Giá đồng giảm do chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô và cung cầu

(Banker.vn) Trong hôm qua, yếu tố gây sức ép chính lên nhóm kim loại quý là do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh.
Kim loại quý liệu có còn là kênh trú ẩn an toàn trong thời buổi lạm phát? Giá bạch kim dẫn dắt đà giảm của nhóm kim loại quý

Thông tin từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho biết, kết thúc ngày giao dịch 12/10, ngoại từ niken và quặng sắt, tất cả các mặt hàng kim loại còn lại đều giảm giá. Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc và bạch kim đều đóng cửa trong sắc đỏ, chấm dứt chuỗi tăng 4 phiên liên tiếp.

Cụ thể, giá bạc giảm 0,79% xuống 21,95 USD/ounce và giá bạch kim đóng cửa tại mức 875,8 USD/ounce, sau khi giảm 1,93%. Đây cũng là phiên ghi nhận mức giảm lớn nhất của giá bạch kim trong gần hai tuần. Ngoài ra, giá vàng cũng giảm 0,26%, chốt phiên tại mức 1.868,65 USD/ounce.

Giá đồng giảm do chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô và cung cầu
Giá đồng giảm do chịu sức ép từ yếu tố vĩ mô và cung cầu

Trong hôm qua, yếu tố gây sức ép chính lên nhóm kim loại quý là do đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng mạnh. Đồng bạc xanh và lợi suất trái phiếu được đẩy lên cao sau khi Mỹ công bố số liệu lạm phát tăng cao hơn dự kiến.

Cụ thể, Bộ Lao động Mỹ cho biết chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 của Mỹ tăng 0,4% so với tháng trước, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo. So với cùng kỳ năm ngoái, chỉ số CPI tháng 9 của Mỹ tăng 3,7%, cao hơn 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của giới phân tích.

Dữ liệu này cho thấy lạm phát tại Mỹ tăng cao hơn so với dự đoán. Điều này làm gia tăng lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tiếp tục tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát về mức 2%. Lo ngại này cũng thể hiện rõ trong kết quả khảo sát của công cụ CME Fedwatch. Cụ thể, xác suất FED tăng lãi suất vào tháng 12 hiện đang ở mức 38%, tăng từ mức 28% trước khi chỉ số CPI được công bố.

Do vậy, những mối lo về việc lãi suất tăng cao hơn đã hỗ trợ cho đồng USD tăng trở lại, với chỉ số Dollar Index tăng 0,74% lên 106,6 điểm, trong khi lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng tới 15 điểm cơ bản trong phiên hôm qua.

Lợi suất trái phiếu tăng cao làm giảm sức hấp dẫn của kim loại quý không sinh lợi, trong khi đồng USD mạnh lên làm làm gia tăng áp lực bán đối với bạc, bạch kim bởi chi phí đầu tư ngày càng trở nên đắt đỏ.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi giảm 0,58%. Trái lại, giá quặng sắt ghi nhận phiên tăng thứ hai liên tiếp khi tăng 1,12%, đóng cửa tại mức 117,73 USD/tấn.

Giá đồng phải chịu sức ép kép từ cả yếu tố vĩ mô và cung cầu trong phiên giao dịch hôm qua. Về yếu tố vĩ mô, đồng USD mạnh lên làm giảm sức mua đồng, do chi phí mua đồng vật chất và đầu tư trở nên đắt đỏ hơn.

Về yếu tố cung – cầu, sự yếu kém kéo dài trong lĩnh vực bất động sản tại Trung Quốc đang là một lực cản lớn đối với tiêu thụ đồng, bất chấp mùa tiêu thụ cao điểm đang diễn ra.

Không chỉ vậy, triển vọng tiêu thụ đồng toàn cầu trong ngắn hạn đang khá bi quan. Theo báo cáo Nhóm Nghiên cứu Đồng Quốc tế công bố trước đó, cung và cầu đồng sẽ gần như cân bằng vào năm 2023. Tuy nhiên, đến năm 2024, thị trường sẽ dư thừa tới 467.000 tấn, do nhu cầu ảm đạm.

Trái lại, trên thị trường quặng sắt, quặng sắt vốn là mặt hàng nhạy cảm hơn với các kích thích kinh tế của Trung Quốc. Do đó, giá quặng sắt vẫn giữ được đà tăng do nhà đầu tư lạc quan khi Trung Quốc dự kiến tung ra các biện pháp nhằm vực dậy nền kinh tế.

Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đang cân nhắc phát hành thêm ít nhất 1.000 tỷ nhân dân tệ nợ chính phủ (tương đương 136,94 tỷ USD) để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, theo Bloomberg News.

Giá đồng giao sau 3 tháng trên Sàn giao dịch kim loại London (LME) chốt phiên giảm 0,4% xuống 7.990 USD/tấn. Giá giảm sau khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng của Mỹ tăng nhẹ hơn dự kiến trong tháng 9, nhưng lạm phát cơ bản đã chậm lại. USD tăng mạnh khiến các nhà giao dịch kỳ vọng nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang sẽ đưa ra một đợt tăng lãi suất khác trong năm nay. USD mạnh hơn làm cho hàng hóa được định giá bằng đồng tiền của Hoa Kỳ đắt hơn đối với người mua sử dụng các loại tiền tệ khác.

Các kho dự trữ đồng tại các kho đăng ký LME đạt mức cao nhất trong hai năm là 181.150 tấn, dữ liệu hàng ngày của LME cho thấy, nhưng tồn kho giảm xuống còn 175.100 sau khi hủy bỏ mới 3.525 tấn.

Trên sàn LME, giá nhôm giảm 0,3% xuống 2.206,5 USD/tấn sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 18/9 là 2.195 USD, kẽm chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11/9 là 2.441 USD và giảm 1,3% xuống 2.443,5 USD, trong khi chì giảm 1,6% xuống 2.060 USD sau khi chạm mức thấp nhất kể từ ngày 11/7 là 2.052 USD. Giá thiếc đi ngang ở mức 24.915 USD. Niken tăng 2,1% lên 18.760 USD sau khi chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7/2022 vào thứ Tư.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương