Duy trì và quản lý tiền mặt trong khủng hoảng

(Banker.vn) Với việc bùng phát của biến thể Delta trên thế giới, chúng ta đang ở giữa những thách thức khó khăn nhất trong việc đối phó với đại dịch COVID-19. Đối với các doanh nghiệp, đây là thời điểm quan trọng hơn lúc nào hết để tập trung vào việc quản lý tiền mặt và duy trì hoạt động của doanh nghiệp.

Đây là một trong những nội dung trong ấn phẩm “Duy trì và quản lý tiền mặt” vừa được PwC công bố. Ấn phẩm của PwC cung cấp cái nhìn tổng quan về các câu hỏi cần đặt ra và những lưu ý nổi bật liên quan đến áp lực về quản lý tiền mặt tại các tổ chức và doanh nghiệp.

Khi biến thể Delta tiếp tục ‘thách thức’ cả thế giới, doanh nghiệp bị đẩy vào tình thế bấp bênh khi gặp phải hoặc dự đoán trước những hạn chế đáng kể về tiền mặt và vốn lưu động, bao gồm cả những thử thách tiềm tàng về thanh khoản.

Việc kiểm soát sát sao dòng tiền là vô cùng quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Doanh nghiệp thuộc mọi ngành kinh tế đang phải đối mặt với suy giảm doanh thu. Hơn nữa, việc chậm thu hồi các khoản phải thu và các thỏa thuận thanh toán sớm đã dẫn đến suy yếu dòng tiền. Rõ ràng, một trong những mối quan tâm hàng đầu hiện nay của các tổ chức là phương pháp quản lý tiền mặt.

Khả năng nhận biết tình trạng của lượng tiền mặt sẵn có, cùng việc ước tính nhu cầu tiền mặt, kết hợp với các phương án huy động vốn phù hợp giúp doanh nghiệp có thể đạt được 3 kết quả chính như sau: nhận biết rõ hơn về hiện trạng tiền mặt và quản lý tiền mặt; cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết nhằm giảm thiểu dòng tiền chi ra; triển khai thực hiện các giải pháp tài trợ vốn thay thế.

Nhận định về Việt Nam, ông Mohammad Mudasser, Giám đốc - Dịch vụ Tư vấn Thương vụ của PwC Việt Nam chia sẻ: “Chúng ta đang sống trong một thời kỳ phi thường, đòi hỏi doanh nghiệp tái thiết lập các hoạt động kinh doanh. Trong một thế giới đầy biến động, việc kiểm soát dòng tiền trở nên quan trọng. Bộ phận chức năng ngân quỹ doanh nghiệp có thể giúp đặt ra các ưu tiên cho chi tiêu cho tương lai dựa trên nhu cầu hoạt động, đánh giá các cơ chế tài chính thay thế (như tài trợ chuỗi cung ứng) và sử dụng các dữ liệu cũng như phân tích để tăng cường khả năng quản lý rủi ro giao dịch/ tín dụng".

Ngay từ những ngày đầu bùng phát đại dịch, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các chính sách hỗ trợ khác nhau để giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân. Gói trợ cấp mới nhất theo Nghị quyết 68 / NQ-CP trị giá 1,13 tỷ USD. Theo kết quả của một khảo sát từ VCCI vào tháng 12/2020, có tới 86% doanh nghiệp cho rằng các chính sách hỗ trợ là hữu ích cho hoạt động kinh doanh của họ. Tuy nhiên, việc tiếp cận các gói hỗ trợ này lại không hề dễ dàng.

Trong bối cảnh đó, PwC cho rằng, doanh nghiệp sẽ cần phải cân bằng tài chính và áp lực thanh khoản trước khi được tiếp cận các gói hỗ trợ. Theo đó, PwC đề xuất 8 phương pháp quản lý tiền mặt hiệu quả trong thời kỳ kinh doanh khó khăn, đó là:

Thứ nhất, lập dự báo dòng tiền động ngắn hạn điều chỉnh liên tục với khoảng thời gian dự báo 13 tuần (STCF) và quy trình đang diễn ra.

Thứ hai, phân tích các kịch bản khác nhau và các biện pháp giảm thiểu tác động bao gồm cả tác động đến số dư tiền mặt và các giao ước của các khoản vay. Xác định bất kỳ thiếu hụt tài trợ vốn ròng từ STCF.

Thứ ba, xem xét các quy trình, việc kiểm soát tiền mặt và báo cáo hiện tại (ví dụ: giới hạn ủy quyền, quy trình phê duyệt thanh toán, chiến lược hạn chế rủi ro).

Thứ tư, phân tích chi tiết các khoản chi tiêu để xác định khoản nào có thể được lược bỏ.

Thứ năm, rà soát và phân tích các tài sản ngắn hạn (khoản phải thu, tồn kho …) để xác định có thể chuyển đổi những hạng mục nào thành tiền mặt.

Thứ sáu, thiết lập/trao quyền cho ngân quỹ để đưa ra KPI cho các mục tiêu ngắn hạn cụ thể về quản lý và bảo tồn tiền mặt.

Thứ bảy, đảm bảo tiến độ về việc lập, theo dõi và thu tiền của các hóa đơn. Đưa ra những hạn chế kinh doanh với những khách hàng thanh toán chậm.

Thứ tám, rà soát các phương án huy động vốn, chuỗi cung ứng/tài sản để đảm bảo về nhu cầu sử dụng vốn.

Theo PwC, khả năng nhận biết dòng tiền là chìa khóa cho việc quản lý thanh khoản. Do vậy, thời kỳ biến động như hiện nay đòi hỏi doanh nghiệp tập trung vào quản lý tiền mặt và phát triển bền vững. Khi doanh nghiệp hiểu được tình trạng của lượng tiền mặt sẵn có và dòng tiền, doanh nghiệp có thể: Hiểu rõ hơn về các yếu tố chi phối dòng tiền và kiểm soát tốt hơn các công cụ đòn bẩy tiền mặt; cải thiện chất lượng dự báo dòng tiền và đạt được kết quả như dự báo; đánh giá và cấu trúc các giải pháp tài trợ vốn thay thế ví dụ như tài trợ bằng tài sản luân chuyển; tiết kiệm các khoản chi tiêu không cần thiết để giảm thiểu các khoản rò rỉ tiền mặt; thay đổi tư duy từ “doanh thu và chi phí” theo hướng “văn hóa dòng tiền”.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ