Tham dự Đối thoại gồm có các Thống đốc NHTW các nước ASEAN, Chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, đại diện các Hiệp hội Ngân hàng của các nước thành viên ASEAN, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) và các định chế tài chính quốc tế. Về phía NHNN có đại diện lãnh đạo các Vụ: Hợp tác quốc tế, Thanh toán, Chính sách tiền tệ. Nội dung phiên đối thoại xoay quanh hai chủ đề: Cách tiếp cận mới đối với ngân hàng số trong khu vực ASEAN; ngân hàng bền vững – vai trò đối với các nước ASEAN.
Đối với chủ đề về ngân hàng số, Công ty kiểm toán PwC nhận định trong xu thế phát triển của nền kinh tế số, nhiều doanh nghiệp và ngân hàng truyền thống đã và đang thực hiện chuyển đổi sang mô hình ngân hàng số. Trong quá trình này, dữ liệu đóng vai trò đặc biệt quan trọng nhằm cải thiện năng suất, đổi mới sản phẩm và đưa ra quyết định thông qua các hình thức như máy học (machine learning), tự động hóa và các dạng thức khác của trí thông minh nhân tạo.
Khả năng quản lý và cùng nhau hợp tác sử dụng dữ liệu hiệu quả nổi lên như các yếu tố quan trọng giúp tạo nên sự phát triển và thành công của ngân hàng số, đặc biệt khi dòng chảy dữ liệu xuyên biên giới đã tăng trưởng gấp 148 lần trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2016 và giúp GDP toàn cầu tăng trưởng thêm 10,1%.
Các diễn giả đã đưa ra một số khuyến nghị về các nguyên tắc hướng dẫn và tiêu chí chung cho các nước ASEAN nhằm xây dựng các khuôn khổ quản trị, kết nối, thiết lập tiêu chuẩn và bảo vệ an toàn dữ liệu, cũng như các giải pháp công nghệ phù hợp nhằm khơi dậy tiềm năng phát triển của ngân hàng số, phát triển các dịch vụ tài chính đổi mới, sáng tạo.
Trên cơ sở ý kiến đề xuất của PwC, các Thống đốc đã ghi nhận kiến nghị về việc thành lập Nhóm công tác về Khuôn khổ dữ liệu kết nối liên thông của ASEAN nhằm hỗ trợ: Xây dựng tầm nhìn chung và mục tiêu cụ thể đối với tiêu chuẩn về Khung dữ liệu ASEAN và các chính sách liên quan; tìm kiếm cơ hội thực hiện kết nối dữ liệu trong ngắn hạn giữa các nước ASEAN; xây dựng một lộ trình chung nhằm đạt được các mục tiêu này.
Với nội dung về ngân hàng bền vững, Công ty kiểm toán Ernst and Young (E&Y) đã có bài trình bày về ngân hàng bền vững và vai trò đối với các nước ASEAN.
Theo E&Y, khu vực vực tài chính đang chuyển đổi từ việc chỉ tập trung vào rủi ro và lợi nhuận sang tập trung hơn vào tính bền vững và vai trò của hệ thống tài chính trong nỗ lực chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Đồng thời, việc các doanh nghiệp và ngân hàng tính đến các yếu tố môi trường, xã hội trong quá trình ra quyết định kinh doanh cũng tạo ra cơ hội mới cho doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ như các khoản vay xanh, trái phiếu xanh... Qua đó, giúp tuân thủ các quy định của Chính phủ, tăng doanh thu, giảm rủi ro danh mục và thể hiện là một tổ chức đáng tin cậy và có trách nhiệm.
Các đại biểu tham dự buổi đối thoại
Phát biểu tại cuộc đối thoại, đại diện NHNN cho biết NHNN ghi nhận các khuyến nghị của PwC trong việc xây dựng Khuôn khổ dữ liệu liên thông trong khu vực ASEAN, theo đó góp phần tăng cường hợp tác và thúc đẩy số hóa khu vực.
Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng lưu ý, do các quốc gia ASEAN có các trình độ phát triển cũng như khuôn khổ pháp lý khác nhau về bảo vệ dữ liệu, quyền riêng tư và các điều kiện lưu chuyển dữ liệu xuyên biên giới, các bên cần lưu tâm tới những khác biệt này, đồng thời xây dựng và thống nhất các tiêu chuẩn chung nhằm đảm bảo tính liên thông, an toàn, bảo mật trong quá trình kết nối, chia sẻ dữ liệu chung.
Đối với nội dung ngân hàng bền vững, đại diện NHNN chia sẻ, thời gian qua NHNN đã tích cực tham gia thực hiện các cam kết quốc tế về phát triển bền vững, giảm phát thải khí nhà kính và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Trên cơ sở Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, NHNN cũng đã đưa ra những mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện phát triển bền vững ngành ngân hàng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện, cụ thể: Nghiên cứu, xây dựng và hướng dẫn việc tích hợp đánh giá các rủi ro về khí hậu khi đánh giá rủi ro môi trường xã hội trong hoạt động cấp tín dụng của các TCTD; triển khai các giải pháp về tín dụng hỗ trợ khách hàng vay vốn thuộc các ngành, lĩnh vực bị tác động, ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu; tham gia tích cực vào Mạng lưới ngân hàng bền vững toàn cầu (SBN), đặc biệt là các nội dung về quản lý biến đổi khí hậu trong hoạt động tài chính ngân hàng.
Đại diện NHNN cho biết thêm, thời gian tới sẽ tiếp tục: Theo dõi, rà soát chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để sửa đổi (nếu cần) nhằm hỗ trợ phát triển bền vững ngành nông nghiệp theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; đẩy mạnh triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; chỉ đạo các TCTD phát triển đa dạng sản phẩm tín dụng ngân hàng phù hợp với người dân, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và trên địa bàn nông thôn.
Nhằm phát huy vai trò của NHTW trong vấn đề chống biến đổi khí hậu, NHNN cho rằng các NHTW ASEAN cần phối hợp với các cơ quan quản lý khác trong lĩnh vực tài chính tiền tệ và các ngành nghề liên quan nhằm xây dựng các giải pháp tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; đồng thời kiểm soát việc cấp tín dụng cho các ngành, lĩnh vực tác động xấu đến môi trường, góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
T.H
Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|