Giá xăng dầu hôm nay 12/10/2022: Giá dầu trong nước tăng mạnh

(Banker.vn) Thông tin từ Bộ Công Thương về kỳ điều hành giá xăng dầu cho biết, dù đã giảm trích lập quỹ bình ổn nhưng giá các loại xăng dầu vẫn tăng mạnh từ 560 - 1.979 đồng/lít.

Xem xét thu hồi giấy phép của thương nhân vi phạm kinh doanh xăng dầu

Giá xăng dầu hôm nay 11/10/2022: Thị trường trong nước có thể tăng 2.000 đồng/lít?

Giá xăng, dầu trong nước đồng loạt tăng mạnh

Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 03/10/2022-11/10/2022) có diễn biến tăng khá cao, nhất là đối với mặt hàng dầu diesel. Nguyên nhân của việc tăng giá mạnh là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi việc cắt giảm sản lượng cao hơn mức dự kiến khá nhiều của OPEC+ (mức dự kiến là 500 thùng/ngày nhưng thực tế đã xem xét giảm sản lượng cho tháng 11 tới hơn 1 triệu thùng/ngày - mức giảm lớn nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch Covid-19 và dự kiến sẽ xem xét cắt giảm 2 triệu thùng/ngày cho thời gian tiếp theo).

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành giá ngày 03/10/2022 và ngày 11/10/2022 là: 91,308 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (tăng 2,132 USD/thùng, tương đương tăng 2,390% so với kỳ trước); 94,235 USD/thùng xăng RON95 (tăng 1,596 USD/thùng, tương đương tăng 1,723% so với kỳ trước;

121,584 USD/thùng dầu hỏa (tăng 8,280 USD/thùng, tương đương tăng 7,309% so với kỳ trước); 133,803 USD/thùng dầu điêzen (tăng 14,122 USD/thùng, tương đương tăng 11,800% so với kỳ trước); 401,812 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S.

Tại kỳ điều hành giá hôm nay 11/10, Bộ Công Thương quyết định trích lập Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5RON92 ở mức 200 đồng/lít (kỳ trước là 451 đồng/lít), xăng RON95 ở mức 400 đồng/lít (kỳ trước là 600 đồng/lít), dầu diesel ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít), dầu hỏa ở mức 0 đồng/lít (kỳ trước là 300 đồng/lít) và dầu mazut ở mức 708 đồng/kg (kỳ trước là 741 đồng/kg). Đồng thời thực hiện chi Quỹ BOG đối với mặt hàng dầu diesel ở mức 200 đồng/lít và không chi Quỹ BOG đối với các loại xăng dầu khác.

Sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Xăng E5RON92: không cao hơn 21.292 đồng/lít (tăng 560 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 715 đồng/lít; Xăng RON95-III: không cao hơn 22.007 đồng/lít (tăng 564 so với giá bán lẻ hiện hành);

Dầu điêzen 0.05S: không cao hơn 24.187 đồng/lít (tăng 1.979 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), nếu không chi Quỹ BOG 200 đồng/lít, giá sẽ tăng 2.179 đồng/lít và giá bán sẽ là 24.387 đồng/lít; Dầu hỏa: không cao hơn 22.820 đồng/lít (tăng 1.132 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg (ổn định so với giá bán hiện hành).

Như vậy, sau 5 kỳ giá xăng dầu giảm liên tục, tại kỳ điều hành giá hôm nay các loại xăng dầu thông dụng đồng loạt tăng giá mạnh. Đây là sự đảo chiều ngoạn mục cho thấy diễn biến giá xăng dầu từ nay đến cuối năm còn nhiều diễn biến bất thường.

Trên thế giới, ghi nhận vào lúc 6h ngày 12/10 (theo giờ Việt Nam), giá dầu giảm mạnh chủ yếu do lo ngại suy thoái kinh tế bào mòn nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc…

Cụ thể, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 89,68 USD/thùng, giảm 0,16 USD/thùng trong phiên. Tuy nhiên, nếu so với cùng thời điểm ngày 11/10, giá dầu WTI giao tháng 12/2022 đã giảm tới 1,59 USD/thùng.

Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 95,91 USD/thùng, giảm 0,28 USD/thùng trong phiên nhưng đã giảm tới 2,52 USD so với cùng thời điểm ngày 11/10.

Áp lực suy thoái kinh tế đang ngày một lớn hơn trước sự leo thang căng thẳng xung đột Nga – Ukraine và dự báo về một làn sóng tăng lãi suất mới của các ngân hàng trung ương.

Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans mới đây đã cho biết hiện Fed đã đạt được đồng thuận cao về việc tăng lãi suất chính sách mục tiêu lên 4,5% vào tháng 3/2023 và giữ nguyên ở đó trong khi có những đánh giá về tác động của nó tới lạm phát và chuỗi cung ứng.

Linh Linh

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán