Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (bài 1): Hồ sơ dự thầu sai sót hàng chục tỷ đồng

(Banker.vn) Ở 2 gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, hồ sơ dự thầu của Thủy lợi Thừa Thiên Huế cùng liên danh đã có những sai sót hàng chục tỷ đồng.
Thừa Thiên Huế: Gần 300 vận động viên tham gia hội thao nghiệp vụ chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ Thừa Thiên Huế: Hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số Điểm tin Công Thương–Pháp luật 3/10: Kiểm điểm trách nhiệm chủ tịch huyện trong đấu thầu; truy thu 6 tỷ tiền thuế

Lỗi số học làm lợi cho nhà thầu trúng thầu

Đầu năm 2023, Ban Quản lý Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (Dự án CTMTN TP. Huế) đã tổ chức đấu thầu 4 gói thầu (42, 44, 45 và 46), thuộc Dự án CTMTN TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Các gói thầu này có nguồn vốn từ phần vốn dư kết khoảng 1.500 tỷ đồng trong tổng kinh phí đầu tư khoảng 24,8 tỷ yên (khoảng 5.052 tỷ đồng) cho Dự án CTMTN TP. Huế, từ nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.

Công tác đấu thầu các gói thầu nói trên đã được Ban Quản lý Dự án CTMTN TP. Huế phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện một cách nghiêm túc, đúng theo quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, kết quả đấu thầu sau đó đã gặp phải sự phản ứng của một số doanh nghiệp, cho rằng có việc gian lận, cạnh tranh không lành mạnh trong đấu thầu, có dấu hiệu vi phạm Luật Đấu thầu, Luật Cạnh tranh.

Theo hồ sơ Báo Công Thương có được, biên bản mở thầu và thông báo trúng thầu của 2 gói thầu số 42 và 44 đã có sự vênh nhau rất lớn về số tiền, lên tới hàng tỷ đồng, theo hướng có lợi cho nhà thầu trúng thầu.

Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế (bài 1): Hồ sơ dự thầu sai sót hàng chục tỷ đồng
Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế cùng liên danh thi công một gói thầu thuộc Dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế

Cụ thể, theo hồ sơ Báo Công Thương có được, gói thầu số 44 có 3 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Liên danh Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ đức 1 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát – Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế (Nhà thầu số 1); Liên danh Công ty TNHH Xây dựng thương mại dịch vụ D.N.T – Công ty cổ phần Bê tông ly tâm Đồng Nai (Nhà thầu số 2); Liên danh Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát Công trình Thanh Tuấn, Công ty Cổ phần tập đoàn 136, Công ty Cổ phần Xây dựng Quang Đại Việt (Nhà thầu số 3).

Kết quả mở thầu vào ngày 8/2/2023 cho thấy, Nhà thầu số 1 bỏ thầu 254,47 tỷ đồng; Nhà thầu số 2 bỏ thầu 246,3 tỷ đồng; Nhà thầu số 3 bỏ thầu 273,94 tỷ đồng.

Do Nhà thầu số 2 có tổng điểm đề xuất kỹ thuật không đạt, nên hợp đồng đã được trao cho Nhà thầu số 1: Liên danh Công ty Cổ phần Bê tông ly tâm Thủ đức 1 – Công ty TNHH Xây dựng Thành Phát – Công ty Cổ phần Xây dựng Thuỷ lợi Thừa Thiên Huế.

Sự việc nếu chỉ dừng lại ở đây sẽ chẳng có gì đáng bàn. Kết quả trúng thầu được gửi tới các nhà thầu vào ngày 28/4/2023 có sự khác biệt rất lớn so với kết quả được công bố tại buổi mở thầu. Theo đó, giá Nhà thầu số 1 trúng thầu là 259,73 tỷ đồng, chênh lệch khoảng 5,2 tỷ đồng so với kết quả mở thầu, theo hướng có lợi cho nhà thầu.

Hồ sơ phóng viên Báo Công Thương có được cho thấy, quá trình kiểm tra lỗi số học, tổ chấm thầu phát hiện Nhà thầu số 1 có một lỗi số học, thuộc loại 33.1 (a). Lỗi số học đã được phát hiện và chỉnh sửa dẫn đến giá đánh giá của Nhà thầu số 1 khác so với giá đọc tại buổi mở thầu.

Cụ thể, lỗi số học này đến từ hạng mục “đóng cọc cừ máng BT dự ứng lực SW740 dưới nước Chiều cao máng cọc 60-84cm phần cọc ngập đất”. Giá dự thầu hạng mục này là 10,88 tỷ đồng, sau chỉnh sửa là 15,68 tỷ đồng, tăng 4,8 tỷ đồng cùng với chi phí dự phòng hơn 448 triệu đồng, dẫn tới chênh lệch như nói trên.

Trượt thầu đáng tiếc!

Theo hồ sơ, gói thầu số 42 có 3 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu, gồm: Liên danh Công ty Cổ phần Xây dựng Công trình 568 – Công ty Cổ phần Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên Huế (Nhà thầu số 1); Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Nông thôn (Nhà thầu số 2) và Liên danh Tổng công ty 36 – CTCP – Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ D.N.T – công ty TNHH Xây dựng Thương mại Tường Vy (Nhà thầu số 3).

Kết quả mở thầu vào ngày 19/1/2023 cho thấy, Nhà thầu số 1 bỏ thầu 266,49 tỷ đồng; Nhà thầu số 2 bỏ thầu 215 tỷ đồng; Nhà thầu số 3 bỏ thầu 257,2 tỷ đồng.

Tương tự, ở gói thầu số 42 này, Nhà thầu số 1 gắn với cái tên Thủy lợi Thừa Thiên Huế là đơn vị trúng thầu có lỗi số học theo hướng giảm 10,2 tỷ đồng, dẫn tới kết quả trúng thầu được thông báo là 256,23 tỷ đồng. Kết quả này thấp hơn giá bỏ thầu của Nhà thầu số 3 chỉ khoảng 1 tỷ đồng.

Theo hồ sơ, lỗi số học này đến từ lỗi tính toán liên quan đến số tiền do số lượng và đơn giá sai; lỗi liên quan giữa các phụ tổng và các tổng; sai lệch giữa giá bằng chữ và số và khối lượng tổng hồ sơ dự thầu khác với khối lượng bảng khối lượng của hồ sơ mời thầu.

Song theo báo cáo của Ban Quản lý Dự án CTMTN TP Huế, đây không phải nguyên nhân dẫn tới Nhà thầu số 1 trúng thầu. Nguyên nhân Nhà thầu số 1 trúng thầu là do Nhà thầu số 2 và số 3 có tổng điểm đề xuất kỹ thuật không đạt tổng điểm yêu cầu tối thiểu (800 điểm) được quy định trong hồ sơ.

Đáng tiếc nhất là Nhà thầu số 3 có năng lực kinh nghiệm rất tốt, giá dự thầu trước khi hiệu chỉnh lỗi số học thấp hơn hẳn so với Nhà thầu số 1. Tuy nhiên, Nhà thầu này không đạt do chỉ nộp 1 hợp đồng và 2 phụ lục hợp đồng để chứng minh kinh nghiệm; thay vì 2 hợp đồng theo hồ sơ mời thầu.

Chỉ là tình huống trong đấu thầu?

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh, Giám đốc Ban quản lý Dự án CTMTN TP. Huế cho biết, pháp luật Việt Nam cũng như hướng dẫn của JiCa (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) rất cụ thể. Việc chỉnh sửa lỗi số học cũng được nhà tài trợ tham vấn một tư vấn độc lập ở Nhật Bản và chấp thuận kết quả như vậy.

“Việc tổ chuyên gia đánh giá chúng tôi hết sức tôn trọng. Cách làm của họ tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn về đánh giá tài chính trong hồ sơ dự thầu, chỉnh sửa lỗi số học, thể hiện chính xác hoá hồ sơ dự thầu”, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh khẳng định.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh cho biết thêm, sự việc này là một tình huống trong đấu thầu. Rất nhiều cuộc đấu thầu có việc này. Pháp luật và hướng dẫn của Jica đã lượng định.

Ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh cũng khẳng định không có việc rút hồ sơ ra để sửa đổi. “Sau khi mở tất cả hồ sơ dự thầu đều được các chuyên gia ký vào bản gốc, từng trang một và được quản lý một cách rất chặt chẽ, tại một kho riêng ở Ban Quản lý theo đúng quy định”, ông Nguyễn Thanh Tuấn Anh giải thích.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin./.

Đại Anh

Theo: Báo Công Thương