Đồng hành cùng doanh nghiệp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

(Banker.vn) Trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 ở rất nhiều địa phương trong cả nước các doanh nghiệp đang gặp phải những biến động tiêu cực của thị trường, nhất là trong hoạt động sản xuất kinh doanh, gặp phải nhiều khó khăn thách thức, số lượng doanh nghiệp phải giải thể, xin chấm dứt hoạt động và tạm ngừng hoạt động có chiều hướng gia tăng.

Điều chỉnh 428 dự án thuộc danh mục đấu giá quyền sử dụng đất 2022

Chuẩn bị đưa dự án Resort Sao Mai Thanh Hóa đi vào hoạt động

Thanh Hóa điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam

Gỡ khó cho doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Đề án phát triển huyện Thọ Xuân đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành huyện công nghiệp, phấn đấu trở thành thị xã trước năm 2030

Trước thực trạng đó, để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn, nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Thời gian gần đây chính quyền huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung ưu tiên khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp phát triển bền vững cả về lượng và chất, góp phần rất lớn cho tăng thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội như tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo.

Theo kết quả tổng hợp tính đến 31/12/2022, trên địa bàn huyện Thọ Xuân có 627 doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 12.000 lao động. Doanh thu thuần của doanh nghiệp trên địa bàn huyện tính đến 31/12/2022 là 3.777 tỷ đồng (tăng 18,4% so với cùng kỳ); lợi nhuận trước thuế là 15,398 tỷ đồng (tăng 7,9% so với cùng kỳ). Tổng số thuế đã nộp vào ngân sách nhà nước năm 2022 là 47,23 tỷ đồng (tăng 22% so với cùng kỳ).

Từ ngày 1/1/2022 đến 31/12/2022, trên địa bàn huyện đã thành lập mới được 172 doanh nghiệp, đạt 107,5% kế hoạch huyện giao và đạt 111% kế hoạch tỉnh giao. Việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp trên địa bàn huyện (dự án doanh nghiệp được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư) được quan tâm đẩy mạnh. Hiện nay, đã có 34/79 dự án đã được giao đất, cho thuê đất đã đầu tư cơ bản hoàn thành, đi vào hoạt động; còn lại 45/79 dự án đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ thủ tục.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lý Đình Sỹ - Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân cho biết: "Trong năm 2022 doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn phải chấm dứt hoạt động và tạm ngừng hoạt động không nhiều. Chỉ có một vài doanh nghiệp may hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ đứng ra nhận lại các đơn hàng của doanh nghiệp lớn, khi thiếu đơn hàng họ phải dừng sản xuất tạm thời một thời gian ngắn nên không ảnh hưởng đến tình hình chung".

Gỡ khó cho doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Công ty TNHH Thọ Xuân Corporation 100% vốn đầu tư từ thuộc tập đoàn Seyang đã hoàn thành đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động trên địa bàn

"Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc, khuyến khích doanh nghiệp phát triển bền vững chúng tôi luôn chủ động đồng hành hỗ trợ trong suốt quá trình hoạt động, kịp thời nghe, nắm bắt khó khăn, vướng mắc; tạo điều kiện, cơ hội để các doanh nghiệp được giao lưu, gặp gỡ. Đặc biệt chú trọng vào đổi mới chất lượng điều hành và giải quyết khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục hành chính, luôn công khai, minh bạch và đúng quy định, thể hiện quyết tâm của huyện trong việc tạo bước đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư", Phó chủ tịch UBND huyện Thọ Xuân nhấn mạnh.

Trong năm 2022, huyện Thọ Xuân đã triển khai đồng bộ các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế tiền thuê đất đối với doanh nghiệp trên địa bàn. Ngoài các cơ chế hỗ trợ của trung ương, của tỉnh, huyện ban hành và đang triển khai thực hiện cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển trên địa bàn huyện theo Đề án phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025, Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn theo chuỗi giá trị giai đoạn 2021 – 2025, Đề án phát triển du lịch huyện Thọ Xuân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

UBND huyện giao các phòng chuyên môn chủ động theo dõi, nắm bắt tình hình triển khai thực hiện các dự án của doanh nghiệp; thường xuyên tổ chức giao ban, tổ chức gặp gỡ chủ đầu tư về tiến độ thực hiện các dự án, kịp thời hỗ trợ, giải quyết hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết kịp thời những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện, tập trung công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn vướng mắc về giải phóng mặt bằng, hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng, như: dự án Cụm công nghiệp Thọ Minh, Cụm công nghiệp Xuân Lai, Cụm công nghiệp Thọ Nguyên; dự án Công viên sinh thái tre luồng Thanh Tam; dự án số 2, khu đô thị mới Sao Mai, Lam Sơn - Sao Vàng; dự án đầu tư Khai thác hạ tầng Khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng…

Gỡ khó cho doanh nghiệp tạo môi trường đầu tư thông thoáng
Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, quy mô lớn tại Lam Sơn - Sao Vàng

Chủ động, kịp thời hỗ trợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ, các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của UBND tỉnh Thanh Hóa, cụ thể: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho 260 đơn vị, 10.663 người, số tiền giảm mức đóng là 1 tỷ 999 triệu đồng. Hỗ trợ người sử lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 1 doanh nghiệp là Công ty may xuất khẩu Xuân Lam, với 108 người, số tiền 994.680.000 đồng. Giảm mức đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cho 233 đơn vị, 8.653 người, số tiền giảm quỹ hơn 3 tỷ đồng.

Phối hợp sở, ngành, đơn vị liên quan đã tổ chức 3 lớp bồi dưỡng doanh nhân và 1 lớp khởi sự kinh doanh nhằm trang bị, bổ sung kiến thức kinh doanh cho các chủ, bộ phận quản lý của doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng kinh doanh.

Trong thời gian tới, huyện Thọ Xuân tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình số 24 ngày 12/10/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 115 ngày 19/12/2021 của HĐND huyện Thọ Xuân về việc thông qua Đề án phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021-2025; Đề án số 3305 ngày 14/12/2021 về Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch số 79 ngày 02/4/2022 về Thực hiện Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025;…

Tăng cường tổ chức đối thoại doanh nghiệp, giải quyết phản ánh, kiến nghị tiếp tục được quan tâm thực hiện thường xuyên, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. theo dõi, nắm chắc tình hình sản xuất, kinh doanh, kịp thời hỗ trợ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phục hồi, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.

Cùng với các chính sách của tỉnh, huyện, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn cũng cần đoàn kết, chia sẻ, gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu cùng phát triển bền vững. Chủ động duy trì và phát triển doanh nghiệp theo hướng đổi mới tư duy, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn; tích cực nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý; ứng dụng công nghệ mới, nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, xây dựng uy tín, thương hiệu để nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Đồng thời thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tích cực tham gia các cuộc vận động thực hiện các chính sách xã hội của chính quyền tỉnh, địa phương và phát huy mạnh mẽ vai trò của các Hiệp hội doanh nghiệp.

Nhật Nam

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán