Doanh nghiệp cần chính sách nhất quán, giảm bớt thủ tục

(Banker.vn) Tại diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2023, hai vấn đề nổi bật được nhiều doanh nghiệp kiến nghị đó là sự thiếu nhất quán trong chính sách và thủ tục phức tạp.
Cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc, trong đó vấn đề chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp
Cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc, trong đó vấn đề chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp

Tại diễn đàn, cộng đồng doanh nghiệp đã nêu ra những vướng mắc, trong đó vấn đề chính sách thiếu nhất quán, thủ tục phức tạp đã được các doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất.

Dẫn chứng về sự thiếu nhất quán trong chính sách, hiện Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư chưa có hướng dẫn thực hiện rõ ràng đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp trong trường hợp muốn mở rộng hoạt động kinh doanh bằng cách thành lập địa điểm hoặc chi nhánh kinh doanh (trong hoặc ngoài tỉnh).

Vì thế, một số tỉnh cho phép doanh nghiệp thành lập chi nhánh, địa điểm kinh doanh mà không yêu cầu họ phải lập dự án đầu tư mới, song một số tỉnh lại yêu cầu các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký đầu tư phải có giấy dành riêng cho từng địa điểm kinh doanh hoặc chi nhánh sắp thành lập. Điều này khiến doanh nghiệp rất lúng túng.

Tương tự, đại diện nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại cho biết, trong hồ sơ điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty TNHH nhiều thành viên về việc thay đổi thành viên góp vốn do chuyển nhượng vốn và thông báo về việc thay đổi cổ đông nước ngoài của công ty cổ phần, một trong những tài liệu bắt buộc là “thỏa thuận chuyển nhượng hoặc tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất.

Tuy nhiên, trên thực tế, một số Sở Kế hoạch và Đầu tư vẫn yêu cầu thêm “tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất” mặc dù đã đưa thỏa thuận chuyển nhượng vào hồ sơ. Hơn nữa, do không có hướng dẫn về “tài liệu chứng minh việc chuyển nhượng hoàn tất”, yêu cầu của từng Sở lại khác nhau. Trong khi một số Sở chỉ yêu cầu xác nhận của các bên là giao dịch đã hoàn tất, thì một số nơi khác lại yêu cầu cả xác nhận của ngân hàng về việc chuyển giá chuyển nhượng vốn.

Đại diện nhóm Công tác Thuế và Hải quan bổ sung, hiện còn có sự thiếu nhất quán giữa quy định với giải pháp hệ thống (hạ tầng kỹ thuật). Đơn cử, hiện công ty/người khai hải quan sử dụng hệ thống khai báo hải quan điện tử E-cus. Tuy nhiên, hiện có sự không nhất quán trong phần mềm E-cus vì chúng được phát triển bởi nhiều nhà phát triển phần mềm khác nhau. Đã có trường hợp các quy định được cập nhật nhưng các chức năng trong hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan vẫn giữ nguyên.

Về thủ tục hành chính, nhiều doanh nghiệp đã có báo cáo phàn nàn về tình trạng nhiều thủ tục giấy tờ phức tạp. Trong đó, nhiều thủ tục kéo dài, thậm chí hơn 6 tháng chưa được chấp thuận cấp phép. Các doanh nghiệp kiến nghị cần cải tiến, chấp nhận thủ tục điện tử để giảm bớt chi phí hành chính cho doanh nghiệp.

Về khung pháp lý với đất đai và bất động sản, trong giai đoạn vừa qua, lĩnh vực kinh doanh bất động sản gặp nhiều khó khăn; trong đó, có một phần nguyên nhân từ các vướng mắc về thủ tục. Có doanh nghiệp cho biết phải mất 3 - 5 năm, thậm chí hơn 5 năm để thực hiện xong hết thủ tục phát triển dự án bất động sản tại Việt Nam.

Còn theo nhóm Công tác Nguồn nhân lực, trước đại dịch chỉ mất 3 - 4 tuần để hoàn tất thủ tục về nhập cư và giấy phép lao động , tuy nhiên hiện cần đến 4 - 5 tháng. Việc xin giấy phép chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài ngày càng trở nên phức tạp, đặc biệt là ở TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam. Nếu công văn xin chấp thuận sử dụng lao động nước ngoài không được phê duyệt thì công ty cũng sẽ không thể nộp hồ sơ xin giấy phép lao động.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn đẩy nhanh quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, việc thống nhất giữa các chính sách cũng như giữa chính sách với thực thi, giảm bớt, đơn giản hóa thủ tục sẽ là giải pháp quan trọng. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần lắng nghe và tích cực hơn trong việc tháo gỡ khó khăn, cải thiện pháp lý cho doanh nghiệp.

Quang Đăng

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục