ĐBQH Hoàng Văn Cường: Tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất

(Banker.vn) Trong bối cảnh nhiều đồng tiền lớn như đồng USD, Euro liên tục được tăng lãi suất, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cho rằng, việc Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất nhằm khắc phục thấp nhất tác động của việc biến động đồng tiền trên thế giới.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường- Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, tình hình kinh tế trên thế giới đang được đánh giá là có mức lạm phát rất cao. Những  đồng tiền lớn như USD, Euro liên tục được tăng lãi suất.

Khi các đồng tiền lớn tăng lãi suất thì vô hình chung đẩy đồng tiền Việt Nam sẽ mất giá theo và tỷ giá của Việt Nam ngay lập tức phải tăng nhanh.

Trong bối cảnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, nếu để tỷ giá tăng cao sẽ dẫn đến các hoạt động về xuất nhập khẩu, ảnh hưởng ngay đến vấn đề cân đối ngân sách, ngoại tệ cho các doanh nghiệp. Như vậy là rất rủi ro, buộc chúng ta phải có biện pháp để điều chỉnh, không phải là giữ tỷ giá nhưng phải kiểm soát tỷ giá ở mức phù hợp, để làm sao trong bối cảnh lạm phát như thế thì nó cũng không bị ảnh hưởng quá lớn.

Nếu như chỉ dùng biện pháp đơn thuần là bán ngoại tệ ra ngoài thị trường hay cung cấp ngoại tệ nhiều hơn để giữ tỷ giá thì các ngân hàng sẽ không thể đủ lượng ngoại tệ lớn để dự trữ. Như vậy, trong trường hợp đó buộc phải nâng giá đồng tiền VND bằng cách tăng lãi suất. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, tăng lãi suất để cân đối được tỷ giá khá ổn định và đảm bảo chống được lạm phát như các nước đang làm thì là một điều cần thiết.

“Việc tăng lãi suất là cần thiết để điều hòa nhịp nhàng giữa tỷ giá với lãi suất nhằm khắc phục thấp nhất tác động của việc biến động đồng tiền trên thế giới”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Với diễn biến thị trường tài chính thế giới còn nhiều biến động, lạm phát vẫn tiền ẩn, đại biểu cho rằng, rấ khó để xác định “lãi suất tăng đến đâu thì hạ xuống”. Bởi điều này rất khó để đánh giá, mà phải phụ thuộc vào quan hệ thị trường.

Theo đó, cần xem xét đồng tiền Việt Nam đang vận hành ra sao, tham gia vào quan hệ xuất nhập khẩu đang biến động như thế nào?. “Chúng ta không thể giữ giá đồng tiền của mình không biến động trong khi các đồng tiền khác tăng giá. Phải chấp nhận mất giá đồng tiền ở một giới hạn nào đó, nhưng phải cân nhắc, nếu đồng tiền mất giá quá thì nhà đầu tư, người dân sẽ bị ảnh hưởng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Cùng với đó, đại biểu cũng khuyến nghị: “Chúng ta cũng phải chấp nhận tỷ lệ lạm phát ở một mức độ nhất định, không thể giữ yên tỷ lệ lạm phát trong khi lạm phát thế giới tăng cao. Tuy nhiên, chúng ta phải cân nhắc, nếu để lạm phát tăng cao sẽ ảnh hưởng đến đời sống người dân và sản xuất kinh doanh”.

Trả lời cho câu hỏi khi nào lãi suất sẽ giảm?. Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, khi nào đồng tiền thế giới không tăng giá nữa, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ không nâng lãi suất nữa, cung cầu tiền tệ ổn định, không nhất thiết phải thu hút tiền nhàn rỗi trong nhân dân nữa thì có thể giảm dần lãi suất xuống.

Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bằng giãn, hoãn các nghĩa vụ thuế, phí. Hiệu quả của nhóm chính sách này là đã giúp làm giảm gánh nặng, chi phí cho doanh nghiệp trong lúc khó khăn.

Đặc biệt, Nghị quyết 43 của Quốc hội về Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế 2022-2023 cho phép dùng ngân sách hỗ trợ 2% lãi suất tiền vay cho những nhóm ngành được ưu tiên hướng vào mục tiêu phục hồi kinh tế. “Đây cũng là những chính sách làm giảm bớt gánh nặng cho doanh nghiệp trong môi trường lãi suất tăng”, đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Đối với chính sách tài khóa, đại biểu cho rằng, 2 năm qua, Việt Nam đã rất thành công trong điều hành chính sách tài khóa. Đó là chúng ta không thực hiện những giải pháp quá vội vàng, không giật cục, để tạo ra những “cú sốc” đối với nền kinh tế.

Trong thời điểm hiện tại, chính sách tài khoá đang có một thuận lợi, đó là, nợ công được duy trì khá thấp, khoảng 43 – 44% GDP, so với trần cho phép là 60% GDP. Như vậy, Việt Nam đang còn dư địa để sử dụng bội chi nhiều hơn, nghĩa là hướng đến không thu nhiều của doanh nghiệp mà ngược lại vẫn còn ngân sách để hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn. Chính sách tài khoá vẫn là cốt yếu cho điều hành và ổn định nền kinh tế vĩ mô trong bối cảnh hiện nay.

Lan Nguyễn

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục