Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Vàng "nhảy múa" loạn xạ, chuyên gia nói gì?

(Banker.vn) Giá vàng hôm nay 14/2/2025 tiếp tục biến động mạnh ngay trước thềm Valentine. Sau khi giảm sâu vào buổi sáng, vàng miếng SJC và vàng nhẫn đồng loạt bật tăng trở lại, chốt phiên với mức giá trên 90 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước

Thị trường vàng trong nước ngày 13/2 chứng kiến những cú đảo chiều liên tục với biên độ lên tới cả triệu đồng mỗi lượng, tạo ra nhiều biến động trước ngày lễ Tình nhân 14/2.

Giá vàng hôm nay 14/2/2025: Vàng
Hình minh hoạ

Giá vàng miếng SJC mở đầu ngày với đà giảm mạnh nhưng nhanh chóng bật tăng trở lại. Tính đến thời điểm cuối ngày 13/, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) và Hệ thống PNJ niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức 87,7 - 90,7 triệu đồng/lượng, trong khi Tập đoàn DOJI chốt giá tại 86,7 - 90,2 triệu đồng/lượng.

Vàng nhẫn tròn trơn cũng có phiên giao dịch đầy kịch tính khi mất mốc 90 triệu đồng/lượng vào buổi sáng nhưng nhanh chóng lấy lại trong phiên chiều. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn SJC điều chỉnh giá vàng nhẫn lên 87,7 - 90,5 triệu đồng/lượng; PNJ tăng lên 89 - 90,65 triệu đồng/lượng; DOJI niêm yết 88,6 - 90,2 triệu đồng/lượng.

Theo các chuyên gia, sự biến động mạnh này có thể là dấu hiệu của một đợt sóng lớn sắp tới. Một số ý kiến cho rằng vàng đang bước vào giai đoạn điều chỉnh sau chuỗi ngày tăng nóng. Tuy nhiên, cũng có nhận định rằng nhu cầu mua vàng dịp đầu năm và các yếu tố kinh tế vĩ mô đang giữ vững đà tăng cho kim loại quý.

So với giá vàng thế giới quy đổi theo tỷ giá USD tại Vietcombank, giá vàng trong nước hiện chỉ chênh lệch dưới 1 triệu đồng/lượng, thu hẹp đáng kể so với các phiên trước.

Tổng hợp giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tại các thương hiệu kinh doanh lớn (Chốt phiên 13/2)

Thương hiệu

Vàng miếng SJC (Triệu đồng/lượng)

Vàng nhẫn (Triệu đồng/lượng)

Công ty VBĐQ Sài Gòn SJC

87,7 - 90,7

87,7 - 90,5

Tập đoàn DOJI

86,7 - 90,2

88,6 - 90,2 (Hưng Thịnh Vượng)

Hệ thống PNJ

87,7 - 90,7

89,0 - 90,65

Tập đoàn Vàng bạc Phú Quý

87,7 - 90,7

89,0 - 90,7

Bảo Tín Minh Châu

87,7 - 90,7

89,1 - 90,7

Giá vàng thế giới

Thị trường vàng toàn cầu tiếp tục chứng kiến đợt tăng giá ấn tượng, với mức tăng khoảng 14% kể từ giữa tháng 12/2023. Theo cập nhật lúc 1h20 ngày 14/2 (giờ Việt Nam), giá vàng giao dịch trên sàn Kitco đạt 2.917 USD/ounce.

Động lực chính thúc đẩy vàng tăng giá đến từ nhiều yếu tố kinh tế và địa chính trị. Trong đó, những lo ngại về chính sách thuế quan mới của Mỹ, nhu cầu trú ẩn tài sản trước rủi ro lạm phát, cũng như nhu cầu mua vàng mạnh từ các ngân hàng trung ương và giới đầu tư cá nhân đã góp phần đẩy giá lên cao. Đáng chú ý, giá vàng đã có thời điểm tiệm cận mốc 3.000 USD/ounce, xác lập mức cao kỷ lục mới.

Chuyên gia Gary Wagner từ TheGoldForecast.com nhận định, đà tăng lần này là một chu kỳ mới, diễn ra sau giai đoạn điều chỉnh về mức 2.650 USD/ounce. Ông nhấn mạnh, việc vàng đạt mốc 3.000 USD/ounce chỉ còn là vấn đề thời gian.

Dự báo giá vàng

Dù xu hướng tăng của vàng vẫn mạnh mẽ, một số chuyên gia cũng cảnh báo về khả năng thị trường sắp bước vào giai đoạn điều chỉnh. Theo Gary Wagner, quỹ đạo tăng giá của vàng hiện nay "gần như mang tính parabol", điều này thường dẫn đến những đợt điều chỉnh mạnh. Tuy nhiên, ông cho rằng lần này có sự khác biệt so với các chu kỳ trước, vì các yếu tố hỗ trợ cho giá vàng vẫn rất vững chắc.

Một trong những động lực lớn giúp vàng duy trì mức giá cao chính là tình trạng khan hiếm nguồn cung trên toàn cầu. Trung Quốc và Nga – hai thành viên quan trọng của khối BRICS – đang phải đối mặt với sự cạn kiệt dự trữ vàng do nhu cầu mua vào tăng đột biến.

Tại Trung Quốc, các ngân hàng lớn như Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, Ngân hàng Tiết kiệm bưu điện Trung Quốc… đều thông báo hết hàng đối với các thỏi vàng có trọng lượng từ 5g đến 200g. Theo hãng tin địa phương Yicai, tình trạng này phản ánh nhu cầu mua vàng vật chất của người dân Trung Quốc đang tăng mạnh, bất chấp giá vàng thế giới ở mức cao kỷ lục.

Ở Nga, dữ liệu từ Ngân hàng Trung ương nước này cho thấy, dự trữ vàng của hệ thống ngân hàng thương mại đã giảm 46,4% trong năm 2024, tương đương hơn 33 tấn vàng bị rút khỏi kho dự trữ. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19 vào năm 2020. Hiện tại, tổng lượng vàng do các ngân hàng thương mại Nga nắm giữ chỉ còn khoảng 38,1 tấn, trị giá 3,4 tỷ USD.

Không chỉ các ngân hàng, người tiêu dùng Nga cũng đang gia tăng tích trữ vàng. Theo báo cáo từ Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), người dân Nga đã mua 75,6 tấn vàng trong năm 2024, tăng 6% so với năm trước.

Nhà đầu tư nên làm gì?

Chuyên gia Wu San từ Viện nghiên cứu Ngân hàng Trung Quốc nhận định, mặc dù giá vàng có thể tiếp tục tăng trong ngắn hạn, nhưng rủi ro cũng đang tích tụ dần dần. Ông khuyến nghị các nhà đầu tư nên thận trọng, không nên "bỏ tất cả trứng vào một giỏ", mà cần đa dạng hóa danh mục để giảm thiểu rủi ro từ biến động mạnh của thị trường kim loại quý.

Ngoài ra, các yếu tố kinh tế vĩ mô như chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), diễn biến căng thẳng địa chính trị, và biến động tỷ giá USD cũng sẽ có tác động lớn đến xu hướng của vàng trong thời gian tới.

Với sự gia tăng mạnh mẽ của vàng trong thời gian qua, câu hỏi đặt ra không còn là "Vàng có thể đạt 3.000 USD/ounce hay không?", mà là "Khi nào vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce và sau đó sẽ đi về đâu?".

Giá vàng chiều nay 12/2/2025: Thị trường vàng chấn động, người ôm vàng "khóc ròng" vì mất tiền

Giá vàng trong nước chiều ngày 12/2 tiếp tục xu hướng giảm mạnh, với mức giảm từ 300.000 đồng đến 1,5 triệu đồng/lượng. Trong khi ...

Giá vàng hôm nay 13/2/2025: Người mua ở đỉnh lỗ nặng

Giá vàng giảm mạnh ở chiều thu mua, theo đó người mua vàng tại thời điểm giá đạt mức kỷ lục 93,1 triệu đồng mỗi ...

Thu Hà

Thu Hà

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục