Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Không nên luật hóa Liên đoàn Hợp tác xã

(Banker.vn) Tại phiên thảo luận chiều 25/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về Liên đoàn Hợp tác xã tại dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi).
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề về Luật Hợp tác xã (sửa đổi) Không hạn chế số lượng thành viên tham gia hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự án Luật Hợp tác xã (HTX) (sửa đổi) đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 21 và các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách; ngày 21/4/2023 đã được gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội theo quy định.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Dự thảo Luật hiện nay gồm 12 chương với 115 điều, tăng 4 điều so với dự thảo Luật do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và đã cơ bản đáp ứng được quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đặt ra khi sửa đổi Luật.

Về tên gọi của dự án Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu đa số ý kiến đại biểu Quốc hội, giữ nguyên tên gọi của dự án Luật là Luật Hợp tác xã (sửa đổi), đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung tại các điều, khoản và thiết kế lại bố cục, kết cấu của dự thảo Luật bảo đảm thống nhất, đồng bộ, phù hợp với tên gọi của dự án Luật.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Không nên luật hóa Liên đoàn Hợp tác xã
Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) chiều ngày 25/5

Liên quan đến việc thể chế hóa nội dung 08 chính sách tại Nghị quyết số 20-NQ/TW, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, rà soát và chỉnh lý quy định về nguyên tắc, tiêu chí và nguồn vốn thực hiện chính sách, trong đó khẳng định một trong những nguyên tắc thực hiện chính sách là triển khai đồng bộ với Chương trình tổng thể về phát triển kinh tế tập thể, phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực của Nhà nước ở từng thời kỳ.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa luật hóa các nội dung về liên đoàn HTX tại dự thảo Luật theo đúng chủ trương tại Nghị quyết số 20-NQ/TW về việc “Nghiên cứu, xây dựng thí điểm một số liên đoàn HTX hoạt động chuyên môn hóa cao trong một số ngành, lĩnh vực”. Đồng thời, đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng và hoàn thiện hồ sơ, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về thí điểm một số liên đoàn HTX theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu và bổ sung các quy định về điều kiện tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trở thành thành viên HTX, liên hiệp HTX, điều kiện về tổng số thành viên chính thức, số lượng thành viên Hội đồng quản trị, vốn góp tối đa và điều kiện thành lập HTX, liên hiệp HTX.

Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi): Không nên luật hóa Liên đoàn Hợp tác xã
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại phiên thảo luận

Đồng thời tiếp thu, chỉnh lý quy định tại Điều 73 về tài sản góp vốn, tương tự như quy định về tài sản góp vốn tại Luật Doanh nghiệp năm 2020; bổ sung một số quy định mang tính đặc thù đối với HTX, liên hiệp HTX; rà soát, chỉnh lý và bổ sung các quy định về kiểm toán HTX, liên hiệp HTX tại Điều 105 và Điều 106 theo hướng khuyến khích thực hiện kiểm toán nội bộ tại HTX, liên hiệp HTX; đồng thời đề nghị chỉ bắt buộc phải kiểm toán độc lập đối với một số HTX, liên hiệp HTX mà trong hoạt động tài chính tiềm ẩn rủi ro như HTX quy mô lớn, liên hiệp HTX có từ 10 thành viên trở lên.

Góp ý và dự thảo Luật, Đại biểu Mai Văn Hải - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa đề nghị: Tiếp tục cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã nông nghiệp.

Liên quan đến thể chế hóa chính sách phát triển hợp tác xã theo tinh thần Nghị quyết 20-NQ/TW của Đảng đã được tiếp thu nhiều, trong đó có điều khoản dành riêng cho hợp tác xã nông nghiệp. Đại biểu cho rằng nên quy định thêm cơ chế để giúp HTX nông nghiệp tích tụ tập trung đất đai sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hình thành chuỗi chế biến, phân phối sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng sản phẩm OCOP.

Về Quỹ phát triển HTX, đại biểu Mai Văn Hải đề nghị cần phải quy định rõ hơn. Theo đó, đối với Quỹ hợp phát triển HTX ở Trung ương nên giao cho Liên minh HTX Việt Nam quản lý; đối Quỹ phát triển HTX ở địa phương nên giao cho Liên minh HTX ở các tỉnh quản lý.

Tham gia phát biểu ý kiến về chính sách của nhà nước với HTX, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp đề nghị quy định rõ ràng, rành mạch, ngoài có chế độ, chính sách ưu tiên cho hợp tác xã vừa và nhỏ, cần có những ưu tiên, ưu đãi đặc biệt cho các HTX nông nghiệp, do loại hình này khó tiếp cận được nguồn lực về vốn, về đất đai. Vì vậy, đại biểu đề nghị cần tạo điều kiện tiếp cận đất và vốn cho HTX nông nghiệp.

Về tổ hợp tác, đại biểu đề nghị phải đảm bảo tổ hợp tác có tư cách pháp nhân để có thể ký kết hợp tác, ký kết hợp đồng lao động, thực hiện các hoạt động thông thường để hoạt động, phát triển. Về liên đoàn HTX, đại biểu cho rằng không nên luật hóa trong dự án luật lần này, mà nên thực hiện thí điểm, nếu thành công thì sẽ đề xuất, sửa đổi bổ sung Luật Hợp tác xã để đưa vào luật.

Trong khi, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Khánh Hòa cho rằng, cần quy định cụ thể các loại hình HTX. Lý giải về vấn đề này, đại biểu Đỗ Ngọc Thịnh cho biết: Theo quy định quốc tế, HTX là một hiệp hội độc lập, gồm các cá nhân tự nguyện cùng hợp lại để đáp ứng nguyện vọng và nhu cầu chung về kinh tế, xã hội và văn hóa thông qua hoạt động kinh doanh dựa trên vốn chủ sở hữu tập thể và quyền lực được thực thi một cách dân chủ…

Kết thúc phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, qua thảo luận, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Các đại biểu cũng đã tham gia nhiều ý kiến có chất lượng, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự án Luật như về các quy định nhằm thể chế hóa các chính sách của Nghị quyết số 20-NQ/TW, các quy định về tổ hợp tác, tổ chức đại diện, hệ thống Liên minh HTX, quy định về thành viên HTX, tổ chức quản trị HTX, Liên hiệp HTX; vấn đề tài chính, tài sản và quỹ không chia; điều lệ và các nguyên tắc hoạt động của HTX, Liên hiệp HTX; việc huy động vốn từ các thành viên, cho vay nội bộ, góp vốn mua cổ phần; chuyển nhượng vốn góp của thành viên; điều kiện về số vốn, số lượng thành viên chính thức của các tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài và cá nhân là nhà đầu tư nước ngoài trong HTX.

Thu Hường - Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục