Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 23/3/2024: Sáng nay cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều mất giá

(Banker.vn) Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 23/3: Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều mất giá; giá xăng dầu trượt dốc; đề xuất đấu giá thí điểm 4,91 triệu tấn CO2…
Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 10/3/2024: Giá vàng biến động nhẹ so với ngày hôm qua Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 22/3/2024: Giá vàng SJC giảm sâu, vàng nhẫn vẫn tăng cao

Cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều mất giá

Giá vàng thế giới sáng nay (23/3) tiếp đà giảm, với vàng giao ngay giảm 16,5 USD xuống 2.164,5 USD/ounce. Vàng tương lai giao dịch lần cuối ở mức 2.166,5 USD/ounce, giảm 18,2 USD so với rạng sáng qua.

Do giá vàng thế giới giảm mạnh cùng với những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về quản lý thị trường vàng, vì vậy, giá vàng trong nước rạng sáng nay cũng giảm sâu. Hiện tại, giá vàng miếng thương hiệu SJC lúc 8h sáng niêm yết ở mức 77,30 triệu đồng/lượng mua vào và 79,20 triệu đồng/lượng bán ra.

Điểm tin kinh tế - thị trường ngày 23/3/2024: Sáng nay cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều mất giá
Sáng nay (23/3) cả vàng miếng SJC và vàng nhẫn đều mất giá

Giá vàng nhẫn cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tại Bảo tín Minh Châu lúc 8h sáng nay, vàng nhẫn niêm yết ở mức 68,38 triệu đồng/lượng mua vào và 69,68 triệu đồng/lượng bán ra

Giá xăng dầu trượt dốc

Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá dầu giảm nhẹ chưa đến 50 cent. Giá dầu Brent giao tháng 5 giảm 35 cent xuống mức 85,43 USD/thùng. Giá dầu WTI của Mỹ giảm 44 cent xuống mức 80,63 USD/thùng. Tính cả tuần, giá dầu Brent tăng 10 cent, giá dầu WTI giảm 46 cent.

Giá bán lẻ xăng dầu trong nước cũng đã được liên Bộ Tài chính - Công Thương điều chỉnh tăng tại kỳ điều hành giá chiều ngày 21/3. Cụ thể, giá xăng RON 95-III tăng 741 đồng/lít, giá xăng E5 RON 92 tăng 729 đồng/lít. Giá dầu đợt này cũng tăng với dầu mazut tăng 667 đồng/kg, dầu hỏa tăng 560 đồng/lít, và dầu diesel tăng 465 đồng/lít.

Đề xuất đấu giá thí điểm 4,91 triệu tấn CO2

Theo cam kết tại Thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ (ERPA) với Ngân hàng Thế giới (WB), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất tiếp tục chuyển nhượng cho WB 1 triệu tấn CO2. Bởi, ngày 06/10/2023, WB có Công thư gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị mua bổ sung từ lượng giảm phát thải còn dư của báo cáo kỳ 1 là 1 triệu tấn CO2 với mức giá 5 USD/tấn CO2, khoảng 95% kết quả giảm phát thải sẽ được chuyển lại để Việt Nam đóng góp vào cam kết quốc gia về giảm phát thải khí nhà kính.

Tổng số tiền dự kiến thu được từ chuyển nhượng lượng giảm phát thải còn dư là 5 triệu USD và được sử dụng theo quy định tại Nghị định số 107/2022/NĐ-CP về thí điểm chuyển nhượng kết quả giảm phát thải và quản lý tài chính thỏa thuận chi trả giảm phát thải khí nhà kính vùng Bắc Trung Bộ. Thời gian hoàn thành thủ tục chuyển nhượng là trước ngày 31/3/2024.

Đối với lượng giảm phát thải thuộc giai đoạn 2018 -2019 còn dư 4,91 triệu tấn CO2, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc xây dựng kế hoạch sử dụng là cần thiết. Kết quả giảm phát thải sẽ bị mất giá theo thời gian, các đối tác tiềm năng thường lựa chọn các kết quả giảm phát thải trong hiện tại và tương lai.

Theo Công thư ngày 6/10/2023, WB sẽ hỗ trợ Việt Nam tiếp cận với các đối tác tiềm năng để thương mại kết quả giảm phát thải còn lại (4,91 triệu tấn CO2); trong đó có phương án thí điểm đấu giá kết quả giảm phát thải.

Hải Dương bảo đảm chất lượng cà rốt phục vụ xuất khẩu

Trên địa bàn Hải Dương hiện có khoảng 20 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở chuyên thu mua cà rốt sơ chế và xuất khẩu. Hiện 70% sản lượng cà rốt của Hải Dương được xuất khẩu sang thị trường các nước khu vực Trung Đông và Hàn Quốc, Nhật Bản, châu Âu, Malaysia, Singapore, Thái Lan,... 30% còn lại tiêu thụ trong nước.

Để đảm bảo chất lượng cà rốt xuất khẩu, ngành nông nghiệp địa phương đã thực hiện cấp mã số vùng trồng, giám sát chặt chẽ các loại tuyến trùng gây hại và đối tượng kiểm dịch được các nước nhập khẩu cảnh báo; kiểm soát về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật...

Gỡ khó cho doanh nghiệp hàng hải và thủy nội địa

Năm 2023, giá cước vận tải ở mức 1.800 USD/container thì hiện nay giá cước và các phụ phí khác đã tăng lên tới 8.700 USD/container, đồng nghĩa với mỗi tháng, doanh nghiệp mất thêm khoảng 7 tỷ đồng chi phí vận chuyển. Thời gian giao hàng cũng bị chậm do nhiều hãng tàu phải điều chỉnh lịch trình, khiến dòng vốn quay vòng của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp trong lĩnh vực hàng hải và đường thuỷ nội địa năm 2024, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng hải và các cơ quan liên quan kiểm tra, rà soát với các bên để tháo gỡ vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải. Trong đó, tập trung khai thác vận tải biển nội địa nhằm giảm tải cho đường bộ, giúp giảm chi phí vận tải và điều tiết hợp lý cơ cấu thị phần của các loại hình vận tải.

Các bộ ngành liên quan như Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính hỗ trợ thực hiện chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, cảng thủy nội địa, đội tàu vận tải.

Thanh Tâm

Theo: Báo Công Thương