Điểm tin nóng thế giới ngày 30/7: Nga diệt gọn ''siêu tăng'' Abrams, Israel - Hezbollah chạm lằn đỏ chiến tranh

(Banker.vn) Nga dùng đạn thông minh diệt gọn ''siêu tăng'' Abrams Ukraine; Italy, Đức kêu gọi công dân sơ tán khỏi Liban trước nguy cơ Israel - Hezbollah xảy ra xung đột.
Mỹ quyết ngăn xung đột Israel - Hezbollah, chưa có ý định sơ tán công dân khỏi Lebanon Lý giải kịch tính việc Mỹ lưỡng lự gửi xe tăng Abrams đến Ukraine Điểm tin nóng thế giới ngày 29/7: Nga cảnh báo chiến tranh lạnh, Israel cho Hezbollah cơ hội cuối cùng

Nga dùng đạn thông minh diệt gọn “siêu tăng” Abrams Ukraine

Theo Tass, Bộ Quốc phòng Nga ngày 29/7 cho biết, một nhóm điều khiển hệ thống pháo tự hành 2S19 Msta-S thuộc nhóm chiến đấu miền trung của nước này vừa loại bỏ một xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất của lực lượng vũ trang Ukraine nhờ sử dụng đạn thông minh Krasnopol.

Hệ thống pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga (Ảnh: Wikipedia)
Hệ thống pháo tự hành 2S19 Msta-S của Nga (Ảnh: Wikipedia)

Theo đó, chiếc Abrams bị UAV Nga phát hiện trong trạng thái mắc kẹt trong bùn khi cơ động, nằm nghiêng trên một đoạn hào. Ngay sau khi nhận được dữ liệu từ UAV, pháo tự hành Msta-S khai hỏa từ vị trí ngụy trang, trước khi UAV Orlan-30 chiếu laser cho đạn thông minh Krasnopol lao trúng mục tiêu. Vụ nổ lớn khiến xe tăng Abrams bốc khói, trong đó có cột khói từ trong tháp pháo và khoang động cơ, nhưng chưa rõ mức độ hư hại cụ thể.

Bộ Quốc phòng Nga cũng xác nhận trong tuyên bố: "Khẩu đội pháo tự hành 2S19 Msta-S thuộc cánh quân Trung tâm đã khai hỏa đạn dẫn đường chính xác cao Krasnopol để phá hủy xe tăng M1A1SA Abrams của quân đội Ukraine tại mặt trận Avdeevka thuộc tỉnh Donetsk".

Giới chức Kiev hiện vẫn chưa lên tiếng phản hồi về thông tin của Nga.

Mỹ tiết lộ nội dung gói quốc phòng mới cho Ukraine trị giá 200 triệu USD

Theo Reuters, ngày 29/7, Người phát ngôn an ninh quốc gia Nhà Trắng John Kirby cho biết, Hoa Kỳ đã công bố gói hỗ trợ an ninh mới cho Ukraine với giá trị lên tới 200 triệu USD, bao gồm hệ thống phòng không và vũ khí chống tăng.

"Gói viện trợ bao gồm máy bay đánh chặn phòng không, đạn dược cho HIMARS do Hoa Kỳ cung cấp, đạn pháo và súng cối, tên lửa chống tăng Javelin và các vũ khí chống tăng khác", ông Kirby cho biết.

Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang hỗ trợ Ukraine dài hạn thông qua các công bố sáng kiến ​​hỗ trợ an ninh. Theo đó, các hỗ trợ bao gồm các khả năng tăng cường phòng không, hỏa lực tầm xa và vũ khí chống tăng của Ukraine, cũng như duy trì các thiết bị mà Hoa Kỳ đã cam kết trước đó. Đây là gói hỗ trợ an ninh thứ 9 từ chính quyền Tổng thống Biden kể từ cuối tháng 4.

Bộ Quốc phòng Ukraine chào đón gói viện trợ mới trên mạng xã hội X: "Chúng tôi biết ơn các đối tác Hoa Kỳ vì sự lãnh đạo và hỗ trợ kiên định của họ. Cùng nhau, chúng ta sẽ chiến thắng".

Italy, Đức kêu gọi công dân sơ tán khỏi Liban trước nguy cơ xung đột Israel - Hezbollah

Theo Thông tấn xã Việt Nam, ngày 29/7, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani cho biết đã có cuộc thảo luận với những người đồng cấp Katz của Israel và Abdallah Bou Habib của Liban nhằm ngăn nguy cơ bùng phát cuộc xung đột mới tại Trung Đông.

Khói bốc lên từ ngôi làng biên giới Kafr Kila ở miền nam Lebanon ngày 29/7, sau vụ tấn công ở Israel (Ảnh: AFP)
Khói bốc lên từ ngôi làng biên giới Kafr Kila ở miền nam Lebanon ngày 29/7, sau vụ tấn công ở Israel (Ảnh: AFP)

Ngoại trưởng Tajani cho rằng, nếu phong trào Hezbollah tôn trọng Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), vốn giúp chấm dứt xung đột Israel - Hezbollah tại miền Nam Liban vào năm 2006, thì nguy cơ Israel tấn công có thể được ngăn chặn. Mặc dù cho rằng việc sơ tán khoảng 3.000 người Italy đang sống ở Liban sẽ chỉ cần thiết nếu khủng hoảng xấu đi, song trong tình hình hiện nay, ông khuyến cáo công dân Italy nên rời khỏi Liban.

Cùng ngày, Chính phủ Đức kêu gọi tất cả các bên liên quan trong xung đột tại Trung Đông ngăn căng thẳng leo thang, sau vụ tấn công bằng tên lửa vào Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức, Ngoại trưởng Annalena Baerbock đã có cuộc thảo luận với một số nhân vật, trong đó có người đồng cấp Liban nhằm ngăn tình hình leo thang. Người phát ngôn nêu rõ Đức rất quan ngại về tình hình thực địa, đồng thời khuyến cáo công dân Đức tại Liban rời nước này khi còn có thể. Ước tính khoảng 1.300 công dân Đức đang sinh sống tại Liban.

“Bom nợ” Mỹ ngày càng khổng lồ, lần đầu vượt mốc 35.000 tỷ USD

Theo RT, Ủy ban Ngân sách Hạ viện Mỹ thông báo ngày 29/7 rằng Mỹ đã đạt đến "một cột mốc đáng ngờ nữa" khi nợ quốc gia vượt mốc 35 nghìn tỷ USD.

Chủ tịch Ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ Jodey Arrington gọi sự phát triển này là một “cột mốc đáng báo động”, kêu gọi tăng cường trách nhiệm tài chính và chi tiêu để giải quyết tình trạng tăng trưởng nợ quốc gia đang gia tăng.

Kể từ khi cựu Tổng thống Donald Trump rời khỏi ghế tổng thống, nợ công đã tăng 8,4 nghìn tỷ USD lên 27,7 nghìn tỷ USD dưới thời ông Biden, hiện đã vượt qua mốc 35 nghìn tỷ đô la. Theo tính toán của Ủy ban Ngân sách Hạ viện, khoản nợ hiện tương đương với 104.497 USD cho mỗi người, 266.275 USD cho mỗi hộ gia đình và 483.889 USD cho mỗi trẻ em Mỹ. Trong 12 tháng qua, khoản nợ đã tăng 2,35 nghìn tỷ USD, với tốc độ tăng tương đương với 74.401 USD nợ mới mỗi giây.

“Sự sai lệch” dai dẳng trong chính sách tài khóa của Hoa Kỳ đã bị Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) chỉ trích gay gắt vào cuối tháng trước, khi cơ quan này gọi thâm hụt ngân sách và tỷ lệ nợ của Washington là “rủi ro ngày càng tăng” đối với toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.

Khánh Ly

Theo: Báo Công Thương