Hà Nội: Nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao

(Banker.vn) Chiều 26-4, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo cùng các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Sẵn sàng kịch bản để đáp ứng mọi tình huống  

Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến rất phức tạp. Ấn Độ hiện là tâm điểm của dịch với số ca mắc và tử vong hằng ngày đều tăng cao. Chỉ trong 24 giờ qua, quốc gia này ghi nhận thêm 349.313 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ đầu dịch và thêm 2.761 trường hợp tử vong. Hiện tại, quốc gia này thiếu nghiêm trọng nguồn lực, trang thiết bị y tế, đặc biệt là oxy để cứu chữa người bệnh. Còn tại khu vực Đông Nam Á, số ca mắc tại Thái Lan, Campuchia, Lào chưa có dấu hiệu giảm.

Trước tình hình trên, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, tại nước ta đã qua 32 ngày không ghi nhận ca mắc mới lây nhiễm trong nước. Còn thành phố Hà Nội đã qua 70 ngày không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng. Thế nhưng, trước tình hình dịch bệnh trên thế giới hiện nay, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập rất lớn. Riêng trong tuần qua, lực lượng chức năng đã phát hiện 3 trường hợp nhập cảnh trái phép từ Campuchia về qua sân bay Nội Bài. Hiện tại, cả 3 trường hợp này đã được cách ly y tế, xét nghiệm cho kết quả âm tính lần 1.

Không chỉ đối mặt với nguy cơ dịch xâm nhập từ người nhập cảnh, theo ông Hoàng Đức Hạnh, tình hình dịch bệnh trong nước được khống chế, nên một số nơi có biểu hiện chủ quan, lơ là công tác phòng, chống. Thêm vào đó, trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới, dự báo lưu lượng người đi lại, du lịch nhiều hơn, tình trạng tập trung đông người sẽ gia tăng, kéo theo đó, nguy cơ dịch bệnh sẽ cao hơn.

Trước thực tế trên, ông Hoàng Đức Hạnh cho rằng, thành phố đã chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch. Cụ thể, sẵn sàng kịch bản nếu xảy ra 100 ca dương tính, thì phải dự kiến chuẩn bị 5.000 chỗ cách ly các trường hợp F1. Ngoài ra, các cơ sở điều trị cũng phải chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc để sẵn sàng điều trị người bệnh. Hiện, các trường hợp dương tính của Hà Nội đều được chuyển về Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2. Tuy nhiên, khi số ca mắc vượt quá khả năng của bệnh viện trung ương, các cơ sở y tế của Hà Nội sẵn sàng tiếp nhận điều trị ca bệnh.

"Ngoài vấn đề điều trị, Hà Nội cũng cần chủ động hoá chất, vật tư tiêu hao để đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm. Cùng với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, thành phố còn có 8 bệnh viện có khả năng xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2. Trong đó, Bệnh viện Thanh Nhàn và Bệnh viện Đa khoa Đức Giang được công nhận đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định", ông Hoàng Đức Hạnh nói.

Báo cáo của các quận, huyện: Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Sóc Sơn, Mê Linh và các sở: Du lịch, Giao thông - Vận tải, Công Thương Hà Nội cho thấy, các đơn vị đang tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, trong đó siết chặt quản lý người nhập cảnh và đưa ra các giải pháp phòng dịch trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 tại các cơ sở hoạt động du lịch, các bến xe...

Riêng Sở Giao thông - Vận tải, cùng với việc xây dựng kế hoạch phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, đơn vị này tiếp tục duy trì 7 tổ công tác kiểm tra việc phòng dịch tại các bến xe, đồng thời yêu cầu 100% lái, phụ xe và hành khách đeo khẩu trang. Cùng với đó, bố trí 62 điểm trực chốt tại các cửa ngõ đi vào thành phố.

Qua kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các quận, huyện, thị xã thời gian qua, bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, các địa phương đã thực hiện chỉ đạo của thành phố trong công tác phòng dịch tại các điểm bầu cử, xây dựng kịch bản phòng dịch cho người dân dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, tại các khu vực công cộng, người dân chưa thực hiện việc đeo khẩu trang, do đó, đề nghị các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra và có biện pháp xử lý, xử phạt.

Hạn chế sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết

Theo bà Trần Thị Nhị Hà, biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 xuất hiện ở Ấn Độ tương tự biến chủng ở Anh, có tốc độ lây lan lớn. Đặc biệt, tỷ lệ người trẻ tử vong do Covid-19 ở đây tăng cao. Điều đó cho thấy, biến chủng này rất nguy hiểm. Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 nhận định, khả năng xuất hiện ca bệnh dương tính trong cộng đồng tại các địa phương trong thời gian tới, do đó, Hà Nội cần lưu ý và không thể chủ quan.

Từ bài học của Campuchia, các ca mắc nhập cảnh trốn khỏi khách sạn và gây dịch tại cộng đồng, bà Trần Thị Nhị Hà cho rằng, các cơ sở cách ly cần tuyệt đối tuân thủ công tác phòng, chống dịch, cách ly người nhập cảnh, nhất là việc cách ly tại khách sạn. Ngoài ra, nguồn bệnh dễ xuất phát từ cơ sở y tế, do đó, giám đốc các bệnh viện, trung tâm y tế cần nghiêm túc và chịu trách nhiệm về việc bảo đảm công tác phòng dịch.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Chử Xuân Dũng cho rằng, trước tình hình dịch bệnh trong nước và trên thế giới như hiện nay, nguy cơ bùng phát dịch tại Hà Nội là rất cao. Chính vì vậy, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị, nâng mức cảnh báo nguy cơ bùng phát dịch lên mức độ cao. Cùng với đó, các địa phương, các sở, ngành tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm và siết chặt các biện pháp phòng, chống dịch. Đặc biệt, các đoàn kiểm tra của thành phố, các sở, ngành, địa phương cần tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm vi phạm trong phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại cuộc họp

"Công tác kiểm tra tập trung vào việc thực hiện nghiêm yêu cầu "5K" của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp... thường xuyên tự đánh giá việc thực hiện các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, cập nhật kết quả tự đánh giá trên hệ thống bản đồ chống dịch. Bên cạnh đó, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...", đồng chí Chử Xuân Dũng lưu ý.

Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu các sở, ban, ngành thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, chủ động cập nhật, hoàn chỉnh các phương án, sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống của dịch, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị, các cơ sở cách ly; tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm "phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình"; thực hiện công tác phòng, chống dịch theo phương châm "bốn tại chỗ".

Trong trường hợp phát hiện ca bệnh, các đơn vị, địa phương phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng. Việc áp dụng các biện pháp cách ly, phong tỏa, giãn cách xã hội phải theo phương châm thiết thực, hiệu quả; bảo đảm an toàn, nhưng không vượt quá quy mô cần thiết và không để sản xuất, kinh doanh bị đình trệ; hạn chế tối đa tác động bất lợi đến các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân.

Trước tình hình hiện nay, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị, tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết. Trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn... theo đúng quy định. UBND các quận, huyện, thị xã phải giữ liên lạc thông suốt trong những ngày nghỉ, tiếp nhận phản ánh, cập nhật, báo cáo kịp thời tình hình dịch bệnh và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Riêng với Sở Y tế Hà Nội, đồng chí Chử Xuân Dũng đề nghị, ngành Y tế thường xuyên rà soát các điều kiện để sẵn sàng đáp ứng mọi tình huống dịch bệnh, đồng thời phối hợp với các đơn vị có liên quan xem xét đề xuất mở rộng các khu cách ly tập trung F1. Chuẩn bị đầy đủ giường bệnh, cơ số thuốc, oxy, trang thiết bị cần thiết để tiếp nhận điều trị bệnh nhân trong trường hợp số ca mắc tăng lên ngoài khả năng tiếp nhận của bệnh viện tuyến trung ương. Cùng với đó, bảo đảm đầy đủ hậu cần cho công tác phòng, chống dịch, đặc biệt là vật tư, hóa chất cho công tác xét nghiệm khi dịch bệnh bùng phát. Ngoài ra, Sở Y tế tăng cường phối hợp với các quận, huyện, thị xã tiếp tục tổ chức tiêm vắc xin phòng Covid-19 đợt 2 và triển khai tiêm cho các đối tượng thuộc các bộ, ngành và tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố Hà Nội theo chỉ đạo của UBND thành phố và Bộ Y tế.

Đồng chí Chử Xuân Dũng cũng yêu cầu, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục tăng cường hoạt động rà soát, phát hiện nhanh các trường hợp nhập cảnh trái phép trên địa bàn, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp nhập cảnh trái phép; yêu cầu các trường hợp tạm trú, tạm vắng khi trở lại thành phố sau dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 phải khai báo y tế.

HNM

Theo Người làm báo

Theo: nguoilambao.vn