Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023: Dấu ấn chuyển đổi số

(Banker.vn) Với chủ đề "Chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”, Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 đã được tổ chức.
Chính sách thuế - hải quan: Hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội Đến năm 2025, 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa được nâng cao nhận thức chuyển đổi số

Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023 do Thời báo Tài chính Việt Nam phối hợp với Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Phạm Thu Phong - Tổng biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, thông tin: Nhiều năm qua, Bộ Tài chính đã tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), hiện đại hóa trong lĩnh vực quản lý, giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính - ngân sách, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.

Liên tục 7 năm qua, Bộ Tài chính luôn dẫn đầu trong xếp hạng về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT và truyền thông (chỉ số ICT Index). Về xếp hạng theo chỉ số đánh giá chuyển đổi số DTI, năm 2022, Bộ Tài chính đứng top 2 trong số các bộ, ngành cung cấp dịch vụ công.

Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023: Dấu ấn chuyển đổi số
Diễn đàn Thuế - Hải quan năm 2023

Những kết quả tích cực trong chuyển đổi số của ngành Tài chính đã được người dân, doanh nghiệp, tổ chức đánh giá cao. Đặc biệt, các lĩnh vực thuế, hải quan, luôn tiên phong trong thực hiện chuyển đổi số với các kết quả ấn tượng như: Hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; trên 99% doanh nghiệp sử dụng khai, nộp và hoàn thuế điện tử; trong lĩnh vực hải quan: 250 thủ tục hành chính được thực hiện qua cơ chế một cửa quốc gia...

Các nền tảng xây dựng và quản trị dữ liệu được xây dựng theo hướng tăng cường sự tương thích giữa các cơ sở hạ tầng thông tin của các cơ quan nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho giao dịch điện tử giữa các cơ quan Nhà nước, giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức, cá nhân; đảm bảo việc chia sẻ dữ liệu của ngành Tài chính cho các bộ, ngành, địa phương khác có nhu cầu khai thác, sử dụng…

Với yêu cầu đặt ra là phấn đấu hình thành hệ sinh thái tài chính số toàn diện, hiện đại, phong phú trên mọi lĩnh vực, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định 1484/QĐ-BTC ngày 27/7/2022 về việc phê duyệt Kế hoạch Chuyển đổi số của Bộ Tài chính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đặc biệt, Bộ Tài chính đã lấy Ngày 10/10 hằng năm là Ngày chuyển đổi số của Bộ Tài chính nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số của Bộ.

Kết quả chuyển đổi số ngành Thuế và Hải quan đã góp phần đắc lực trong việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh địa phương và quốc gia, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Ông Phạm Thu Phong cũng cho hay: Năm 2023, nhiệm vụ chuyển đổi số quốc gia nói chung và chuyển đổi số của ngành Tài chính nói riêng rất nặng nề, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, chủ động và tận dụng tốt các cơ hội của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, thiết lập nền tảng tài chính số hiện đại, công khai, minh bạch, hình thành hệ sinh thái tài chính số đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Đặng Ngọc Minh – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho hay: Trong những năm qua, ngành Thuế luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ, ngành Thuế đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Tổng cục Thuế xác định mục tiêu chiến lược là cần phải cung cấp dịch vụ điện tử và các công cụ hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp để giúp họ tham gia quá trình chuyển đổi số, cụ thể: Về cải cách thủ tục hành chính; về chuyển đổi số công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế; về phát triển các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp…

Ông Đặng Ngọc Minh cũng chia sẻ định hướng chuyển đổi số của ngành Thuế trong giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, ngành ứng dụng các thành tựu công nghệ mới phù hợp với chuẩn mực quốc tế nhằm xử lý tự động các quy trình nghiệp vụ quản lý thuế và phân tích dữ liệu lớn phục vụ công tác hoạch định chính sách, dự báo số thu, tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế, quản lý rủi ro, quản lý tuân thủ và thanh tra, kiểm tra thuế, điều tra thuế.

Phát triển hạ tầng kỹ thuật CNTT, trang thiết bị tiên tiến, hiện đại, đồng bộ, đảm bảo vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu. Hệ thống CNTT được phát triển theo định hướng Chính phủ điện tử và Chính phủ số…

Để có được sự thành công của chuyển đổi số, theo ông Đặng Ngọc Minh, ngành Thuế cần triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện, bao gồm: Xây dựng kho cơ sở dữ liệu thuê và phát triển hệ thống phân tích dữ liệu, quản lý rủi ro trên cơ sở dữ liệu lớn big data; mở rộng dịch vụ thuế điện tử; Chatbot hỗ trợ người nộp thuế; mở rộng bản đồ số hộ cá nhân kinh doanh; xây dựng hạ tầng kỹ thuật, an toàn an ninh theo định hướng chuyển đổi số.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục