Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 25/1/2024: Giá vàng trong nước tăng nhẹ; giá xăng dầu có xu hướng tăng

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 25/1: Giá vàng trong nước tăng nhẹ; giá xăng dầu có xu hướng tăng; hơn 14.500 điểm bán hàng Tết tại Hà Nội…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 24/1/2024: Giá vàng điều chỉnh tăng 500.000 đồng ở cả 2 chiều Giá vàng SJC hôm nay đảo chiều tăng 500 ngàn, bán ra 76,72 triệu đồng/lượng

Giá vàng trong nước tăng nhẹ

Giá vàng trong nước hôm nay được điều chỉnh tăng thêm 200.000 đồng/lượng. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC niêm yết ở mức 74,2 triệu đồng/lượng mua vào và 76,72 triệu đồng/lượng bán ra. Như vậy, so với rạng sáng qua, giá vàng SJC đã được điều chỉnh tăng 200.000 đồng ở cả 2 chiều.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 25/1/2024: Giá vàng trong nước tăng nhẹ; giá xăng dầu có xu hướng tăng
Giá vàng trong nước tăng nhẹ, giá vàng thế giới đảo chiều giảm

Trong khi giá vàng thế giới rạng sáng nay đảo chiều giảm sau khi dữ liệu công bố mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh của Mỹ vẫn mạnh mẽ, với vàng giao ngay giảm 16,9 USD xuống 2.012 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.013 USD/ounce, giảm 12,7 USD so với rạng sáng qua.

Giá xăng dầu có xu hướng tăng

Giá xăng dầu hôm nay 25/1 trên thị trường thế giới tiếp đà tăng vào phiên trước, hướng mốc 80 USD mỗi thùng. Giá dầu tăng trong bối cảnh nhà đầu tư chịu áp lực trước căng thẳng địa chính trị gia tăng và nhu cầu dầu khởi sắc.

Tại thị trường trong nước, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu vào chiều nay sẽ được áp dụng theo mức giá mới. Nhiều nhận định, giá xăng trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có khả năng tăng theo xu hướng của giá xăng thế giới. Nếu cơ quan điều hành không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng có thể tăng từ 700 - 950 đồng/ lít. Còn giá dầu diesel có khả năng tăng nhẹ hơn. Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính chi Quỹ bình ổn thì giá xăng có thể tăng ít hơn.

161 thương nhân đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo

Tính đến ngày 22/1, cả nước có 161 thương nhân được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo. TP. Hồ Chí Minh là địa phương đứng đầu với 36 thương nhân đủ điều kiện, giảm 1 thương nhân so với danh sách công bố hồi tháng 10/2023; tiếp đến là Cần Thơ 34 thương nhân, Long An 22 thương nhân, Đồng Tháp 15 thương nhân, An Giang 14 thương nhân. Một số địa phương khác rất thấp.

Trước đó, trong danh sách hồi giữa tháng 8/2023, cả nước có tổng cộng 210 thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo, nhưng đến tháng 10/2023 chỉ còn 170 thương nhân.

Hơn 200 triệu tỷ đồng giao dịch thanh toán không tiền mặt

Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến cuối năm 2023, thanh toán không dùng tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch, tăng gần 50% so với năm 2022. Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 200 triệu tỷ đồng.

Giới chuyên môn dự báo, con số này có thể sẽ tiếp tục tăng trưởng ngoạn mục trong năm 2024 khi các ngân hàng bán lẻ tiếp tục chạy đua trong việc giữ chân khách hàng với sự hỗ trợ của các công nghệ cao như dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo…

Thời điểm này, các ngân hàng tung ra những sản phẩm tài chính nhằm tăng lợi thế cạnh tranh bằng cách gia tăng trải nghiệm và lợi ích cho người dùng.

Kiều hối về TP. Hồ Chí Minh nhiều kỷ lục

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, kiều hối chảy về thành phố cả năm 2023 đạt mức cao nhất từ trước đến nay 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với 2022. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất thập kỷ, một phần do nền thấp của năm 2022.

TP. Hồ Chí Minh tiếp tục là địa phương ghi nhận lượng kiều hối nhiều nhất, chiếm hơn một nửa của cả nước. So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn.

Kiều hối là một trong những nguồn cung góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ, đồng thời hỗ trợ hiệu quả cho chính sách tiền tệ, tỷ giá và thị trường ngoại hối. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh các đồng tiền mạnh biến động, lạm phát tại một số quốc gia gây áp lực nhất định đến tỷ giá và mối quan hệ tỷ giá - lãi suất và lạm phát.

Hơn 14.500 điểm bán hàng Tết tại Hà Nội

Hà Nội sẽ có hơn 14.500 điểm bán hàng bình ổn phục vụ Tết Nguyên đán. Ước tính, tổng giá trị hàng hóa gần 41 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Theo Sở Công Thương TP. Hà Nội, hiện nguồn cung lương thực - thực phẩm dồi dào, giá cả không có biến động lớn. Các doanh nghiệp cũng đẩy mạnh bán hàng online, triển khai thanh toán điện tử.

Cụ thể, trên 8.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; gần 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và gần 500 bếp ăn tập thể sẵn sàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân trong dịp Tết 2024. Hoạt động này nhằm thực hiện kế hoạch bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2023, đặc biệt trong dịp Tết 2024.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương