Điểm sáng thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số

(Banker.vn) Thương mại điện tử tiếp tục là một trong những điểm sáng trong phát triển kinh tế số của Việt Nam, năm 2023 doanh thu từ thương mại điện tử ước đạt 20,5 tỷ USD.
Cảnh bảo thủ đoạn sử dụng logo, tên của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số để lừa đảo Đẩy mạnh xuất khẩu qua các nền tảng thương mại điện tử

Bộ Công Thương đã phát huy vai trò cơ quan quản lý nhà nước về TMĐT

Tại Việt Nam, thương mại điện tử (TMĐT) đang là một trong những lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Năm 2022, theo điều tra, khảo sát của Bộ Công Thương, doanh thu TMĐT bán lẻ tại Việt Nam ước tính cả năm tăng trưởng 20% so với năm trước, đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng cả nước. Số lượng người tiêu dùng tham gia mua sắm trực tuyến là trên 54,6 triệu người, giá trị mua sắm trực tuyến của một người đạt gần 270 USD/năm.

Riêng 6 tháng đầu năm 2023, doanh số thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam đạt 10,3 tỷ USD, tăng khoảng 25% so với cùng kỳ, chiếm 7,7% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng cả nước. Dự báo trong giai đoạn 2022 - 2025, kinh tế Internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực đạt khoảng 31%/năm.

Điểm sáng thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số
Thương mại điện tử tiếp tục là kênh phân phối quan trọng của hàng hóa nông sản Việt Nam. Ảnh: SL

Có thể khẳng định, thương mại điện tử Việt Nam trong những năm qua đã tăng trưởng mạnh mẽ. Nếu như năm 2018, doanh thu thương mại điện tử B2C Việt Nam mới chỉ đạt khoảng 8 tỷ USD, thì đến năm 2019, đã vượt mốc 10 tỷ USD (đạt 10,8 tỷ USD). Doanh thu tiếp tục tăng lên 11,8 tỷ USD vào năm 2020. Doanh thu thương mại điện tử bán lẻ (B2C) năm 2022 đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước.

Ước tính, với doanh thu 20,5 tỷ USD trong năm 2023, tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử B2C chiếm khoảng 7,8- 8% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Theo thống kê, các loại hàng hóa, dịch vụ thường được người tiêu dùng mua sắm trực tuyến nhiều nhất là quần áo, giày dép và mỹ phẩm (76%); thiết bị đồ dùng gia đình (67%); đồ công nghệ và điện tử (61%); sách, hoa, quà tặng (53%); xem phim trực tuyến (35%) và thực phẩm (32%)…

Cụ thể, quy mô nền kinh tế Internet của Việt Nam năm 2022 đạt 23 tỷ USD và dự báo năm 2025 sẽ đạt 49 tỷ USD. Doanh thu bán lẻ hàng hóa trực tyến của Việt Nam năm 2022 đạt 14 tỷ USD nhưng con số này sẽ tăng lên 32 tỷ USD vào năm 2025.

Theo Ths. Nguyễn Bình Minh - Giảng viên chính Bộ môn Thương mại Điện tử, Đại học Thương mại cho rằng, tăng trưởng của TMĐT trong những năm qua cho thấy xu hướng tiêu dùng đã có sự thay đổi, khả năng tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin của người tiêu dùng ngày càng cao hơn.

Đặc biệt, nhìn ở góc độ tổng thể, ông Nguyễn Bình Minh nhận định, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục được cải thiện theo chiều hướng tích cực, giảm hàm lượng xuất khẩu thô, tăng xuất khẩu sản phẩm chế biến, sản phẩm công nghiệp, tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Điểm sáng thương mại điện tử gắn với chuyển đổi số
Năm 2022, Việt Nam xếp vào nhóm 5 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử hàng đầu thế giới

Hoạt động thương mại điện tử trở thành điểm nhấn nổi bật trong bức tranh thương mại của Việt Nam trong năm 2022 - 2023. Dự báo độ tăng trưởng thương mại điện tử năm 2023 sẽ vượt trên 25% và đạt quy mô hơn 20 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới (năm 2022) hoạt động thương mại điện tử của Việt Nam tiếp tục phát triển trở thành kênh phân phối quan trọng, tạo động lực phát triển kinh tế và dẫn đắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Cùng với tăng trưởng của thương mại điện tử, tình hình thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng tăng trưởng tốt. Năm 2022, quy mô thị trường thương mại điện tử ngành bán lẻ Việt Nam ước đạt 16,4 tỷ USD, chiếm 7,5% doanh thu hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng của cả nước đi cùng với đó, nguồn thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử cũng tăng cao. Và tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng trưởng và có quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019-2023 và gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2019-năm trước khi xảy ra dịch Covid-19, đạt 33.404 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước.

Các công cụ thanh toán, đặc biệt số tài khoản thương mại điện tử tăng trưởng rất nhanh nhất là các tài khoản ví điện tử, điều này thể hiện tốc độ giao dịch thương mại điện tử của Việt Nam đã được cải thiện. Đây là một thành công lớn trong bức tranh thương mại của Việt Nam năm 2022 và cả năm 2023”- ông Bình Minh cho hay.

Về phân phối và giao hàng, trong bối cảnh diễn ra đại dịch Covid-19, chuỗi cung ứng và logistic của Việt Nam đã được hoàn thiện hơn, việc giao hàng trong thương mại điện tử hiện nay đã đạt chất lượng tốt. Nhiều người mua hàng hiện không mấy quan tâm đến kiểm tra hàng trước khi nhận hàng, điều này đã phản ánh niềm tin của người mua hàng thông qua sàn thương mại điện tử.

ông ThS. Nguyễn Bình Minh-Giảng viên chính Bộ môn Thương mại Điện tử, Đại học Thương mại
ThS. Nguyễn Bình Minh-Giảng viên chính Bộ môn Thương mại Điện tử, Đại học Thương mại

Đánh giá về vai trò của Bộ Công Thương trong bức tranh phát triển thương mại nói chung và thương mại điện tử nói riêng, ông Bình Minh cho rằng: "Trong năm 2022 -2023, Bộ Công Thương đã làm rất tốt vai trò quản lý nhà nước của ngành cũng như thúc đẩy rất mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đặc biệt là thúc đẩy các Cục, vụ, các sở công thương tại các địa phương trong việc hỗ trợ các hiệp hội ngành nghề cùng các doanh nghiệp, hợp tác xã, các hộ kinh doanh có thể đưa các sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử/ sàn giao dịch điện tử…. nhờ đó đã tạo ra chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, xúc tiến thương mại điện tử cho nông nghiệp."

Đơn cử như, Bộ Công Thương đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều chương trình kết nối TMĐT tại nhiều tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Thái Bình; Cần Thơ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Chương trình đã hỗ trợ hàng nghìn lượt doanh nghiệp tiếp cận phương thức phân phối hàng hoá trên TMĐT và tạo thói quen mua sắm đối với người tiêu dùng, qua đó tăng doanh thu cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các chương trình hợp tác về thương mại điện tử xuyên biên giới với các đối tác là sàn TMĐT quốc tế lớn như Amazon, Alibaba được triển khai mạnh mẽ, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh xuất khẩu. Thông qua những chương trình này, các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam (nông sản thực phẩm chế biến, hàng thủ công mỹ nghệ, hàng công nghiệp tiêu dùng) có thể xuất khẩu trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất đến thị trường của nhiều quốc gia trên thế giới thông qua TMĐT.

Kết quả là có rất nhiều sản phẩm đã ra được thị trường quốc tế, hay được đưa lên sàn thương mại điện tử các thị trường khó tính như: EU, Mỹ, Nhật Bản…Đây là thành công lớn nhất của các cơ quan quản lý nhà nước trong năm 2022 trong việc thúc đẩy tìm kiếm thị trường cho hàng hóa của Việt Nam cũng như thúc đẩy thương mại điện tử phát triển.

Còn nhiều dư địa cho tăng trưởng TMĐT

Dự báo thời gian tới việc ứng dụng khoa học, công nghệ thông tin, thương mại điện tử trong kinh doanh là xu hướng tất yếu và ngày càng phát triển phong phú, đa dạng.

Ông Bình Minh khẳng định: Chúng ta có nguồn nhân lực trẻ và học tập rất nhanh nếu chúng ta tập trung vào đào tạo chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số thì đội ngũ nguồn nhân lực này phát triển rất nhanh và kỹ năng phát triển rất tốt.

Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử VOSCO
Vải thiều Bắc Giang trên sàn thương mại điện tử VOSO.VN

Tiếp đến các công nghệ mới trong thương mại điện tử BigData, AI, IoT, Blockchain…phải có những công nghệ này mới tạo ra sự phát triển vượt bậc, còn ứng dụng CNTT thông thường chỉ là quá trình số hóa, chỉ giúp tăng năng suất thôi chứ không mang tính đột phát. Ví dụ như ứng dụng công nghệ trong truy xuất nguồn gốc nếu ứng dụng CNTT bình thường thì tem dễ bị làm giả thay vì ứng dụng ở công nghệ cao hơn (AI, Blockchain), thì mức độ bảo toàn cao hơn và có như vậy mới xâm nhập và tạo được niềm tin ở thị trường khó tính.

Tuy nhiên, đây là lợi thế nhưng cũng là bất lợi do các đối tượng sẽ lợi dụng các nền tảng, ứng dụng thực hiện hành vi buôn lậu, gian lận thương mại với phương thức, thủ đoạn mới, ngày càng phức tạp, tinh vi.

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử trong nền kinh tế số dẫn đến sự ra đời của nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới (như tiền kỹ thuật số, mô hình kinh doanh ứng dụng blockchain, trí tuệ nhân tạo AI) đang đặt ra những thách thức không nhỏ về tính thích ứng của hành lang pháp lý.

Thương mại điện tử là lĩnh vực có sự giao thoa của nhiều hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng như chức năng quản lý ngành của nhiều đơn vị quản lý nhà nước, bao gồm: Các quy định về quản lý thị trường, quản lý doanh nghiệp, quản lý thuế, quản lý hải quan, quản lý an toàn an ninh mạng. Hệ thống pháp luật làm nền tảng cho các giao dịch thương mại, các quy định về giao dịch điện tử. Chính vì vậy, hệ thống pháp luật về thương mại điện tử không những phải theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử mà còn phải đảm bảo tính đồng bộ và nhất quán, tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp và người dân ứng dụng thương mại điện tử hiệu quả, bền vững.

Bên cạnh đó, ông Minh cho rằng, hiện chúng ta mới chỉ kiến tạo về mặt chính sách chứ chưa có nhiều sự hỗ trợ về mặt tài chính, với các doanh nghiệp chuyển đổi số tốt thì họ sẽ cần các hỗ trợ về cơ chế chính sách tạo sự cạnh tranh bình đẳng, minh bạch… thông qua việc cơ quan quản lý nhà nước sàng lọc các hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, sản phẩm vi phạm về pháp luật giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Đối với các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, các hộ kinh doanh cá thể, các hộ nông dân rất cần sự hỗ trợ về công nghệ và năm 2022 và 2023 các đơn vị quản lý của Bộ Công Thương đã hỗ trợ và làm rất tốt vấn đề này. Hiện nhiều cơ sở sản xuất mong muốn được tạo điều kiện thuận lợi trong việc đào tạo chuyển giao công nghệ. Các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ họ về mặt công nghệ để xây dựng và truy xuất nguồn gốc thậm chí hỗ trợ cả về tài chính ở trong giai đoạn đầu để sản phẩm của họ có thể vào được thị trường.

Thu Hường

Theo: Báo Công Thương