"Dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở"

(Banker.vn) Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở.
Từ vụ cháy "chung cư mini" tới nỗi lo những "chuồng cọp" không lối thoát trên phố cổ Đã xác định nguyên nhân vụ cháy chung cư mini khiến 56 người tử vong Kết luận nguyên nhân vụ cháy chung cư mini ở Khương Hạ: "Giải oan" cho xe điện

Ngày 20/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cho ý kiến vào dự án Luật, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đặc biệt quan tâm tới quy định liên quan xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô. "Thông qua các quy định của dự thảo luật chúng ta có thể hình dung được hình hài phát triển của Thủ đô Hà Nội trong thời gian tới và trong tương lai" - ông Cường nói.

"Dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở"
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Ông Cường nhất trí cao với chủ trương không mở rộng diện tích sử dụng đất của các bệnh viện hiện có, không mở rộng xây dựng mới khu công nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài khu công nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Đồng thời, nhất trí với việc di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị trong đô thị trung tâm không phù hợp với quy hoạch chung của Thủ đô. "Chủ trương này rất đúng và chúng ta đã đặt ra từ khi sáp nhập tỉnh Hà Tây vào Hà Nội nhưng cần phải triển khai sớm và quyết liệt" - ông Bùi Văn Cường nêu.

Theo Tổng thư ký Quốc hội, thực tế phát triển Thủ đô thời gian qua, nhất là sau khi sự kiện đau lòng cháy nhà riêng lẻ mà người dân vẫn gọi là chung cư mini tại khu Khương Hạ, cùng với việc tồn tại hơn 2.000 nhà riêng lẻ khác kiểu chung cư mini cho thấy định hướng xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội có phần khó kiểm soát, ngay cả khi Luật Thủ đô được ban hành năm 2012, tức là cách đây 10 năm.

Thậm chí, trước đó chúng ta đã có Pháp lệnh Thủ đô năm 2000 và chúng ta cũng đặt những chính sách đặc thù cho Thủ đô, rồi các Nghị quyết như Nghị quyết số 97 ngày 27/11/2019 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội, Nghị quyết 115 ngày 16/9 năm 2000 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

"Đó là hệ lụy của việc tập trung dân cư quá đông trong khu vực nội thành, đi kèm với đó là công tác quản lý chưa nghiêm" - ông Cường nhận định.

Vấn đề di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp, cơ sở y tế, cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trụ sở các cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và của thành phố đã đặt ra từ rất lâu, tuy nhiên công tác triển khai vẫn rất chậm chạp.

"Đối chiếu lại với dự án luật, danh mục, biện pháp và lộ trình di dời được ủy quyền để Thủ tướng Chính phủ quyết định, tuy nhiên với hồ sơ dự án luật thì tôi chưa thấy có dự thảo quyết định về biện pháp và lộ trình di dời" - ông Cường nêu, đồng thời cho rằng, đây chính là một dạng văn bản quy định chi tiết mà theo quy định tại Điều 11 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải được chuẩn bị và trình đồng thời với dự án luật.

"Dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở"
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), thành phố, Chính phủ đã vào cuộc rất sớm, bản thân Đảng đoàn Quốc hội cũng đã có 2 lần làm việc với Thường vụ Thành ủy, lần gần nhất đã thống nhất được nhiều vấn đề có tính chất về nguyên tắc, những quan điểm lớn.

Đến nay, qua báo cáo thẩm tra cho thấy những ý kiến khác biệt không còn nhiều và cũng không phải là căn cơ nữa, chủ yếu góp ý để hoàn thiện thêm, ý kiến phát biểu của các cơ quan cũng vậy, đây là điều rất mừng.

Tuy nhiên, về vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy, chữa cháy… Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên có những tiêu chuẩn, quy chuẩn thành phố phải quy định vượt trội hơn hoặc khác biệt hơn so với cả nước.

Nhắc đến chung cư mini, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Pháp luật rà soát lại dự án Luật Nhà ở, dứt khoát không để hợp thức hóa chung cư mini trong Luật Nhà ở. Thậm chí, bây giờ lại biến thành một điều khác trong Luật Nhà ở chuẩn bị trình Quốc hội thông qua.

"Trước đây dự thảo luật đã thiết kế một điều riêng cho chung cư mini bây giờ vẫn giữ nhưng biến thành một điều khác" - Chủ tịch Quốc hội nói, đồng thời đề nghị, phải rà soát lại, không thể hợp thức hóa chung cư mini này trong Luật Nhà ở. Vụ cháy chung cư mini ở Hà Nội vừa qua, các đồng chí thấy rất đau xót, nghiêm trọng. Theo đó, liệu có nên cho phép Hà Nội có quy định riêng về tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng trong các vấn đề giao thông, môi trường, phòng cháy chữa cháy hay không.

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, về bảo đảm trật tự, an toàn xã hội Thủ đô, thực tiễn cho thấy tình hình vi phạm hành chính đang diễn ra rất phức tạp trong lĩnh vực phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm, quảng cáo ở Thủ đô, đòi hỏi phải có giải pháp thích hợp để tăng tính răn đe, phòng ngừa.

Do vậy, Điều 34 dự thảo Luật đã bổ sung 3 lĩnh vực mà Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội được quy định mức phạt tiền cao hơn nhưng không quá 02 lần mức tiền phạt chung do Chính phủ quy định.

Bên cạnh đó, Điều 35 còn quy định biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính chưa được pháp luật hiện hành quy định là ngừng cung cấp dịch vụ tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, phòng cháy, chữa cháy.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục