Hà Nội: Nhiều cửa hàng chấp hành quy định dán mã QR

(Banker.vn) Tại nhiều cửa hàng trên nhiều tuyến phố Hà Nội không khó để nhận ra những tờ giấy in mã QR dán ngay cửa ra vào. Tín hiệu này cho thấy ý thức phòng, chống dịch của người dân đã được nâng dần lên.

Bà Lựu, một quán cơm bia nhỏ nằm trên phố Đinh Lễ (Hà Nội) chia sẻ, việc đầu tiên sau khi nới lỏng đợt giãn cách thứ tư của thành phố từ hôm 21/9/2021 là lên mạng để in ra mã QR cho khách vào mua cơm mang đi.

Việc in mã QR này rất đơn giản- bà Lựu cho biết. Chỉ việc vào trang https://qr.tokhaiyte.vn/ và điền vào các thông tin được yêu cầu. Qua vài bước là đã có thể tải xuống được mã QR của riêng mình và chỉ việc in ra, dán ngay ở ngõ dẫn vào quán. “Đơn giản vậy, không tốn kém gì và mỗi người ai cũng có thể chung tay để cùng thành phố ngăn ngừa bệnh dịch Covid-19 cũng như phục vụ”- bà chủ quán cơm nói.

Ghi nhận cho thấy, từ ngày 16/9/2021 và đặc biệt là sau khi Hà Nội kết thúc đợt giãn cách từ ngày 21/9/2021, nhiều cửa hàng trong diện được phép mở cửa đã tạo mã QR dán ở vị trí dễ nhìn ngay cửa ra vào để khách quét khi đến mua sắm. Từ các siêu thị, trung tâm mua bán đến các cửa hàng ăn uống lớn nhỏ đã cơ bản thực hiện yêu cầu này của thành phố để phục vụ công tác truy xuất khi cần thiết. Các cơ sở kinh doanh đều ký cam kết với chính quyền sở tại để tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Trong giai đoạn ứng dụng chính thức duy nhất trên điện thoại thông minh (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid) đang xây dựng, các tổ chức, cá nhân tại Hà Nội sẽ sử dụng 1 trong 4 ứng dụng gồm Bluezone, NCOVI, VHD, VNeID để tạo và quét mã QR.

Động tác quét mã QR đang dần trở thành một thói quen trong thời gian này với nhiều người dân Hà Nội”- một chuyên gia công nghệ nêu nhận xét.

Theo Trung tâm công nghệ phòng, chống Covid-19 quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính riêng đến ngày 16/9/2021, tổng số điểm thực hiện quét mã QR trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội lên 264.054 điểm và tiếp tục tăng mạnh trong những ngày sau đó.

Quét mã QR là một trong những giải pháp công nghệ góp phần bảo đảm ổn định và an toàn khi xã hội hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới.

Tuy nhiên trong khi nhiều cơ sở kinh doanh trong diện được phép mở cửa bán hàng tự giác chấp hành yêu cầu về mã QR thì mức độ chấp hành của khách hàng lại không phải ai cũng tự giác.

Tại các siêu thị, cửa hàng dịch vụ lớn lực lượng bảo vệ đã cắt cử người nhắc nhở khách hàng quét mã QR và thậm chí không cho khách vào giao dịch khi chưa chấp hành yêu cầu này thì tại không ít shop bán hàng nhỏ, việc chấp hành truy cập mã QR dù đã có vẫn bị khách bỏ qua. Nhiều khách khi được nhắc nhở quét mã QR còn “làu bàu”: “vào mua hàng tí thôi, làm gì mà căng thế” hoặc “không mua đây tôi đi mua hàng khác” (!).

Rõ ràng là tuy công tác phòng chống dịch Covid-119 của Hà Nội hiện đã có những tín hiệu khả quan song không vì thế mà chủ quan khinh xuất, đặc biệt là từ góc độ người dân. Chỉ khi người dân chung tay cùng chính quyền, các cơ quan chức năng tuân thủ nghiêm túc các giải pháp chống dịch được đề ra thì tính ổn định của trạng thái bình thường mới khi đó mới có được cơ sở vững chắc, bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sức khỏe cộng đồng.

Quang Lộc

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục