Góc nhìn chuyên gia: Lạm phát là kẻ thù của chứng khoán nhưng Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn

(Banker.vn) Ông Phạm Lưu Hưng cho rằng Việt Nam sẽ gần như không chịu ảnh hưởng bởi lạm phát vì chính phủ đã có thể kiểm soát về giá của hầu hết các mặt hàng.

NĐT thận trọng khi tỷ lệ tiền mặt đạt mức cao nhất từ tháng 5/2020

Dưới áp lực Fed tăng lãi suất và căng thẳng địa chính trị giữa Nga và Ukraine, thị trường chứng khoán thế giới, đặc biệt tại các nước lớn, chịu áp lực điều chỉnh và giảm khoảng 10 - 15%. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn duy trì xu hướng đi ngang từ đầu năm đến nay và gần như chưa trải qua tác động quá lớn từ các sự kiện vĩ mô.

Trong báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn toàn cầu, SSI Research nhận định dòng tiền vào các tài sản tài chính giảm mạnh khi nhà đầu tư giảm tỷ trọng các tài sản rủi ro trong danh mục.

Trong tháng 2, tỷ trọng tiền mặt trong danh mục đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 5/2020, theo khảo sát các nhà quản lý quỹ của Bank of America Merill Lynch. Vốn vẫn ghi nhận vào ròng vào thị trường cổ phiếu, tuy nhiên tổng giá trị chỉ đạt 49,9 tỷ USD, giảm 52,8% so với tháng 1.

Dòng tiền này tiếp tục có sự dịch chuyển từ nhóm cổ phiểu tăng trưởng (ví dụ công nghệ) sang nhóm cổ phiếu giá trị (ví dụ năng lượng). Dòng vốn vào các quỹ trái phiếu ghi nhận mức giảm mạnh tháng thứ 2 liên tiếp khi bán ròng 36,2 tỷ USD đến từ áp lực thắt chặt chính sách tiền tệ của Fed.

Góc nhìn chuyên gia: Lạm phát là kẻ thù của chứng khoán nhưng Việt Nam gần như không chịu ảnh hưởng trong ngắn hạn
(Nguồn: SSI Research).

Trong chương trình Bí mật đồng tiền phát sóng trưa ngày 9/3, bà Nguyễn Hằng Nga, Phó Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Vietcombank (VCBF) nhận định việc thay đổi tỷ trọng tiền mặt phụ thuộc vào chiến lược đầu tư của từng quỹ.

Ví dụ như quỹ VCBF sẽ không có chuyện hạ tỷ trọng cổ phiếu và tăng tiền mặt để đợi thời cơ. Theo chiến lược đầu tư giá trị, các quỹ chỉ duy trì tỷ lệ tiền mặt đủ nhằm đáp ứng nhu cầu rút tiền của NĐT.

Trong khi đó, ông Phạm Lưu Hưng, Phó Tổng Giám đốc SSI Research, lại cho rằng đây là tín hiệu khá tốt vì sau khảo sát tháng 2 của Bank of America Merill Lynch, thị trường xấu đi rất nhiều và các nhà quản lý quỹ đang khá thận trọng.

Việt Nam không chịu ảnh hưởng bởi lạm phát trong ngắn hạn

Nhận định về tác động của lạm phát đến thị trường chứng khoán, bà Nga cho rằng "mặc dù lạm phát là kẻ thù của chứng khoán nhưng nếu duy trì ở một mức vừa phải thì rất cần thiết cho tăng trưởng kinh tế".

Nếu lạm phát tăng cao, ngân hàng trung ương sẽ phải tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát. Với mục tiêu lạm phát dưới 4%, chính phủ Việt Nam bắt buộc phải có chính sách thắt chặt tiền tệ, theo đó lãi suất tăng, dòng tiền vào thị trường chứng khoán giảm. Thực tế, lạm phát tăng không có lợi cho tất cả các kênh tài sản, kể cả bất động sản và trái phiếu".

Tuy nhiên, nỗi lo lạm phát tại Việt Nam không quá lớn. Bà Nga lý giải Việt Nam thường đi sau các nước trên thế giới trong quá trình đối mặt với đại dịch COVID-19. Điển hình như vào tháng 6/2020, lạm phát tại Việt Nam tăng 3 – 4% bởi giá thịt lợn lên đỉnh trong khi thế giới không chịu áp lực bởi lạm phát. Bước sang năm 2021, khi các nước mở cửa trở lại nền kinh tế, lạm phát tại Việt Nam duy trì ổn định tại 1,8%.

Dự báo về năm 2022, chuyên gia kỳ vọng cầu sẽ được cải thiện khi nền kinh tế mở cửa. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ trong 2 tháng đầu năm vẫn âm so với cùng kỳ năm trước, điều này cho thấy người dân vẫn còn thận trọng trong chi tiêu. Do đó, kể cả khi giá hàng hoá tăng cao như hiện nay, áp lực lạm phát lên thị trường sẽ không đáng kể.

Cùng quan điểm, ông Phạm Lưu Hưng cho biết, trong ngắn hạn, Việt Nam sẽ gần như không chịu ảnh hưởng bởi lạm phát vì chính phủ đã có thể kiểm soát về giá của hầu hết các mặt hàng.

Thay vào đó, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến câu chuyện lạm phát đình đốn (lạm phát đi kèm với tăng trưởng kinh tế kém) trong dài hạn khi nền kinh tế phục hồi kém hơn so với kỳ vọng của thị trường.

Bảo Ngọc/DNNY

Theo Tạp chí Kinh tế Chứng khoán Việt Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán