đảm chuyên môn tốt nhất, cũng như đảm bảo tuyệt đối an toàn. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã khẳng định, thành công của SEA Games 31 đã khắc họa đậm nét hình ảnh về một “Việt Nam an toàn, thân thiện, hiền hòa, mến khách, hội nhập và phát triển”, một “Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”, một “Đông Nam Á đoàn kết, thống nhất trong đa dạng”, một “Đông Nam Á cùng nhau tỏa sáng”.
Có thể khẳng định, Thủ đô Hà Nội trong hơn 20 năm qua đã được xây dựng ngày càng văn minh, hiện đại hơn. Việc quảng bá hình ảnh “Thành phố vì hòa bình” qua các hoạt động đối ngoại, các sự kiện quốc tế lớn luôn được thành phố chú trọng và phát huy.
Những năm qua, Hà Nội được báo chí quốc tế nhắc đến với tư cách là một điểm đến đặc biệt an toàn, nhất là đối với các chính khách. Nhiều hội nghị cấp quốc tế đã được tổ chức ở Hà Nội, trong đó có Hội nghị cấp cao APEC (năm 2006), Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (năm 2018), Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai (tháng 2-2019), các Hội nghị cấp cao ASEAN… đã khẳng định vị thế của Thủ đô. Việc thành phố được chọn là điểm tổ chức các sự kiện quốc tế quan trọng chứng minh Hà Nội có uy tín lớn trong cộng đồng quốc tế, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Nhằm phát huy truyền thống Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, “Thủ đô Anh hùng”, “Thành phố vì hòa bình”, đưa Thủ đô xứng tầm với sự phát triển của đất nước, Hà Nội sẽ khai thác và phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh để phát triển trên mọi lĩnh vực, mở rộng hợp tác, hội nhập, nâng cao vị thế của Thủ đô. Hơn 2 thập kỷ chưa phải là khoảng thời gian dài, song Thủ đô Hà Nội đã phát huy, xứng đáng với danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Với chiều sâu văn hóa, với nỗ lực đổi mới toàn diện, hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, Hà Nội tiếp tục vươn lên, phấn đấu trở thành thành phố sáng tạo đầu tiên trong khu vực Ðông - Nam Á tham gia mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO.
Hoàng Hà
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|