Giảm tiêu dùng rượu, bia: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là 'cây gậy thần'?

(Banker.vn) Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia, lựa chọn phương án nào để hài hòa lợi ích, đạt mục tiêu nhận nhiều ý kiến đa chiều.
Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá: Kinh nghiệm quốc tế và đề xuất cho Việt Nam Tổ chức, chuyên gia khuyến nghị gì về thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô?

Bộ Tài chính đang đề xuất 2 phương án tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với nước uống có cồn.

Phương án 1, Bộ Tài chính đề xuất phương án điều chỉnh tăng thuế theo lộ trình. Với rượu từ 20 độ trở lên, năm 2026 sẽ áp dụng mức thuế suất 70%; 2027 là 75%; 2028 là 80%, 2029 là 85% và đến năm 2030 mức thuế này sẽ là 90%. Đối với rượu dưới 20 độ, mức thuế suất từ năm 2026-2030 sẽ ở mức 40 - 60%.

Đối với mặt hàng bia, Bộ này đề xuất, kể từ năm 2026 -2030, mỗi năm sẽ tăng thêm 5% để đến năm 2030 mức thuế tiêu thụ đặc biệt với bia đạt 90%.

Phương án 2, rượu từ 20 độ trở lên sẽ có mức thuế 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030. Với rượu dưới 20 độ, thì mức thuế 50% được triển khai từ năm 2026 và đến năm 2030 đạt mức 70%. Riêng mặt hàng bia, từ năm 2026 -2030 sẽ tăng 5%/năm, đạt mức 80% vào năm 2026 và đạt mức 100% vào năm 2030.

Giảm tiêu dùng rượu, bia: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là 'cây gậy thần'?
Giảm tiêu dùng rượu, bia: Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt có phải là “cây gậy thần”? Ảnh: Anh Thư

Bộ Tài chính kỳ vọng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ làm tăng giá bán, góp phần hạn chế việc sản xuất và tiêu thụ mặt hàng này. Qua đó, hạn chế tác hại của việc uống rượu, bia nhiều, ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Mặt khác, việc định hướng, hạn chế tiêu dùng các sản phẩm rượu, bia góp phần kiểm soát được yếu tố nguy cơ gây bệnh, làm giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong, từ đó giảm áp lực lên hệ thống y tế, giảm quá tải bệnh viện. "Tăng thuế không chỉ góp phần giảm sử dụng ở cả nam và nữ mà còn cản trở tiếp cận của vị thành niên do giá bán tăng", bà Nguyễn Thúy Anh - Vụ Chính sách, Tổng cục Thuế nhận định.

Mục đích của Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu, bia nhận được sự đồng tình của nhiều phía. “Càng cao càng tốt, càng siết chặt càng mừng” là lời chia sẻ của chị Phạm Thị Lan-Hà Nội khi được hỏi về việc tăng thuế dẫn đến tăng giá bán với sản phẩm rượu, bia.

Cũng cho rằng, tăng thuế đối với sản phẩm không có lợi cho sức khỏe như rượu, bia là cần thiết, GS.TS. Hoàng Văn Cường- Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam chia sẻ, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới các quốc gia cần tiếp tục lộ trình tăng cường các biện pháp hạn chế tiêu dùng các sản phẩm này. Do vậy, việc siết quản lý với mặt hàng bia, rượu là phù hợp.

Tuy nhiên, GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng chỉ ra, cần nhìn nhận những tác động của tăng thuế có mang lại hiệu quả như mong muốn khi giảm tiêu dùng hay không. Để nhìn nhận được vấn đề đó phải đánh giá xem rượu bia có co giãn như thế nào với giá cả. “Một sản phẩm tiêu dùng mà co giãn cao so với giá cả thì khi tăng thuế, giá tăng lên và tiêu dùng giảm xuống. Ngược lại, sản phẩm không có giãn nhiều với giá thì khi tăng thuế chưa chắc đã làm giảm tiêu dùng. Đôi khi sẽ tạo ra hiệu ứng tiêu cực trong hành vi tiêu dùng như trốn thuế”, GS.TS. Hoàng Văn Cường nói.

Tại Việt Nam, rượu, bia là sản phẩm tiêu dùng phổ biến với lượng người tiêu thụ cao, thậm chí trở thành thành thói quen thì độ co giãn của sản phẩm này với giá cả sẽ không quá cao, sự thay đổi về giá một chút sẽ không làm thay đổi tiêu dùng và có thể dẫn tới những thay đổi trong hành vi.

Chính vì vậy, khi tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu bia không chỉ dừng lại ở tăng giá sản phẩm mà song song với đó là hoạt động tuyên truyền, vận động người dân nhận thức được về mặt hại của sản phẩm mới có thể đạt được mục tiêu thay đổi được hành vi tiêu dùng”, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam nhận định.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bên cạnh vấn đề “sống còn” của doanh nghiệp, bà Chu Thị Vân Anh- Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát đề cập tới nguy cơ người tiêu dùng sẽ có xu hướng chuyển sang các sản phẩm trôi nổi, rẻ tiền hơn, chất lượng kém, hàng lậu, hàng giả. Bởi lẽ, khi tăng thuế cao sẽ tạo ra khoảng cách lớn về lợi ích giữa sản phẩm chính thống và sản phẩm bất hợp pháp, hàng lậu sẽ tăng cao, tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với sức khỏe người tiêu dùng, phát sinh chi phí cho các cơ quan quản lý thị trường, hải quan để chống hàng lậu, ảnh hưởng tới doanh nghiệp.

GS.TS. Hoàng Văn Cường cũng đồng tình, với mức tăng thuế theo đề xuất liệu có phải là mức để người ta tính toán trong tiêu dùng hay chưa? Có thể với một số người với mức tăng như vậy có thể thay đổi hành vi. Nhưng một số người lại cho rằng mức tăng như vậy không phải vấn đề lớn mà thay đổi hành vi. Thậm chí với một số người có thể mua những sản phẩm rượu bia không chính thức, tự sản xuất, tự nấu. Như vậy chuyển từ hành vi tiêu dùng một sản phẩm được kiểm nghiệm, được đánh giá an toàn sang hành vi tiêu dùng một sản phẩm mới không an toàn. Mục tiêu bảo vệ sức khỏe của người dân lại trở thành có hại cho sức khỏe.

Chính vì vậy, đi kèm với tăng thuế thì tuyên truyền, vận động để làm thay đổi nhận thức, hành vi người tiêu dùng là vấn đề cực kỳ quan trọng”, GS.TS. Hoàng Văn Cường một lần nữa nhấn mạnh.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương