Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là một trí thức yêu nước lớn - nhà văn hóa lớn, một nhà hoạt động chính trị suốt đời theo đuổi lý tưởng cách mạng. Cuộc đời của Đồng chí gắn với các giai đoạn thăng trầm của đất nước: Giai đoạn nhân dân ta đấu tranh chuẩn bị giành độc lập dân tộc, tiến tới Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công; trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ trường kì gian khổ; những năm tháng xây dựng lại đất nước Việt Nam thống nhất trong điều kiện đầy cam go, khó khăn, thách thức…
Kỉ niệm 110 năm ngày sinh đồng chí Huỳnh Tấn Phát (15/02/1913 - 15/02/2023), chúng ta nhớ tới Đồng chí - người chiến sĩ cộng sản trung kiên, nhà lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước, Mặt trận; tri ân những công lao to lớn, những đóng góp quan trọng của Đồng chí trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Huỳnh Tấn Phát - Nhà trí thức yêu nước, người cộng sản kiên trung
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/02/1913, tại xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi còn nhỏ, Đồng chí học tiểu học rồi trung học ở Trường Trung học Mỹ Tho, sau đó lên Sài Gòn học Trường Pétrus Ký (ngày nay là Trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong). Năm 1933, người thanh niên Huỳnh Tấn Phát thi đậu khoa Kiến trúc khóa 8 Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - Hà Nội, đến năm 1938, Huỳnh Tấn Phát tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát và vợ trong kháng chiến chống Mỹ - Ảnh tư liệu (baochinhphu.vn)
Là người con sinh ra trên quê hương cách mạng Bến Tre, từ nhỏ đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, đồng bào sống trong cơ cực, lầm than dưới ách thực dân xâm lược, đã dần ấp ủ trong con người Huỳnh Tấn Phát lòng yêu nước, hoài bão lớn muốn đem hết tài năng và trí tuệ để cống hiến. Khi ngồi trên ghế nhà trường, ý thức cách mạng luôn nung nấu, thôi thúc Huỳnh Tấn Phát giác ngộ lý tưởng cộng sản và đi theo cách mạng. Đặc biệt, qua tiếp xúc với một số tờ báo cách mạng và cuộc đấu tranh trên báo công khai, đồng chí Huỳnh Tấn Phát càng nhận thức sâu sắc về phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Với tấm bằng thủ khoa ngành Kiến trúc, Huỳnh Tấn Phát trở về Sài Gòn làm tập sự tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon, người Pháp, một năm sau đó Đồng chí mở văn phòng kiến trúc sư riêng. Tuy nhiên, Huỳnh Tấn Phát lại tự nguyện gắn đời mình với sự nghiệp cách mạng.
Năm 1944, đồng chí Huỳnh Tấn Phát làm Chủ nhiệm tờ Tuần báo Thanh Niên, hoạt động mạnh mẽ trong phong trào “Xếp bút nghiên lên đường tranh đấu” của thanh niên, học sinh, sinh viên miền Nam, phong trào “Truyền bá chữ quốc ngữ”, “Thanh niên tiền phong”, phong trào “Cứu đói Bắc Kỳ” ở Nam Kỳ. Đồng chí là người tập hợp lực lượng, cổ động, tuyên truyền, thuyết phục mọi tầng lớp trong xã hội tham gia phong trào yêu nước, giác ngộ cách mạng, đào tạo, bồi dưỡng hàng loạt cán bộ cốt cán tham gia tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 05/3/1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bí mật kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cách mạng tháng Tám diễn ra, Đồng chí cùng một số trí thức Nam Bộ tham gia cướp chính quyền ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Khi thực dân Pháp quay trở lại chiếm Sài Gòn, đồng chí Huỳnh Tấn Phát bị chúng bắt và bị kết án hai năm tù, giam cầm tại Khám Lớn Sài Gòn. Ra tù, Đồng chí tiếp tục hoạt động tại nội thành Sài Gòn, đến năm 1949, Đồng chí ra chiến khu và được Đảng phân công giữ nhiều cương vị khác nhau như Ủy viên Ủy ban Hành chính Nam Bộ, Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh Tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do.
Năm 1954, Đồng chí về lại Sài Gòn làm việc tại văn phòng của kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thiện, khéo léo tạo vỏ bọc vừa hành nghề kiến trúc vừa hoạt động cách mạng. Thời gian này, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Thành ủy Sài Gòn, phụ trách công tác trí vận, rồi làm Ủy viên Ủy ban kháng chiến đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn, tham gia các phong trào đòi hòa bình, tự do, dân chủ, thống nhất đất nước, đòi thi hành Hiệp định Genève.
Năm 1960, Đồng chí tham gia Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, giữ chức vụ Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương, đồng thời là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Dân tộc Giải phóng khu Sài Gòn - Gia Định. Tháng 6/1969, Đồng chí được Đại hội đại biểu quốc dân miền Nam bầu làm Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Đất nước thống nhất, hòa bình lập lại trên hai miền Nam - Bắc, năm 1977, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Từ năm 1982 - 1989, Đồng chí là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, VI, VII, VIII.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã dành trọn vẹn cả tâm và lực cho cách mạng, một mẫu người trí thức dám dấn thân, hòa mình vào cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất cho đất nước. Ở cương vị nào Đồng chí cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước Nhân dân và Tổ quốc.
Tấm gương tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc
Cả cuộc đời đồng chí Huỳnh Tấn Phát gắn liền với sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc và có những cống hiến to lớn trong sự nghiệp cao cả này. Từ khi bắt đầu tham gia phong trào yêu nước cho đến khi được bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Đồng chí liên tục được phân công đảm nhiệm công tác vận động quần chúng; vừa là người tổ chức, chỉ đạo, vừa là người trực tiếp làm công tác phong trào. Thời kỳ tiền khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã gắn bó với công tác tuyên truyền vận động quần chúng ở các thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn để cùng nhiều đồng chí khác như Tám Lựu, Hoàng Quốc Tân, Vũ Tùng... vận động trí thức tham gia Mặt trận Liên Việt gây dựng các phong trào đấu tranh chính trị như “đòi hòa bình”, “đòi đế quốc Pháp phải công nhận quyền độc lập của Việt Nam”...
Năm 1954, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Huỳnh Tấn Phát nhận nhiệm vụ ở lại nội thành Sài Gòn hoạt động cách mạng, trên cương vị là Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn phụ trách công tác vận động quần chúng. Thời điểm này chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm đàn áp khốc liệt phong trào yêu nước và cách mạng, nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã kiên trì hoạt động không mệt mỏi, xây dựng được mạng lưới cơ sở trong tầng lớp nhân sĩ, trí thức và công chức chính quyền Sài Gòn để đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi thực hiện hòa bình, thống nhất đất nước.
Các phong trào đấu tranh đã giáng cho địch một đòn chính trị chí tử, lột trần bản chất cuộc chiến tranh xâm lược phi nghĩa của đế quốc Mỹ. Và hơn thế, đã củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc chung quanh Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam do Đồng chí là một trong những thành viên chủ chốt, quy tụ mọi giới bằng uy tín và đức độ của mình.
Cùng với Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã có những cống hiến nổi bật trong sự nghiệp tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân để kháng chiến thắng lợi tại khu Sài Gòn - Gia Định và trên toàn miền Nam Việt Nam, có công lớn trong việc hình thành và củng cố, mở rộng Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; trong việc giúp đỡ để hình thành và hoạt động của Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, trong nhiệm vụ điều hành Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ sau khi thành lập đến khi hoàn thành sự nghiệp thống nhất đất nước.
Tháng 6/1969, trên cương vị Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách đoàn kết nhân dân miền Nam, hoàn thành vẻ vang sự nghiệp giải phóng dân tộc, tạo điều kiện cơ bản để miền Nam Việt Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, phồn vinh, tiến đến hòa bình thống nhất Tổ quốc. Các hoạt động trên lĩnh vực chính trị, ngoại giao của đồng chí Huỳnh Tấn Phát góp phần hình thành và củng cố “ba tầng mặt trận”: Mặt trận nhân dân các dân tộc trong nước; Mặt trận nhân dân ba nước Đông Dương; Mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới trong cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai.
Mùa xuân năm 1975, cuộc kháng chiến chống Mỹ đại thắng, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, non sông thu về một mối, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Phó Thủ tướng Chính phủ, đồng thời phụ trách công tác vận động quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Tháng 02/1977, tại Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất toàn quốc, Đồng chí được bầu làm Ủy viên Đoàn Chủ tịch và đã góp sức cùng Đảng đoàn, Ban Thư ký xây dựng nội dung, tham mưu cho Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 18/4/1983 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới. Bản Chỉ thị được xem như luồng gió mới, đánh dấu bước phát triển trong nhận thức của Đảng ta về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình phát triển của Mặt trận và còn có ý nghĩa thiết thực cho đến ngày nay.
Tháng 5/1983, đồng chí Huỳnh Tấn Phát được Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II bầu làm Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Trên cương vị mới, đồng chí Huỳnh Tấn Phát là người chỉ đạo trực tiếp các cấp Mặt trận triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW. Đồng chí đã đi khắp các tỉnh để phổ biến, phân tích nội dung của Chỉ thị và đề ra những biện pháp củng cố tổ chức Mặt trận cơ sở.
Với sự nỗ lực của Đồng chí và các thành viên trong Đoàn Chủ tịch, Ban Thư ký, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW góp phần nâng cao vai trò của Mặt trận, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đó chính là một trong những nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh để dân tộc ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách giành nhiều thắng lợi trong sự nghiệp khôi phục đất nước sau chiến tranh cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cả dân tộc đoàn kết, thống nhất bước vào sự nghiệp đổi mới. Đóng góp vào những thành công đó có sự cống hiến không nhỏ của đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát là hình ảnh tiêu biểu cho tinh thần đoàn kết quốc tế. Rất nhiều nhà lãnh đạo, nhân vật tiêu biểu và nhân dân tiến bộ trên thế giới xem Đồng chí là một trong những “đầu mối” để thiết lập tình đoàn kết, gắn bó với Nhân dân Việt Nam. Trên cả hai mặt trận, đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, Đồng chí đều làm tròn trách nhiệm, có những đóng góp đặc biệt quan trọng. Với những công lao đóng góp cho công tác mặt trận, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tặng thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp đại đoàn kết”.
Kiến trúc sư tâm huyết, sáng tạo, tài năng
Năm 1938, sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành Kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, đồng chí Huỳnh Tấn Phát trở về Sài Gòn làm việc tại văn phòng kiến trúc sư Chauchon. Đến năm 1940, Đồng chí mở Văn phòng kiến trúc riêng tại số 68-70 đường Mayer. Với tài năng thiên bẩm, năm 1941, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đoạt giải Nhất cuộc thi thiết kế khu Trung tâm hội chợ triển lãm Đông Dương do Toàn quyền Đông Dương Jean Decoux tổ chức.
Trong thời gian từ năm 1938 đến 1943, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã thiết kế nhiều công trình được xây dựng tại Sài Gòn, Gia Định, Mỹ Tho, Cần Thơ, Long Xuyên, Đà Lạt… Các công trình do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế đều thể hiện một tư duy sâu sắc mang đậm truyền thống văn hóa Á Đông, về năng lực sáng tạo tài tình được thể hiện qua những hình khối kiến trúc có bố cục chặt chẽ, hiện đại nhưng khoáng đạt, hài hòa với thiên nhiên, khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, mưa nhiều của vùng đất phương Nam. Điển hình là tác phẩm Câu lạc bộ Thủy quân cao 5 tầng với một tầng hầm, tọa lạc trên đường Lê Duẩn, Thành phố Hồ Chí Minh. Công trình này sau đó được chính quyền Sài Gòn dùng làm dinh Thủ tướng và hiện là trụ sở Văn phòng 2 - Văn phòng Chính phủ. Ngoài ra, các công trình biệt thự đến nay vẫn còn giữ nguyên vẻ đẹp cổ kính tại Thành phố Hồ Chí Minh như: Biệt thự số 40/40 Lò Heo, phường 4, quận Bình Thạnh; biệt thự số 6 Nguyễn Huy Lượng, quận Bình Thạnh; biệt thự số 150 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (nay là Lãnh sự quán Nhật); biệt thự số 1 Bà Huyện Thanh Quan, quận 3; biệt thự số 38 Phan Đăng Lưu, quận Bình Thạnh; biệt thự số 270 đường Bạch Đằng; các biệt thự ở thành phố Đà Lạt mà điển hình là biệt thự An Hóa nằm soi bóng bên Hồ Xuân Hương trong không gian hài hòa với cảnh quan, hình thức đẹp, các phòng chức năng được bố trí hợp lý, tạo nên cảnh hồ thêm thơ mộng, trữ tình… Những công trình do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế lúc bấy giờ đã gây một sự chú ý đặc biệt trong giới trí thức miền Nam và cả sự ngưỡng mộ của người Pháp.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ cứu nước ác liệt, gian khổ, với rất nhiều nhiệm vụ nặng nề phải đảm trách, nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn dành thời gian hiếm hoi để thiết kế và chỉ đạo xây dựng nhiều công trình trong chiến khu, trong đó nổi bật là hội trường Đại hội Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Công trình tuy được xây dựng hoàn toàn bằng tre, gỗ, nứa lá nhưng rất đẹp, rộng rãi, khang trang, nằm ẩn mình kín đáo dưới vòm xanh của rừng già chiến khu, đã làm xúc động các đại biểu về dự Đại hội. Và còn nhiều bản vẽ phác thảo các công trình kiến trúc như quy hoạch tổng thể Trung tâm Lộc Ninh; Đài tưởng niệm Liệt sĩ; Đền thờ Bác Hồ; khu nhà Giao tế; nhà văn hóa - thông tin; nhà hát ngoài trời; khách sạn, cửa hàng bách hóa; trường học; bệnh viện; khu thể dục - thể thao; chợ dân sinh… dự định xây dựng tại Lộc Ninh, thủ phủ kháng chiến của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, đã thể hiện một tầm nhìn lạc quan, tin tưởng kháng chiến nhất định thắng lợi của một nhà lãnh đạo, khả năng sáng tạo dồi dào của vị kiến trúc sư tâm huyết, tài năng.
Đồng chí Huỳnh Tấn Phát có rất nhiều đóng góp cho nền kiến trúc nước nhà khi là Trưởng ban Chỉ đạo quy hoạch đô thị, Chủ nhiệm đồ án thiết kế xây dựng Thủ đô Hà Nội. Những công trình kiến trúc xuất sắc do Đồng chí thiết kế như: Bản quy hoạch Thủ đô Hà Nội năm 1981, Bảo tàng các Vua Hùng, Nhà hát Hòa Bình Thành phố Hồ Chí Minh. Với bản thiết kế Bảo tàng Hồ Chí Minh năm 1979 - 1985, đồng chí Huỳnh Tấn Phát đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1 năm 1996. Không chỉ vậy, Đồng chí còn chỉ đạo và đóng góp ý nhiều kiến quan trọng cho các đồ án quy hoạch đô thị trong cả nước như: Thành phố Hồ Chí Minh, Phan Thiết, Quy Nhơn, Nha Trang, Vũng Tàu - Côn Đảo, Tây Ninh, Lạng Sơn; góp ý cho đồ án thiết kế Nhà ga Hàng không quốc tế Nội Bài (Hà Nội), Cung Thiếu nhi Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội… Những ý tưởng và tầm nhìn vượt thời gian về diện mạo của các thành phố tương lai của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đến giờ vẫn còn nguyên giá trị.
Đặc biệt, đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn trăn trở và quan tâm đến phát triển nhà ở cho người nghèo đô thị, nông thôn và nhà ở cho công nhân. Dù bận rộn với trọng trách của Chính phủ, của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhưng Đồng chí vẫn dành thời gian cho hoạt động của giới kiến trúc. Đồng chí đã trực tiếp đi xuống mỏ than Mạo Khê làm Chủ tịch Hội đồng giám khảo một cuộc thi tìm ra mẫu nhà ở thích hợp với điều kiện kinh tế, tiện dụng để xây dựng cho công nhân vùng mỏ; làm Chủ tịch các hội đồng tuyển chọn đồ án của kiến trúc sư Việt Nam gửi tham dự các cuộc thi Kiến trúc quốc tế, trong số đó có nhiều đồ án đạt giải Nhất, giải Vàng đem vinh quang về cho Việt Nam, như, đồ án “Nhà ở làng hoa Ngọc Hà - Hà Nội”; “Không gian Alibaba”; “Tồn tại hay không tồn tại”…
Là con người tài năng trên rất nhiều phương diện nhưng dấu ấn đậm nét ở đồng chí là ngành kiến trúc. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đã để lại cho đời rất nhiều công trình kiến trúc tiêu biểu, được giới kiến trúc sư Pháp đánh giá là “bậc thầy kiến trúc”, là “hạt ngọc Đông Dương trong lĩnh vực kiến trúc”.
Dù ở cương vị nào, đồng chí Huỳnh Tấn Phát vẫn luôn là người tận tụy, trung thực, khiêm tốn, hết lòng phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân. Đồng chí đã cống hiến, đã sống rất trọn vẹn với tư cách của người trí thức yêu nước, nhà cách mạng chân chính, nhà văn hóa - kiến trúc tiêu biểu. Đồng chí cũng là hạt nhân ưu tú, chủ chốt của Mặt trận, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, người truyền lửa, giác ngộ lòng yêu nước và lý tưởng cách mạng cho nhiều thế hệ trí thức ở Sài Gòn, Nam Bộ, Việt Nam.
Nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo cách mạng toàn năng Huỳnh Tấn Phát, chúng ta cùng ôn lại những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của Đồng chí để càng thêm trân trọng, tự hào và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc công lao một chiến sĩ cộng sản kiên trung, một tri thức yêu nước cống hiến suốt đời vì lợi ích của Tổ quốc, của Nhân dân; một nhà dân vận sắc sảo, đầy nhiệt huyết, là hiện thân của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; một kiến trúc sư tài năng với nhiều công trình xuất sắc góp phần tô đẹp diện mạo của đất nước. Là lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước nhưng đồng chí Huỳnh Tấn Phát luôn giữ gìn phẩm chất trong sáng, liêm khiết, công tâm; có cuộc sống vô cùng bình dị, mẫu mực, thanh cao. Đồng chí để lại cho thế hệ sau bài học quý báu về nhân cách sống và lý tưởng của người cộng sản; là tấm gương sáng soi cho cán bộ, đảng viên tích cực học tập, lao động, cống hiến sức lực, trí tuệ để xây dựng đất nước hùng cường.
Tài liệu tham khảo:
1. Huỳnh Tấn Phát: Tuyên bố về Chương trình hành động của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Nxb.Giải phóng, 1969.
2. Huỳnh Tấn Phát: Mấy vấn đề công tác Mặt trận trong giai đoạn cách mạng hiện nay, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1985.
3. Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
4. Trần Bạch Đằng: “Người trí thức - Cộng sản kiên cường”, in trong sách Huỳnh Tấn Phát - Cuộc đời và sự nghiệp, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2003.
5. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: Lịch sử Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, Quyển III (1975-2004), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007.
6. Đặng Văn Thái chủ biên, Lý Việt Quang, Trần Thị Hợi, Ngô Xuân Dương. Huỳnh Tấn Phát - Tiểu sử. Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, 2019.
7. https://www.tuyengiao.vn/tu-lieu/huong-dan-chi-dao/de-cuong-ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-huynh ...
8. https://baodongkhoi.vn/su-kien/ky-niem-110-nam-ngay-sinh-dong-chi-huynh-tan-phat.41.html
9. https://www.tapchikientruc.com.vn/tac-gia-tac-pham/kts-huynh-tan-phat-nha-cach-mang-nha-van-hoa.html
10. http://tapchimattran.vn/nhan-vat/kien-truc-su-huynh-tan-phat-voi-su-nghiep-dai-doan-ket-toan-dan-toc-51419.html
Phan Lâm