Giá vàng trong nước điều chỉnh theo xu hướng vàng thế giới

(Banker.vn) Ghi nhận vào lúc 9h ngày 10/8 (theo giờ Việt Nam), giá vàng trong nước đồng loạt giảm 100.000 đồng/lượng tại các cửa hàng kinh doanh. Cùng với đó, giá vàng thế giới cũng giảm do đồng USD yếu. Trong khi đó, giới đầu tư chờ đợi báo cáo chỉ số giá tiêu dùng của Mỹ để có thêm thông tin về con đường thắt chặt chính sách của Fed.

Giá vàng hôm nay 9/8/2022: USD hồi phục, vàng bất ngờ đảo chiều tăng

Giá vàng đồng loạt bật tăng, vàng thế giới đi lên

Giá vàng hôm nay 10/8/2022: USD mất giá, vàng tiếp đà tăng mạnh

Cụ thể, tại Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, Tập đoàn Doji và doanh nghiệp Phú Quý, giá vàng SJC được điều chỉnh giảm 100.000 đồng/lượng cho cả hai chiều giao dịch. Cùng thời điểm khảo sát, hệ thống PNJ niêm yết vàng SJC đứng yên không đổi cho cả chiều mua lẫn chiều bán.

Hiện tại, giá trần mua vào của vàng SJC đạt mốc 66,20 triệu đồng/lượng và giá trần bán ra có ngưỡng 67,20 triệu đồng/lượng. Các loại vàng nữ trang khác giảm trong sáng nay. Cụ thể, giá vàng 24K giảm 50.000 đồng/lượng, vàng tây 18K giảm 40.000 đồng/lượng và vàng 14K giảm 30.000 đồng/lượng cho cả hai chiều mua - bán.

Nguồn ảnh: Internet
Nguồn ảnh: Internet

Trong phiên giao dịch sáng ngày 10/8, giá vàng giao ngay giảm 0,01% xuống 1.793,8 USD/ounce vào lúc 6h41 (giờ Việt Nam), theo Kitco. Giá vàng giao tháng 12 cũng giảm 0,1% xuống 1.810,4 USD. Đồng USD giảm giúp vàng trở nên rẻ hơn đối với người mua ở thị trường nước ngoài.

Tại thời điểm khảo sát, chỉ số USD Index, thước đo sức mạnh của đồng bạc xanh so với các đồng tiền đối thủ trong rổ tiền tệ, giảm 0,14% xuống 106,17. Gần đây, vàng được hưởng lợi từ sự sụt giảm của đồng USD và tình hình Nga - Ukraine, trong khi tâm điểm của thị trường hiện đều hướng về dữ liệu CPI của Mỹ, ông Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures, cho hay.

Báo cáo giá tiêu dùng tháng 7 của Mỹ sẽ được đưa ra vào sáng ngày thứ Tư (10/8) theo giờ địa phương. Kết quả một cuộc khảo sát của Fed tại New York hôm 8/8 cho thấy kỳ vọng của người tiêu dùng Mỹ về mức độ lạm phát trong 1 năm và 3 năm đã giảm mạnh vào tháng 7.

Theo nhà phân tích Craig Erlam của OANDA, một kết quả lạm phát yếu hơn vào ngày mai, đặc biệt là lạm phát lõi, có thể là chất xúc tác (đối với giá vàng) để bứt phá lên đà tăng, trong khi một dữ liệu mạnh hơn có thể khiến 1.800 USD vượt quá tầm tay trong tương lai gần.

Dự báo giá vàng: Xu hướng tăng giá nhiều hơn trong ngắn hạn

Phân tích biểu đồ kỹ thuật, giá vàng kỳ hạn tháng 10 đạt mức cao nhất trong 4 tuần trong ngày hôm nay. Xu hướng giảm giá của vàng tương lai vẫn có lợi thế kỹ thuật tổng thể nhẹ, trong ngắn hạn. Tuy nhiên, một xu hướng tăng giá còn non trẻ đang diễn ra trên biểu đồ thanh hàng ngày, cho thấy xu hướng tăng giá nhiều hơn trong ngắn hạn.

Thị trường đang giằng có giữa mục tiêu tăng giá tiếp theo của xu hướng tăng là tạo ra mức đóng cửa trên mức kháng cự vững chắc ở mức 1.850 USD/ounce. Nhưng mục tiêu giá giảm trong ngắn hạn tiếp theo của xu hướng giảm sẽ có nguy cơ đẩy giá vàng thế giới xuống dưới mức hỗ trợ kỹ thuật vững chắc ở mức 1.750 USD/ounce.

Dự báo, mức kháng cự đầu tiên được nhìn thấy ở mức cao nhất ngày hôm nay là 1.806 USD/ounce và sau đó là 1.825 USD. Mức hỗ trợ đầu tiên được nhìn thấy ở mức thấp nhất hôm nay là 1.788,5 USD và sau đó là mức thấp nhất của tuần này là 1.776,2 USD.

Cuối tuần qua, Thượng viện Mỹ đã thông qua Đạo luật Giảm lạm phát, nhằm mục tiêu giảm nhẹ mức lạm phát kỷ lục thời gian qua. Dự luật bao gồm 430 tỷ USD chi tiêu mới, bao gồm 300 tỷ USD dành cho biến đổi khí hậu và năng lượng sạch. Dự luật hiện đang được gửi tới Hạ viện, nơi nó dự kiến ​​sẽ sớm được thông qua để tới bàn của Tổng thống Joe Biden ký ban hành Luật.

Mặc dù là Đạo luật tên là Giảm lạm phát, nhưng vẫn còn khá nhiều tranh cãi. Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO) phi đảng phái dự báo, các biện pháp của đạo luật sẽ có tác động không đáng kể đến lạm phát; Các đảng viên Đảng Dân chủ cho rằng, dự luật sẽ giải quyết tình trạng tăng giá; Trong khi, các đảng viên Đảng Cộng hòa cho rằng, chi tiêu mới sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát.

Dự luật cũng bao gồm các nỗ lực tăng thuế, mà Văn phòng Ngân sách Quốc hội dự đoán sẽ giúp giảm thâm hụt một chút. Tuy nhiên, đối với cựu nghị sỹ Ron Paul, hành động này là quá ít, quá muộn.

Thanh Hằng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán