Giá hồ tiêu bật tăng nhưng chỉ mang tính chất thời điểm

(Banker.vn) Trong 2 ngày 3/9 và 4/9, giá hồ tiêu bật tăng trở lại, chạm mốc 164.000 đồng/kg. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc tăng này chỉ mang tính chất thời điểm.
Bài toán cung cầu cho năm tới vẫn thuận theo hướng giá tiêu tăng Dự báo giá tiêu 4/9/2024: Lựa mua sẽ mạnh lên, liệu đỉnh mới có được thiết lập? Giá tiêu hôm nay 4/9/2024: Tăng 4 ngày liên tiếp, đỉnh mới được ghi nhận ở mức 152.000 đồng/kg

Giá tiêu tăng mạnh trở lại

Sau thời gian dài giảm giá và duy trì ở mức thấp, giá hồ tiêu đã bật tăng lại. Cụ thể, theo thông tin từ nhiều nhà vườn và đại lý, giá hồ tiêu (loại đen, khô) giao dịch trong ngày 3 và 4/9 đạt phổ biến 157.000 - 164.000 đồng/kg tùy khu vực và chất lượng hàng, tăng 6.000 - 9.000 đồng so với khoảng nửa tháng trước đó và được xem là mức tốt nhất trong khoảng 1,5 tháng qua.

Giá hồ tiêu bật tăng mạnh nhưng chỉ mang tính chất thời điểm
Giá hồ tiêu bật tăng mạnh nhưng chỉ mang tính chất thời điểm

Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Phúc Sinh Group - cho rằng, giá hồ tiêu quay đầu tăng lại nằm trong dự đoán của một số doanh nghiệp, bởi thực tế nguồn cung mặt hàng này hiện vẫn thấp hơn nhu cầu. Tuy nhiên, diễn biến giá thường mang yếu tố thời điểm, việc tăng giảm trong ngắn hạn vẫn có thể xảy ra vì chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố.

Các doanh nghiệp cũng nhận định, giá hồ tiêu giảm trong vài tháng qua sau khi lập đỉnh chủ yếu do yếu tố mùa vụ và tình hình xuất khẩu, thời gian giao hàng của các doanh nghiệp. Mặt khác, Indonesia đang vào vụ thu hoạch, ngay sau đó là Brazil, và gối vào đầu năm sau Việt Nam sẽ bước vào vụ thu hoạch. Tuy vậy, giá hồ tiêu vẫn có thể tốt ngay cả vào thời điểm thu hoạch nếu tâm lý trữ hàng chờ giá vẫn tồn tại phổ biến tại đại lý, nông hộ.

"Vụ tiêu năm nay, sản lượng của Việt Nam còn ít, còn đâu đó khoảng 40 nghìn tấn, tuy nhiên, giá không tăng như những tháng trước do niên vụ hồ tiêu Indonesia đang vào, Brazil sản lượng có giảm nhưng cũng đang vào vụ tháng 9. Do đó, giá tiêu trong nước đang đứng ở mức hiện nay", ông Lê Đức Huy - Tổng Giám đốc Simexco Daklak - cho biết.

Từ mức đỉnh hơn 180.000 đồng/kg vào giữa tháng 6/2024, giá hồ tiêu quay đầu giảm liên tục khiến người dân và doanh nghiệp ôm hàng hoang mang. Mức giá hiện nay tăng 70-80% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng tâm lý chọn trữ hàng chờ giá vẫn phổ biến, đặc biệt đối với những nông hộ còn hồ tiêu.

Bà Hoàng Thị Liên - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam (VPSA) - cho rằng, giá hồ tiêu đang trong thời điểm chịu nhiều tác động, trong đó, dễ thấy nhất là yếu tố cung cầu, đầu cơ.

Biến động giá quá lớn, tác động mạnh đến doanh nghiệp xuất khẩu

Báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, 8 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 185.000 tấn hồ tiêu thu về khoảng 891 triệu USD, giảm nhẹ 1,4% về sản lượng nhưng giá trị lại tăng mạnh 44,9%. Nguyên nhân do giá xuất khẩu trung bình hồ tiêu 8 tháng năm nay ước đạt 4.810 USD/tấn, tăng mạnh 47% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 8/2024, xuất khẩu hồ tiêu tăng 9,7% về lượng và tăng mạnh 75,1% về giá trị so với tháng cùng kỳ năm 2023, bởi giá trung bình xuất khẩu tăng 69,6%.

Đáng chú ý, đà tăng giá của mặt hàng hồ tiêu được duy trì suốt từ năm 2023 đến nay. Đặc biệt, trong năm nay chứng kiến đà tăng dựng đứng của giá hạt tiêu xuất khẩu, từ 4.000 USD/tấn hồi tháng 1 đã tăng vọt lên mức 5.954 USD/tấn vào tháng 8 (tính giá trung bình).

Về thị trường xuất khẩu, Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất khi chi 205,3 triệu USD để mua gần 43.170 tấn hồ tiêu của nước ta. So với cùng kỳ năm ngoái, hồ tiêu xuất khẩu sang thị trường này tăng 47,5% về lượng và tăng tới 74,9% về giá trị.

Trong Top 3 thị trường xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất, Đức và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là 2 thị trường mua nhiều hồ tiêu nhất của Việt Nam. Cụ thể, lượng hồ tiêu xuất khẩu sang Đức tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, giá trị xuất khẩu thu về đạt trên 57 triệu USD tăng 152,5%. Xuất khẩu hồ tiêu sang Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất cũng tăng 40,2% về lượng và tăng mạnh 113,9% về giá trị.

Theo VPSA, thương mại hạt tiêu toàn cầu giảm mạnh trong nửa đầu năm nay. Trong 5 quốc gia xuất khẩu hồ tiêu lớn nhất thế giới, Indonesia và Ấn Độ có sản lượng xuất khẩu tăng lần lượt 48,3% và 34,1%. Tuy nhiên, Việt Nam và Brazil là 2 quốc gia sản xuất hồ tiêu lớn nhất thế giới và chiếm phần lớn thị phần xuất khẩu trên toàn cầu lại giảm lần lượt 6,8% và 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bà Hoàng Thị Liên cho rằng, sản lượng thu hoạch giảm ở Việt Nam và Brazil là nguyên nhân chủ yếu đẩy giá hồ tiêu tăng trên thị trường thế giới. Hiện nay, lượng hồ tiêu tồn của nước ta không còn nhiều nên những tháng cuối năm nay xuất khẩu mặt hàng này sẽ thấp hơn so với mọi năm và kéo dài cho đến khoảng tháng 3/2025 khi vào vụ thu hoạch mới. Do đó, giá mặt hàng này trên toàn cầu được dự báo tiếp tục tăng và neo ở mức cao.

VPSA cho hay, xét về tổng thể, nguồn cung hồ tiêu niên vụ 2024 - 2025 vẫn thiếu hụt so với nhu cầu, trong đó Brazil và Việt Nam (quốc gia chiếm khoảng 40% sản lượng hồ tiêu toàn cầu) sẽ giảm sản lượng vì chịu ảnh hưởng từ thời tiết cực đoan và diện tích cho thu hoạch giảm đáng kể so với các năm trước. Cụ thể niên vụ 2024 - 2025, sản lượng hồ tiêu Việt Nam được dự báo đạt 160.000 - 170.000 tấn, mức thấp nhất trong nhiều năm gần đây.

Ông Lê Đức Huy cũng nhận định, với hạn hán của Việt Nam trong tháng 5 vừa qua, một số vùng tiêu bị kiệt. Bên cạnh đó, Đắk Lắk sản lượng tiếp tục giảm do sự gia tăng của cây sầu riêng. Với những yếu tố này, dự báo sản lượng hồ tiêu mùa vụ tới không tăng. Sản lượng tiêu có thể bù lại ở vùng Đắk Nông (chuyên trồng tiêu). Nhưng, sản lượng cả vụ tới dự báo chỉ quanh mức 160.000 – 170.000 tấn.

Trong bối cảnh tồn kho chuyển vụ năm nay sang cho năm tới tiếp tục giảm nghiêm trọng. Vì vậy, trong bài toán cung cầu cho năm tới vẫn thuận cho hướng giá lên. Giá tiêu sẽ nằm trong xu thế ở mức cao và khó giảm lại ở mức 100.000 đồng/kg.

Dù nhận định giá sẽ tăng, tuy nhiên, ông Lê Đức Huy lo ngại giống thời điểm cách đây vài tháng, khi giá tiêu lên 160.000 – 170.000 đồng/kg có hiện tượng mua lại để đầu cơ dẫn đến rủi ro rất cao khi lúc giá xuống, bà con không có năng lực tài chính, dẫn đến phải bán tháo.

Vì vậy, ông Huy cũng khuyến nghị nhà sản xuất, nông dân trồng tiêu cần phải tư duy doanh nhân và cần phải có những điều tiết trong việc bán hàng của mình. Cần cung ứng sản phẩm ra thị trường, chỉ giữ lại một phần; tránh tình trạng, người sản xuất lại đi vay mượn để đi đầu cơ, găm hàng. Điều này trái với quy luật thị trường.

“Đầu cơ cần trong trạng thái thoải mái nhất, nếu dưới sức ép lãi vay để đầu cơ thường sẽ không mang lại hiệu quả. Canh tác xong, có sản lượng, cần bán để bù chi phí, tuyệt đối hạn chế tình trạng mua lại đầu cơ”, ông Lê Đức Huy chia sẻ và cho hay, thị trường hiện nay không ai ép ai được, ngay cả các doanh nghiệp cũng không thể ép giá, làm giá

Thị trường mở, thế giới phẳng, áp lực của doanh nghiệp là rất lớn, giá trung bình xuất khẩu hồ tiêu của doanh nghiệp thấp hơn giá bán tại thị trường trong nước. Các doanh nghiệp cũng đang rất khó khăn, trong khi đó nông dân luôn nghĩ doanh nghiệp luôn có lợi nhuận nhiều.

“Ai trên thị trường này cũng đang rất nỗ lực để duy trì, tồn tại chứ đừng nói phát triển bởi biến động giá đang quá lớn, đầu ra thấp hơn đầu vào. Doanh nghiệp khi cần họ sẽ chọn nơi có giá thành đầu vào thấp hơn, trong đó, khả năng nhập khẩu hồ tiêu từ các nước có mức giá thấp hơn cũng là phương án được tính đến”, ông Lê Đức Huy chia sẻ.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục