Dữ liệu tồn kho tiếp đà hồi phục, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm

(Banker.vn) Giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm. Dự kiến giá cà phê trong thời gian tới sẽ chịu áp lực do nguồn cung mới từ Brazil và Indonesia.
Giá cà phê xuất khẩu tăng khi dự báo nguồn cung từ Việt Nam giảm 20% Tình trạng khan hàng tại Việt Nam đẩy giá cà phê xuất khẩu tăng cao

Dữ liệu tồn kho trên Sở ICE-EU tiếp đà hồi phục bên cạnh điều chỉnh về mặt kỹ thuật sau phiên tăng mạnh trước đó là nguyên nhân chính tạo áp lực lên giá Robusta. Dù vậy, mức giá này vẫn nằm trên vùng cao nhất trong 30 năm.

Hơn nữa, tồn kho Robusta trên Sở ICE-EU kết phiên 27/3 tiếp tục tăng thêm gần 500 tấn, lên mức 3.0470 tấn. Điều này đã phần nào xoa dịu lo ngại về tình hình nguồn cung trên thị trường.

Giá Arabica giảm bởi lực kéo từ giá Robusta. Tuy nhiên, những tín hiệu kém khả quan về nguồn cung vẫn xuất hiện trên thị trường kết hợp với sự mạnh lên của tỷ giá USD/BRL đã hạn chế lực giảm của giá.

Giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm mạnh
Giá cà phê Robusta và Arabica quay đầu giảm

Sau gần hai tháng liên tục được cải thiện, tồn kho Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US bất ngờ sụt giảm 1.500 bao loại 60kg trong phiên 27/3. Mức giảm này đã kéo tổng lượng cà phê đang lưu trữ về mức gần 583.880 bao.

Cùng với đó, chỉ số Dollar Index tăng 0,2% trong phiên hôm qua đã hỗ trợ đồng USD và kéo tỷ giá USD/BRL tăng gần 0,4%. Chênh lệch tỷ giá nới lỏng đã thúc đẩy nhu cầu bán cà phê của nông dân Brazil.

Trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô sẽ tiếp tục hướng tới các mức trên 100.000 đồng/kg sau đó hạ nhiệt theo giá thế giới.

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), giá cà phê Robusta liên tục thiết lập các mức đỉnh mới trong 3 tháng đầu năm 2024 do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Giá Robusta giao dịch tại Sở Giao dịch London đạt mức cao nhất 30 năm vào ngày 27/3, tăng lần lượt 30% và 70% so với đầu năm 2024 và cùng kỳ năm 2023.

Marex Group dự báo thâm hụt cà phê Robusta toàn cầu năm 2024/25 là 2,7 triệu bao do sản lượng giảm tại nhà sản xuất hàng đầu là Việt Nam.

Một số nhà bán lẻ đang thay thế cà phê Arabica bằng cà phê Robusta nhằm tránh giá bán lẻ tăng vọt. Nhu cầu ngày càng tăng đang thắt chặt nguồn cung Robusta, dẫn đến giá cao hơn.

Hiệp hội Cà phê Ca cao (Vicofa) dự báo sản lượng vụ 23/24 giảm thêm 10% so với vụ trước đó, về khoảng 1,6 triệu tấn (tương đương 26-27 triệu bao loại 60 kg). Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ngày 26/3 dự kiến, sản lượng cà phê của Việt Nam trong niên vụ 2023/24 có thể giảm khoảng 20% xuống 1,472 triệu tấn - mức thấp nhất trong 4 năm, do hạn hán.

Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, cà phê đã trở thành mặt hàng nông sản xuất khẩu tăng trưởng mạnh nhất trong quý I/2024. Trong 3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD; tăng hơn 44 về lượng và tăng hơn 54% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu nông sản này đã lập kỷ lục lịch sử khi gần cán mốc 2 tỷ USD chỉ sau 3 tháng.

Dữ liệu tồn kho tiếp đà hồi phục, giá cà phê xuất khẩu quay đầu giảm mạnh
3 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 799.000 tấn cà phê, thu về 1,9 tỷ USD

Đáng chú ý, giá xuất khẩu của mặt hàng nông sản này tăng mạnh, bình quân 3 tháng đạt 2.373 USD/tấn. Về chủng loại, Việt Nam tăng xuất khẩu Robusta và Arabica, nhưng giảm xuất khẩu Excelsa và chế biến. Về thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu Robusta sang nhiều thị trường, như: Ý, Tây Ban Nha, Nga, Indonesia, Bỉ, Trung Quốc, Philippines,...

Ba tháng đầu năm 2024 được coi là thời kỳ “hoàng kim” đối với giá cà phê Robusta khi liên tục thiết lập các mức đỉnh chưa từng có trong lịch sử. Nguồn cung ở mức thấp tại các nước xuất khẩu chính, kết hợp cùng nhu cầu tăng mạnh tại các thị trường nhập khẩu hàng đầu tạo thành hỗ trợ kép cho đà tăng của giá cà phê những tháng đầu năm.

Tuy nhiên, sau nhiều tháng đối mặt với tình hình nguồn cung ở mức thấp, thị trường cà phê bắt đầu đón nhận tín hiệu mới từ hoạt động thu hoạch tại Brazil và Indonesia.

Tại Brazil, một số vùng trồng Robusta sớm tại Espirito Santos sẽ bắt đầu vụ thu hoạch cà phê vào đầu quý II/2024. Theo dự báo từ Cơ quan Cung ứng mùa vụ thuộc Chính phủ Brazil (CONAB), sản lượng Robusta vụ 24/25 đạt gần 15 triệu bao, tăng hơn 7% so với vụ trước. Trong đó, Espirito Santos tiếp tục là vùng canh tác chính, chiếm tới 65% tổng lượng Robusta của quốc gia này.

Trong bối cảnh sản lượng cà phê vụ 24/25 được cải thiện, khả năng cao Brazil sẽ tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu giống cà phê giàu vị đắng, nối dài chuỗi kỷ lục gần đây. Tính từ đầu vụ 23/24 (tháng 7/2023) đến hết tháng 2/2024, Brazil đã xuất khẩu khoảng 5 triệu bao Robusta dạng hạt, tăng gấp 5 lần so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, Brazil đã bước vào những tháng cuối của niên vụ, lượng Robusta xuất đi hàng tháng vẫn duy trì 500-600 nghìn bao, là lượng xuất khẩu kỷ lục so với cùng kỳ các vụ trước.

Bên cạnh Brazil, sang tháng 4, Indonesia, quốc gia xuất khẩu Robusta lớn thứ ba thế giới cũng bước vào vụ cà phê mới. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của thời tiết, sản lượng cà phê Robusta thu hoạch trong năm 2024 của nước này bị dự báo ở mức thấp. Dự báo sản lượng vụ 23/24, giảm về mức thấp nhất 12 năm, với khoảng 8,4 triệu bao.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương