Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm

(Banker.vn) Ngày 2/12, Bộ Công Thương phối hợp với UBND TP. Cần Thơ tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 "Logistics và chuyển đổi số cho Đồng bằng sông Cửu Long".
Bộ Công Thương và TP. Cần Thơ phối hợp tổ chức Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 Sắp diễn ra Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023 tại Cần Thơ

Diễn đàn có sự tham dự của Uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng, Bí thư Thành ủy TP. Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ Trần Việt Trường, cùng lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương.

Đây là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương tổ chức từ năm 2013, nhằm phối hợp đồng bộ các hoạt động để đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics; tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất và xuất nhập khẩu; đồng thời là nơi đối thoại, cập nhật thông tin về các vấn đề cấp thiết của dịch vụ logistics tại Việt Nam và thế giới.

Logistics chưa tương xứng với tiềm năng

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng - cho biết, năm 2023, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, song ngành logistics đã làm tốt vai trò là mạch máu của nền kinh tế, đảm bảo lưu thông hàng hóa thông suốt, đóng vai trò quan trọng trong việc đưa tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 10 tháng đạt 558,3 tỷ USD, với con số xuất siêu kỷ lục là 24,59 tỷ USD.

Việt Nam cũng lọt vào top 10 thị trường logistics mới nổi. Dự báo tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm giai đoạn 2022 – 2027 đạt 5,5%. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh kinh tế, thương mại toàn cầu gặp nhiều khó khăn do những bất ổn về địa chính trị và kinh tế trên toàn cầu.

Theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã tạo ra những bước chuyển mới trong nhiều ngành nghề. Những đột phá về trí tuệ nhân tạo và khoa học máy tính đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới và cách doanh nghiệp thay đổi quy trình, tăng hiệu suất, giảm giá thành. Ngành logistics cũng không đứng ngoài xu hướng đó. Việc chuyển đổi số trong logistics giúp giảm giá thành, chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ và trải nghiệm khách hàng. Tăng tính liên kết trong nội bộ tổ chức và các bên trong chuỗi cung ứng, từ đó cải thiện hiệu suất, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong ngành logistics nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng phát biểu tại Diễn đàn

Xuất phát từ những lợi ích mang lại từ chuyển đổi số trong logistics, Quyết dinh số 749/QD-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác dịnh logistics là một trong 8 lĩnh vực cần ưu tiên chuyến đổi số.

Mặc dù vậy, theo Thứ trưởng Phan Thị Thắng, quá trình chuyển đổi số trong logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.

Điển hình như tại Vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù đây là 1 trong 6 Vùng Kinh tế trọng điểm, có tiềm năng và nhu cầu đối với dịch vụ logistics rất lớn nhưng hiện nay hạ tầng và năng lực của ngành dịch vụ logistics tại khu vực còn nhiều hạn chế, chưa đóng góp được nhiều cho sự phát triến kinh tế - xã hội của vùng.

Đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cũng đánh giá: Logistics là ngành dịch vụ có vai trò thiết yếu và đóng góp quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội. Ngành logistics của Việt Nam trong thời gian đã có những bước phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Năm 2023, theo xếp hạng của ngân hàng thế giới, chỉ số hiệu quả logistic (LIP) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng; cải thiện đáng kế so với vị trí 53 vào năm 2010. Hiện Việt Nam thuộc top 10 trong số 50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới theo bảng xếp hạng chỉ số thị trường mới nổi (Emerging Markets Index 2023).

Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, trong những năm qua, ngành logistics Việt Nam cũng đã tích cực triển khai chuyển đổi số theo chủ trương của Đảng nêu tại Nghị quyết 52/NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị và Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030.

Diễn đàn Logistics Việt Nam 2023: Tập trung 6 nhiệm vụ trọng tâm
Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh phát biểu tại Diễn đàn

Tuy nhiên, đồng chí Trần Tuấn Anh cũng nhận định, ngành logistics trên phạm vi cả nước nói chung và vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng vẫn còn nhiều hạn chế, chưa xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.

Cụ thể, theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics Việt Nam trung bình ở mức 16,8 - 17% cao hơn nhiều so với bình quân của thế giới. Hạ tầng logistics còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết; quy hoạch cảng biển còn bất cập, chưa có cảng đầu mối, các trung tâm logistics lớn; sự liên kết giữa các phương thức vận tải, năng lực vận tải còn thấp.

6 nhiệm vụ trọng tâm

Ðể ngành dịch vụ logistics Việt Nam tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, bắt kịp với xu thế của quốc tế, đóng góp tích cực trong sự phát triển kinh tế cả nuớc nói chung và Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Diễn đàn đã thảo luận, thống nhất tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Theo đó, cần tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thể chế, hoàn thiện các cơ chế chính sách và quy định pháp luật về logistics, bảo đảm phù hợp với các cam kết và thông lệ quốc tế, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ và môi trường kinh doanh thông thoáng nhằm khuyến khích các công ty logistics trong nước nâng cao năng lực chuyên môn và chất lượng dịch vụ, đẩy mạnh liên kết giữa các doanh nghiệp logistics với nhau và với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. 

Song song đó đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ trong logistics nhằm hạn chế rủi ro, nâng cao hiệu suất, cải thiện hoạt động logistics.

Cùng với đó là huy động nguồn lực, tập trung tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án trọng điểm của ngành giao thông vận tải và các giải pháp nhằm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cảng biển, trung tâm logistics.

Đồng thời phát triển nguồn nhân lực logistics, nhất là nhân lực chất lượng cao, chuyên nghiệp với kiến thức, kỹ năng quán lý, công nghệ, trình đô ngoại ngữ... theo các chuẩn mực quốc gia, khu vực và thế giới, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hội nhập kinh tế quốc tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ và hiệu quả các giải pháp về giảm chi phí, nâng cao hiệu quả logistics đã được đề ra tại các Quyết định 200/QĐ-TTg và Quyết định 221/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động logistics theo hướng giảm thiểu thủ tục kiểm tra tại khâu nhập khẩu, tăng cường hậu kiểm và minh bạch trong vấn đề thủ tục hải quan, để từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho ngành logistics Việt Nam phát triên.

Ngoài ra, các đơn vị cần tập trung hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến nǎm 2050 với những mục tiêu, giải pháp và lộ trình cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu chuyến đổi kép là “Chuyển đổi số” và “Chuyển đổi xanh”, định hướng phát triển cho ngành dịch vụ Việt Nam trong thời gian tới.

Về phía Bộ Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiêp hội, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ logistics trong nước và quốc tế. Từ đó báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy định của pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho ngành dịch vụ logistics tiếp tục đổi mới và phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương