Đề xuất tăng mức xử phạt trong cung ứng dịch vụ ví điện tử

(Banker.vn) Ngân hàng Nhà nước đang dự thảo đề xuất tăng mức xử phạt trong cung ứng dịch vụ ví điện tử, cao nhất lên tới 120 triệu đồng.
Thị trường ví điện tử: Miếng mồi ngon hay thách thức lớn? Ví điện tử đang dần lên ngôi ‘Bước ngoặt’ thị trường trung gian thanh toán

Một trong những hành vi vi phạm về tài khoản thanh toán được Ngân hàng Nhà nước đề xuất tăng mức xử phạt là vi phạm các quy định về trung gian thanh toán (cung ứng dịch vụ ví điện tử).

Thị trường ví điện tử tại Việt Nam đã chứng kiến tốc độ phát triển nhanh chóng. Theo FiinGroup, doanh nghiệp chuyên lĩnh vực cung cấp dịch vụ tích hợp về dữ liệu tài chính, giai đoạn 2018-2023, số lượng và giá trị giao dịch thông qua ví điện tử liên tục đạt mức tăng trưởng hai con số, với tốc độ hàng năm lần lượt là 80,4% và 83,5%.

Sự tăng trưởng nóng của thị trường là một trong những nguyên nhân khiến cơ quan quản lý phải sửa đổi các quy định quản lý liên quan.

Theo đó, tại dự thảo nghị định về xử phạt vi phạm hành chính đối với lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng đang được lấy ý kiến góp ý (sửa đổi, bổ sung Nghị định số 88/2019/NĐ-CP), Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất xử phạt từ 100 - 120 triệu đồng đối với hành vi mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 10 ví điện tử trở lên;

Phạt tiền từ 50 - 100 triệu đồng đối với việc mở hoặc duy trì ví điện tử nặc danh, mạo danh; mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn ví điện tử; lấy cắp, thông đồng để lấy cắp, mua, bán thông tin ví điện tử từ 1 ví điện tử đến dưới 10 ví điện tử.

Đề xuất tăng mức xử phạt trong cung ứng dịch vụ ví điện tử
Các ứng dịch vụ ví điện tử. Ảnh minh họa

Ngoài ra, các hành vi vi phạm trong hoạt động thẻ ngân hàng cũng bị tăng mức đề xuất xử phạt. Đơn cử: phạt tiền từ 100 - 150 triệu đồng đối với hành vi mua, bán, thuê, cho thuê, mượn, cho mượn tài khoản thanh toán (tài khoản ngân hàng) hoặc mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 1 tài khoản đến dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Phạt tiền từ 150 - 200 triệu đồng đối với hành vi mở tài khoản thanh toán cho khách hàng, cho phép khách hàng sử dụng tài khoản thanh toán không đúng quy định của pháp luật trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán; phạt từ 60 - 80 triệu đồng khi thuê, cho thuê, mua, bán, mở hộ thẻ ngân hàng (trừ trường hợp thẻ trả trước vô danh) với số lượng từ 1 thẻ đến dưới 10 thẻ.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 30/6/2024, cả nước có 50 tổ chức trung gian thanh toán được cấp phép, trong đó có 48 đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử. Tổng số ví đã kích hoạt lên tới 58 triệu, với hơn 34 triệu ví đang hoạt động, chiếm khoảng 59% tổng số ví.

Liên quan tới hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tính đến đầu năm 2025, số lượng tài khoản thanh toán cá nhân tại Việt Nam đạt hơn 200 triệu. Tại nhiều ngân hàng thương mại đã có hơn 90% giao dịch tài chính được thực hiện qua các kênh số, tăng trưởng giao dịch qua Internet, thiết bị di động và mã QR lần lượt đạt 35%, 33% và 66% so với cùng kỳ năm 2024.

Thuỳ Linh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục