Doanh nghiệp “bật mí” kinh nghiệm chinh phục thị trường Trung Quốc

(Banker.vn) Tận dụng đúng thời điểm mùa vụ, đáp ứng nhanh nhu cầu là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp Việt chinh phục thành công thị trường Trung Quốc.
Doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đón cơ hội từ thị trường Trung Quốc Xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam – Trung Quốc (Trùng Khánh)

Thị trường hấp dẫn

Bà Nguyễn Thị Lan Hương- Chủ tịch HĐQT Công ty CP xuất khẩu và nhập khẩu Việt Phúc cho biết: Trung Quốc hiện vẫn là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam, nhất là với các mặt hàng rau, củ, quả, gạo, hạt điều, hạt tiêu… “Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc từ đầu năm tới nay đạt con số khả quan một lần nữa khẳng định tính hấp dẫn và vai trò quan trọng của thị trường tỷ dân này với doanh nghiệp Việt”, bà Nguyễn Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Lãnh đạo công ty Việt Phúc cũng khẳng định, đạt được kết quả trên có sự đóng góp lớn của các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hỗ trợ doanh nghiệp cải tiến quy trình sản xuất, bắt đầu ngay từ khâu canh tác do đó sản phẩm không chỉ có sản lượng tốt mà chất lượng ngày một cao.

Bộ Công Thương đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các sự kiện xúc tiến thương mại để tìm kiếm đối tác, cung cấp thông tin thị trường nhanh chóng, hiệu quả và đặc biệt kết nối doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường thông qua kênh thương mại điện tử.

Doanh nghiệp “bật mí” kinh nghiệm chinh phục thị trường Trung Quốc
Doanh nghiệp trưng bày hàng hóa bên lề Hội nghị xúc tiến thương mại, đầu tư và kết nối giao thương Việt Nam - Trung Quốc (Trùng Khánh)

Là doanh nghiệp có kinh nghiệm nhiều năm xuất khẩu chính ngạch hàng hoá sang thị trường Trung Quốc sản phẩm của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đang được ưa chuộng và cạnh tranh rất tốt tại thị trường này. Bà Nguyễn Thị Miên Hà - Trưởng đại diện Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tại Trung Quốc chia sẻ: Sản phẩm của Sao Thái Dương vào thị trường Trung Quốc từ năm 2015-2016 thông qua kênh đại lý trung gian ở nước sở tại. Từ sau khi Trung Quốc nới lỏng kiểm soát dịch Covid-19, doanh nghiệp có chủ trương mở rộng kinh doanh tại thị trường này nên đã mở các đại lý của doanh nghiệp, tham dự các hội chợ, sự kiện xúc tiến thương mại do Bộ Công Thương tổ chức nhằm tìm kiếm đối tác, mở rộng đầu ra.

Cùng đó, thông qua các tổ chức xúc tiến thương mại của Việt Nam tại Trung Quốc, cộng đồng người Việt Nam tại Trung Quốc để thâm nhập sâu hơn vào thị trường.

Theo bà Nguyễn Thị Miên Hà, trong 5-10 năm tới Trung Quốc vẫn là thị trường chủ đạo của Sao Thái Dương trong xuất khẩu các mặt hàng có nguồn gốc thảo dược. Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc hiện rất khác, kinh tế phát triển mạnh nên đòi hỏi sản phẩm có tiêu chuẩn chất lượng rất cao. Trung Quốc cũng kiểm soát sản phẩm nhập khẩu rất gắt gao. Sao Thái Dương xuất khẩu sản phẩm sang nhiều quốc gia nhưng Trung Quốc là một trong những thị trường doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian thực hiện thủ tục nhập khẩu.

Cùng với đó, đặc điểm nổi bật của đối tác Trung Quốc yêu cầu đáp ứng rất nhanh nên khi xác định vào thị trường này doanh nghiệp Việt Nam cần làm việc với cường độ cao để đáp ứng đơn hàng liên tục thay đổi.

Hợp chuẩn các quy định

Thị trường Trung Quốc với nhiều yếu tố thuận lợi đã, đang và sẽ tiếp tục hấp dẫn doanh nghiệp Việt Nam. Như lời ông Lê Quang Trung- Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Chính phủ hai nước mong muốn nâng quan hệ Việt Nam- Trung Quốc lên một tầm cao mới, toàn diện hơn, do đó đã có những chính sách thiết thực nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phát huy lợi thế, tăng cường giao thương để đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư.

Tuy nhiên, lãnh đạo VIMC cũng chỉ ra: Vẫn có một số điểm nghẽn trong thủ tục hải quan cần sự hợp chuẩn giữa hai bên như sự khác biệt trong cách thức quản lý, cấp phép cũng như quy chuẩn về hồ sơ liên quan đến xuất xứ.

Về hạ tầng có điểm nghẽn là tiêu chuẩn logistics trong chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc chưa có sự thống nhất. Vận tải đường sắt vẫn còn sự khác biệt về thủ tục, quy trình kết nối do khổ đường sắt của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau. “Những điểm nghẽn trên được tháo gỡ kịp thời xuất nhập khẩu của Việt Nam và Trung Quốc sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới”, ông Lê Quang Trung nhận định.

Từ kinh nghiệm lâu năm xuất nhập khẩu với Trung Quốc, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương khó khăn trong xuất nhập khẩu với Trung Quốc chủ yếu liên quan đến khâu vận chuyển, thông quan. Vào mùa vụ, lượng lớn nông sản đổ lên các cửa khẩu gây ách tắc mất nhiều thời gian chờ đợi thông quan, tốn kém chi phí cho doanh nghiệp, thậm chí hư hỏng nông sản. Do vậy, cần có hệ thống thực hiện thủ tục hải quan thông minh, cửa khẩu thông minh giúp đẩy nhanh tốc độ thông quan. Và một điều rất quan trọng mang tính chiến lược, theo bà Nguyễn Thị Lan Hương cần phát triển thương mại điện tử với thị trường này.

Về phía doanh nghiệp trong nước, đại diện Việt Phúc cho rằng, cần chuẩn chỉ hơn với hàng hoá từ khâu sản xuất đến đóng gói, nhất là với nông sản để phù hợp với phương thức xuất khẩu thông thường hay xuất khẩu qua thương mại điện tử.

Tết Nguyên Đán với nhu cầu tiêu dùng cao, đặc biệt thời tiết Trung Quốc vào mùa đông lạnh rất cần rau quả nhiệt đới, do vậy doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh xuất khẩu sầu riêng và xoài trái vụ, thanh long vụ Tết”, bà Nguyễn Thị Lan Hương chia sẻ.

Bà cũng đồng thời cho rằng, cần phát triển được tuyến đường sắt liên vận để đa dạng phương thức vận tải, giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Quang Trung thông tin: Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam và một số tập đoàn lớn của Trung Quốc như Tập đoàn cảng Sơn Đông, tập đoàn Hạ Môn trong thời gian tới đẩy mạnh phát triển chuỗi cung ứng giữa Việt Nam và Trung Quốc đặc biệt trong lĩnh vực về phát triển chuỗi nông sản trên cơ sở áp dụng công nghệ cao trong lĩnh vực quản lý đơn hàng. Tổng Công ty đang phối hợp với đối tác nghiên cứu phát triển trung tâm logistics cho chuỗi mát, chuỗi lạnh phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước.

Chúng tôi kết hợp giữa vận tải biển, đường bộ, đường sắt trên cơ sở hình thành nên các trung tâm, khu vực phân phối hàng hoá trên nền tảng công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong các ngành sản xuất và tiêu dùng”, ông Lê Quang Trung cho biết thêm.

Việt Nga - Thu Trang - Bùi Hùng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục