Giá xăng dầu hôm nay 9/4/2024: Thế giới hạ nhiệt, tuột mốc 90 USD/thùng

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 5h ngày 9/4 (theo giờ Việt Nam), giá xăng dầu thế giới nhiệt sau khi tăng cao vào tuần trước. Giá dầu thô hai loại trên thế giới "vụt mất" mốc 90 USD/thùng.

Giá xăng dầu hôm nay 5/4/2024: Ngạc nhiên với giá xăng RON95

Giá xăng dầu hôm nay 8/4/2024: Khả năng tăng cao trong tuần tới?

Trước tuần tăng giá mạnh liên tiếp, giá xăng dầu thế giới ghi nhận quay đầu giảm mạnh vào đầu phiên sáng nay. Cụ thể, giá dầu thô WTI giảm xuống còn 85.38 USD/thùng trong khi đó, giá dầu Brent giảm xuống còn 89.47 USD/thùng - mức giá này đã "vuột mất" mốc 90 USD/thùng. Trước đó, giá dầu tuần qua tăng liên tục 5 phiên đối với cả dầu Brent và dầu thô WTI lên hơn 4% và đạt mức cao nhất trong vòng 5 tháng. Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, dầu Brent đạt 90.86 USD/thùng, dầu WTI đạt 86.91 USD/thùng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Nguyên nhân khiến giá dầu hạ nhiệtdo thị trường tiếp nhận thông tin Israel đã rút bớt một số binh sĩ ở miền Nam dải Gaza khi Tel Aviv và Hamas cử các phái đoàn đến Ai Cập nhằm khởi động lại đàm phán về một lệnh ngừng bắn. Theo Reuters, sự căng thẳng tại khu vực Trung Đông sau khi có thông tin cho rằng các đại sứ quán Israel trên khắp thế giới gặp tình trạng báo động cao do xung đột với Iran.

Theo các nhà phân tích, sự căng thẳng địa chính trị ở Trung Đông cùng với xung đột Nga-Ukraine tiếp diễn sẽ là yếu tố đưa giá dầu tăng cao. Những yếu tố như xu hướng các nhà sản xuất lớn tiếp tục cắt giảm sản lượng và dấu hiệu tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn ở Mỹ đã thúc đẩy đà tăng giá dầu thô thế giới.

Theo báo cáo từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, lượng tồn kho dầu thô của nước này trong tuần kết thúc vào ngày 29/3 tăng 3,2 triệu thùng và trong phiên này, giá dầu chỉ tăng 0,5%. Đến phiên giao dịch thứ 4 của tuần qua, giá dầu tiếp tục tăng 1,5%.

Việc OPEC+ giữ nguyên quyết định cắt giảm sản lượng dầu tự nguyện 2,2 triệu thùng/ngày cùng với nguy cơ gia tăng căng thẳng địa chính trị tại Trung Đông khi Iran tuyên bố sẽ "trả thù" Israel sau vụ tấn công khiến nhiều quan chức quân sự cấp cao của nước này thiệt mạng đã trực tiếp đẩy giá dầu tăng cao.

Giá dầu đi lên trước lo ngại xung đột giữa Israel và Iran có thể leo thang khiến nguồn cung thắt chặt hơn nữa trong tương lai. Như vậy, với 5 phiên tăng liên tiếp, giá dầu thế giới tuần qua ghi nhận tuần tăng cao. Tính chung cả tuần qua, cả giá dầu Brent và dầu WTI đều tăng 4%.

Những tác động khiến giá dầu thể giới có thể tăng lên trên ngưỡng 100 USD mỗi thùng. Với xu hướng tăng ổn định của giá dầu đã làm dấy lên suy đoán rằng giá "vàng đen" có thể đạt ngưỡng 100 USD/thùng. Giá các hợp đồng kỳ hạn đã tăng lên trên mức quan trọng 90 USD/thùng trong bối cảnh xung đột ở Trung Đột có nguy cơ leo thang.

Ông Claudio Galimberti - Phó chủ tịch cấp cao của hãng năng lượng Rystad Energy chia sẻ: "Có rất nhiều lý do địa chính trị để lo ngại về rủi ro nguồn cung, tôi cho rằng việc giá dầu tăng lên mức ba chữ số không còn xa vào thời điểm này. Đây chắc chắn là mức giá có thể đạt được trong vài tháng tới."

Việc tiếp tục cắt giảm sản lượng của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đối tác hay còn gọi là OPEC+ và việc xung đột Nga-Ukraine leo thang là những chất xúc tác chính đẩy giá tăng lên trên ngưỡng 100 USD/thùng trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nhà phân tích này cũng lưu ý rằng công suất dự phòng dồi dào và khả năng bơm thêm dầu ở Trung Đông có thể giúp hạn chế đà tăng giá.

Nhóm phân tích của JPMorgan cho hay: "Bài học từ cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022 đã dạy chúng tôi rằng có nhiều đòn bẩy hiệu quả giúp giảm tác động của việc giá tăng cao. Quan điểm của chúng tôi vẫn là trong bối cảnh đồng USD mạnh lên và chi phí vay cao giúp giá dầu vượt 90 USD/thùng có thể gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng về nhu cầu dầu toàn cầu - như đã xảy ra vào giai đoạn tháng 3-6/2022 và tháng 9-10/2023 – tạo ra một môi trường giá thấp hơn."

Trong nước, giá xăng dầu được áp dụng theo phiên điều chỉnh từ 15h ngày 4/4 của Liên Bộ Tài chính – Bộ Công Thương. Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng lên mốc 23.916 đồng/lít; xăng RON 95 xuống mốc 24.801 đồng/lít. Trong phiên điều chỉnh lần này, giá dầu đồng loạt bật tăng. Đối với giá dầu diesel tăng lên mốc 20.988 đồng/lít, dầu hỏa lên mốc 21.015 đồng/lít. Đối với dầu mazut cũng tăng lên mốc 17.296 đồng/kg.

Theo lý giải của Bộ Công Thương, giá xăng dầu trong nước có sự thay đổi như trên do chịu ảnh hưởng của các yếu tố như: chính sách cắt giảm sản lượng khai thác dầu thô của OPEC+, căng thẳng tại khu vực Trung Đông có dấu hiệu gia tăng, tiếp diễn các hoạt động quân sự của Ucraina nhằm vào cơ sở hạ tầng lọc dầu của Nga…

Các yếu tố nêu trên khiến giá xăng dầu thế giới trong những ngày vừa qua diễn biến tăng, giảm đan xen tùy từng mặt hàng nhưng xu hướng chung là tăng. Liên quan đến Quỹ Bình ổn giá xăng dầu (BOG) tại kỳ điều hành này, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định: Trích lập Quỹ BOG đối với dầu mazut, không trích lập Quỹ BOG đối với các mặt hàng xăng, dầu diesel và dầu hỏa; không chi sử dụng Quỹ BOG đối với tất cả các mặt hàng xăng dầu.

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, cơ quan điều hành đã thực hiện 14 kỳ điều chỉnh giá xăng dầu, trong đó có 9 kỳ tăng đồng loạt, 4 kỳ giảm giá, 1 kỳ giảm giá xăng tăng giá dầu.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán