Dự án điện khí LNG Thái Bình trị giá gần 2 tỉ USD được trao giấy chứng nhận đầu tư

(Banker.vn) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án điện khí LNG Thái Bình đã được trao tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, tổ chức tại Tokyo vào sáng 16/12/2023
Phấn đấu để dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Thái Bình được chấp thuận chủ trương đầu tư Tỉnh Thái Bình sắp triển khai những dự án trọng điểm nào? Thái Bình chấp thuận chủ trương đầu tư Nhà máy nhiệt điện LNG với quy mô 1.500 MW

Sáng 16/12/2023, trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Nhật Bản. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức.

Tại Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chứng kiến lễ trao 30 thỏa thuận, văn kiện hợp tác giữa các bộ ngành, cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản.

Trong đó, ông Ngô Đông Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Nhà máy điện khí LNG cho liên danh 3 nhà đầu tư gồm Công ty Tokyo Gas, Công ty Điện lực Bắc Kyuden của Nhật Bản và Tập đoàn Trường Thành của Việt Nam. Với công suất 1.500 MW, dự án điện khí này có tổng vốn đầu tư 1,99 tỷ USD.

Dự án điện khí LNG Thái Bình trị giá gần 2 tỉ USD được trao giấy chứng nhận đầu tư
Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình Ngô Đông Hải trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho Dự án Điện khí LNG 1,99 tỷ USD dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: VGP)

Bên cạnh đó, đại diện Công ty Vinfast và Marubeni trao thỏa thuận hợp tác phát triển hệ kinh tế tuần hoàn cho pin xe điện. Công ty Năng lượng xanh DEEP và Nippon Sanso Việt Nam, Mitsubishi Việt Nam trao thỏa thuận hợp tác nghiên cứu khả thi về sản xuất hydro xanh tại Khu công nghiệp Deep C Hải Phòng…

Aeon Mall tiếp tục phát triển hệ thống của mình tại Việt Nam với việc ký thỏa thuận hợp tác nghiên cứu đầu tư trung tâm thương mại tại TP Cần Thơ, tỉnh Bắc Giang.

Trong khi lãnh đạo tỉnh Hà Nam trao thỏa thuận hợp tác với các đối tác Nhật về đầu tư cung ứng nguồn lao động; nghiên cứu phát triển năng lượng sạch tại khu công nghiệp; nghiên cứu phát triển dự án hỗ trợ ngành lắp ráp ô tô…

Tập đoàn FPT và Công ty Yamato Holdings trao thỏa thuận hợp tác toàn diện trong lĩnh vực chuyển đổi số, đào tạo nhân lực, nâng cao năng lực vận chuyển và logistics…

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, sau gần 4 thập kỷ đổi mới, mở cửa và hội nhập, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Quy mô nền kinh tế đạt 409 tỉ USD; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 160 USD lên trên 4.100 USD (tăng hơn 25 lần).

Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với trên 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có những thị trường lớn nhất trên thế giới và ngày càng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, các chuỗi cung ứng.

Trong năm 2023, Việt Nam đã đón nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới đến thăm, đặc biệt đã đón Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Việt Nam đặt mục tiêu phát triển chiến lược đến năm 2030 trở thành quốc gia đang phát triển, có thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Trong đó, lấy nội lực là cơ bản, chiến lược, quyết định, lâu dài, ngoại lực là quan trọng, đột phá; tập trung thực hiện 3 đột phá chiến lược về thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng đã kêu gọi các các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục đến đầu tư và thành công tại Việt Nam, thu được kết quả ngày càng cao hơn; thành công của nhà đầu tư cũng là thành công của Việt Nam.

Đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng Nhật Bản quan tâm hơn nữa đến quyền lợi của người lao động Việt Nam, tạo điều kiện để cộng đồng người Việt Nam tại đây làm sâu sắc hơn, đậm đà hơn, bền chặt hơn quan hệ Việt - Nhật.

Ngọc Linh

Theo: Báo Công Thương