"Để tiền" vào đâu khi lãi suất tiền gửi tiếp tục giảm sâu?

(Banker.vn) Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, trần lãi suất huy động đối với tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng từ ngày 25/5 chỉ được tối đa 5%/năm, giảm 0,5 điểm % so với trước. Đáng chú ý, không chỉ lãi suất kỳ hạn ngắn mà lãi suất kỳ hạn dài cũng được nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh.

Tại SeABank , ngân hàng giảm 0,3-0,4 điểm % đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng hiện nay là 6,15-7,6%/năm, trong đó, khách hàng gửi từ 100 triệu đồng sẽ được hưởng lãi suất từ 7,4%/năm, trên 10 tỷ là 7,6%/năm. Tương tự, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng cũng được giảm xuống còn 7,8-8%/năm (số tiền từ 100 triệu đồng).

Ảnh minh họa.

Những ngân hàng có lãi suất thuộc nhóm cao trong hệ thống như ABBank, VietABank, Nam A Bank,... cũng đã điều chỉnh mạnh.

Ngân hàng từng có lãi suất huy động cao nhất thị trường là ABBank đã điều chỉnh lãi suất tiền gửi các kỳ hạn từ 6 tháng giảm tới 0,3-0,7 điểm %. Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 36 tháng của ABBank giảm từ 9,2%/năm xuống 8,5%/năm. Ngoài ra, lãi suất kỳ hạn 12 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,3 điểm % xuống 8,2%/năm.

VietBank cũng điều chỉnh lãi suất kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Trong đó, gửi tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng hiện nay tại ngân hàng sẽ có lãi 7,8%/năm, thấp hơn trước 0,3 điểm %. Đồng thời, lãi tiền gửi kỳ hạn 13 tháng cũng giảm xuống 7,9%/năm, cũng là mức cao nhất tại VietBank.

Tại Nam A Bank , lãi suất kỳ hạn 6 tháng giảm 0,5 điểm % xuống 8%/năm. Lãi suất kỳ hạn 36 tháng giảm mạnh 0,6 điểm % xuống 7,8%/năm.

VietABank thì giảm 0,2-0,5 điểm % đối với các kỳ hạn dài. Hiện lãi suất cao nhất tại ngân hàng chỉ còn 8,2%/năm (kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng).

Ở các ngân hàng lớn, hầu hết các nhà băng tư nhân giữ nguyên lãi suất kỳ hạn dài, chỉ điều chỉnh lãi suất kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng. Nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) điều chỉnh cả lãi suất kỳ hạn dài. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tại những ngân hàng này giảm mạnh từ 7,2%/năm xuống còn 6,8%/năm.

Theo chuyên gia Nguyễn Tuấn Anh - Chủ tịch HĐQT FinPeace - đơn vị đào tạo tài chính cá nhân và đầu tư, thực tế mức giảm lãi suất hiện tại chưa đủ để khiến các nhà đầu tư thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư.

Theo vị này, cơ cấu danh mục đầu tư được hiểu là sự cân đối giữa khoản đầu tư mang lại thu nhập cố định (như gửi tiết kiệm) với khoản đầu tư rủi ro khác (cổ phiếu, vàng, bất động sản, tiền số). Về lý thuyết, khi lãi suất giảm, nhà đầu tư có xu hướng giảm tỷ trọng ở khoản đầu tư mang lại thu nhập cố định để đẩy sang đầu tư rủi ro. Do hiệu quả đầu tư của các kênh rủi ro hiện cũng chưa cao, nên người dân chưa cần thiết phải cơ cấu lại.

Tuy nhiên, theo nhận định từ nhiều chuyên gia kinh tế, lãi suất điều hành có thể sẽ còn một đợt giảm tiếp trong nửa cuối năm. Điều này, sẽ khiến lãi tiết kiệm giảm mạnh và đây mới là lúc có thể hình thành xu hướng thay đổi cơ cấu danh mục đầu tư. Theo chuyên gia, khi các doanh nghiệp có thể phục hồi nhờ động lực là lãi vay hạ, dòng tiền có thể rút khỏi tiết kiệm để đổ vào các kênh đầu tư chịu ảnh hưởng bởi tác động của sản xuất kinh doanh như chứng khoán.

Cơ hội để dòng tiền quay lại thị trường khi mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Theo MBS, khả năng để thị trường chứng khoán bứt phá hoặc tăng mạnh sẽ khó xảy ra ở giai đoạn này và ngược lại, ...

Ngân hàng "bắt tay" giảm lãi suất cho vay

Sau cuộc họp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), nhiều ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay 0,3-0,5% đối với tất cả ...

Cổ phiếu ngân hàng vẫn bỏ ngỏ khả năng "dẫn dắt"

Sau khi Ngân hàng Nhà nước chính thức giảm lãi suất lần thứ 3 trong tháng qua, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa thực ...

Đan Chi

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán