Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai xảy ra nhiều vụ giả danh quân nhân, cơ quan, đơn vị quân đội để lừa đảo. Các hành vi lừa đảo phổ biến là sử dụng điện thoại di động hoặc tài khoản mạng xã hội Facebook, ứng dụng Zalo để lừa đảo, gây tâm lý hoang mang, lo sợ, nhằm dẫn dụ gia đình quân nhân chuyển tiền rồi chiếm đoạt.
Theo đó, các đối tượng gọi điện tự xưng là cán bộ quân đội, liên hệ với gia đình của quân nhân, cung cấp thông tin không đúng sự thật như: Chiến sĩ là con em của gia đình gây thiệt hại tài sản của đơn vị, đang bị xem xét kỷ luật... nếu gia đình chuyển tiền vào số tài khoản của đối tượng cung cấp để đền bù thiệt hại thì đơn vị sẽ bỏ qua lỗi trên, còn không chuyển tiền thì con em họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hay có nhiều trường hợp, các đối tượng sử dụng số điện thoại, tài khoản Zalo (đăng ảnh đại diện của người mặc quân phục) gọi điện, nhắn tin đến một số nhà hàng, dịch vụ nấu ăn, cơ sở bán phân bón, cây giống... đặt mua quà tặng, hàng hóa có giá trị lớn để làm quà biếu; các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật loại hiếm có.
Khi các nhà hàng, cơ sở cây giống không tìm được nguồn hàng theo yêu cầu, đối tượng lừa đảo sẽ hướng dẫn họ liên hệ với "người cung cấp" (nơi có nguồn hàng), nhưng thực chất đây là đồng phạm của các đối tượng trong đường dây lừa đảo. Sau khi nhận tiền cọc chuyển vào tài khoản, "người cung cấp" liền chặn liên lạc và chiếm đoạt.
Như vụ việc ngày 9/7/2023, một đối tượng tự xưng là cán bộ của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) đặt bà Nguyễn Thị Thiết (SN 1955, ngụ xã Xuân Thọ, H.Xuân Lộc; chủ dịch vụ nấu ăn Hương Quê) làm 9 bàn tiệc với giá 18,9 triệu đồng và yêu cầu chở đến nơi sẽ cho người ra nhận. Khi chủ dịch vụ nấu ăn chở đồ ăn đến trụ sở Ban Chỉ huy Quân sự H.Xuân Lộc thì mới biết là bị các đối tượng lừa đảo.
Liên tục xuất hiện những cá nhân mạo danh Bệnh viện, quân nhân quân đội để lừa đảo, trục lợi với phương thức ngày càng tinh vi, trắng trợn. |
Không chỉ lừa đảo với phương thức gọi điện, các đối tượng còn lập facebook, thường xuyên đăng tài hình ảnh mặc quân phục hoặc lấy tên trang facebook giống tên các Bệnh viện quân đội lớn để chào bán sản phẩm thuốc, dịch vụ y tế kém chất lượng.
Với chiêu trò này, các đối tượng lấy tên trang facebook mạo danh lập lờ dễ gây hiểu lầm, như: “Bệnh viện 108”, “Bệnh viện Quân y 108", “Bệnh viện Quân đội 108”... đến sao chép, đăng tải trái phép các bài viết, logo, slogan trên fanpage chính thức của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để tạo uy tín, dễ lừa đảo.
Trên những trang giả mạo, các đối tượng đăng bài viết, tập trung vào chủ đề nhiều người quan tâm, như: “Điều trị dứt điểm tiểu đường không tái phát chỉ với 1 liệu trình”; “thuốc điều trị bạc tóc, thuốc trị nám, sản phẩm làm đẹp được kiểm nghiệm bởi Viện 108”; “bác sĩ hơn 15 năm kinh nghiệm trong ngành thẩm mỹ trực tiếp thực hiện”... Với lời quảng cáo hấp dẫn đó, nhiều người đã tò mò đăng ký mua thuốc và bị bán cho các loại thuốc “rởm”, kém chất lượng với giá... trên trời!
Cùng với việc sử dụng các trang mạng xã hội giả danh, nhiều đối tượng còn có hành vi chèo kéo, mời chào khách hàng là người bệnh, người nhà bệnh nhân để dẫn đi khám tại phòng khám thuộc Bệnh viện.
Cá biệt, có đối tượng ngang nhiên lập một nhóm người giả danh đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 để đi khám bệnh, tư vấn sức khỏe, quảng cáo dược phẩm, tổ chức các tour du lịch kết hợp khám, chữa bệnh.
Trước vấn nạn lừa đảo nở rộ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đề nghị người dân và doanh nghiệp cần nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo. Nếu nghi ngờ đối tượng lừa đảo bằng thủ đoạn tương tự, cần báo ngay cho cơ quan quân sự hoặc cơ quan công an gần nhất để được giải quyết kịp thời. Đối với các đối tượng mặc quân phục, có dấu hiệu gợi ý “có khả năng xin việc, “lo” cho đi học, biên chế vào quân đội...”, người dân cần cẩn trọng, báo ngay đến Ban Chỉ huy Quân sự các cấp hoặc cơ quan công an gần nhất.
Liên quan đến việc mạo danh quân nhân quân đội để lừa đảo, mới đây, Công an huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vừa ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Viết Trung (28 tuổi, trú tại xã Ninh Vân, Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình) và 5 đối tượng khác về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các bị can được xác định đã giả danh bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Quân y 103, Học viện Quân y để lừa đảo bán thuốc, thực phẩm chức năng cho hơn 7.000 người bệnh, chiếm đoạt số tiền gần 50 tỷ đồng.
Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng công an, quân đội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự |
Cũng liên quan đến hành vi này, Nghị định 82/2016/NĐ-CP và Nghị định 29/2016/NĐ-CP nghiêm cấm cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép quân hiệu, cấp hiệu, phù hiệu và trang phục của Quân đội nhân dân Việt Nam và Công an nhân dân.
Tùy theo tính chất, mức độ và mục đích của hành vi mà người giả danh lực lượng công an, quân đội có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, cụ thể:
Đối với hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản:
Về hình sự, người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội không nhằm chiếm đoạt tài sản có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác được quy định tại Điều 339 Bộ luật Hình sự, cụ thể:
Người nào giả mạo chức vụ, cấp bậc, vị trí công tác thực hiện hành vi trái pháp luật nhưng không nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Về hành chính: Căn cứ vào Điều 20 Nghị định 144/2021/NĐ-CP người giả danh lực lượng công an có thể bị xử phạt vi phạm hành chính như sau:
Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân: Phạt tiền 500 nghìn đồng đến 1,5 triệu đồng đối với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Thứ hai, phạt tiền 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi mua, bán hoặc đổi trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Thứ ba, phạt tiền 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi sản xuất trái phép hoặc làm giả trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Hình thức xử phạt bổ sung: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này.
Đối với hành vi, giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản:
Về hình sự, người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự. Khung hình phạt cao nhất của tội này lên đến tù chung thân.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Về hành chính, người có hành vi giả danh lực lượng công an, quân đội nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản thì có thể bị xử phạt với các mức phạt sau đây:
Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi sử dụng trái phép trang phục, cấp hiệu, phù hiệu, số hiệu, giấy chứng minh Công an nhân dân hoặc các giấy tờ khác dành riêng cho lực lượng Công an nhân dân.
Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản và phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi dùng thủ đoạn hoặc tạo ra hoàn cảnh để buộc người khác đưa tiền, tài sản.
Hải Dương
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|