Giá xăng dầu hôm nay 19/9/2023: Lo ngại xăng trong nước sẽ tăng cao

(Banker.vn) Trong bối cảnh giá dầu thế giới tăng lên đỉnh cao nhất 10 tháng qua, dự báo giá xăng dầu trong nước cũng sẽ tăng mạnh trong kỳ điều chỉnh ngày 21/9 tới.

Giá xăng dầu hôm nay 15/9/2023: Thị trường tiếp tục khởi sắc

Giá xăng dầu hôm nay 18/9/2023: Dự báo bật tăng mạnh mẽ

Theo dự báo của đại diện nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, tuần tới, liên Bộ Tài chính - Công Thương có thể điều chỉnh giá xăng dầu trong nước theo xu hướng tăng mạnh so với giá hiện hành, nếu giá dầu thế giới vẫn "phi mã" như thời gian qua và giữ đỉnh cao nhất 10 tháng.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng) nhận định, với diễn biến giá dầu thế giới như hiện nay, giá xăng trong nước có thể được cơ quan điều hành tăng 800 đồng/lít, giá dầu có thể tăng 700 đồng/lít,kg. "Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá trong nước còn phục thuộc vào ba phiên giao dịch tiếp theo trên thị trường thế giới và phụ thuộc vào việc liên Bộ Tài chính - Công Thương trích quỹ bình ổn như thế nào.

Trên thực tế, thời gian qua, tuy giá xăng dầu tăng liên tiếp nhưng liên bộ hầu như không xả quỹ bình ổn" - ông Phương nói.

Nhiều ý kiến khác còn dự báo giá xăng dầu kỳ điều chỉnh tới có thể tăng mạnh tới 950 đồng/lít đối với xăng và 900 đồng/lít,kg với dầu, nếu liên bộ tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn. Từ đầu năm đến nay, giá xăng đã tăng tới 15 lần và chỉ giảm 7 lần. Và nguy cơ giá xăng dầu quay đầu tăng lại vào kỳ điều chỉnh 21/9 sắp tới là rất rõ nét, khi giá thế giới đang rất cao. Điều này khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng.

Hiện, giá các loại xăng dầu trong nước đang được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/9 của liên Bộ Tài chính - Công Thương. Theo đó, giá xăng E5 RON92 vẫn giữ mức 23.471 đồng/lít, xăng RON95 giữ mức 24.871 đồng/lít so với kỳ trước.

Giá dầu diesel tăng 410 đồng/lít, không cao hơn 23.055 đồng/lít; giá dầu hỏa tăng 374 đồng/lít, không cao hơn 23.188 đồng/lít và giá dầu mazut giữ nguyên 17.704 đồng/kg, mức giá từ kỳ trước. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, giá xăng đã trải qua 26 lần điều chỉnh, trong đó có 15 lần tăng, 7 lần giảm và 4 lần giữ nguyên.

Trên thị trường thế giới, giá dầu WTI đạt 90,12 USD/thùng, tăng 0,11%. Trong khi đó, giá dầu Brent đạt 94,04 USD/thùng, tăng 0,12% vào lúc 5h20 ngày 19/9 theo giờ Việt Nam. Việc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, còn gọi là OPEC+, cắt giảm sản lượng, giá của cả hai loại dầu trên đều đạt mức cao nhất trong gần 10 tháng qua.

Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo hôm thứ Tư rằng thị trường dầu mỏ có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn cung mạnh nhất trong hơn một thập kỷ vào cuối năm nay do việc cắt giảm sản lượng kéo dài của các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia và Nga. Họ dự đoán thị trường dầu mỏ sẽ phải đối mặt với tình trạng thâm hụt 1,2 triệu thùng/ngày (bpd) trong nửa cuối năm nay sau khi Moscow và Riyadh công bố kế hoạch gia hạn xuất khẩu và cắt giảm sản lượng trong thời gian đến năm 2023.

Theo IEA, trong tháng 8, Nga đã thu được 17,1 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô, tăng 11,8% và cao hơn 1,8 tỷ USD so với tháng Bảy. Đây là con số cao nhất kể từ tháng 10/2022 và cao nhất trong những tháng gần đây. Mặc dù khối lượng xuất khẩu dầu và các sản phẩm dầu mỏ giảm 150.000 thùng/ngày xuống còn 7,2 triệu thùng/ngày song giá bán cao đã bù đắp.

Linh Linh (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán