Đẩy mạnh tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch

(Banker.vn) Ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.

Ngày 12/11/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức Hội thảo khoa học “Tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp”.
 
Hội thảo do Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn chủ trì với sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý nhà nước; các tổ chức chính trị - xã hội; các tổ chức tín dụng; hiệp hội, doanh nghiệp, trường đại học, học viện thuộc lĩnh vực nông nghiệp.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn phát biểu khai mạc Hội thảo

Ngành Ngân hàng thực hiện tốt tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch
 
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn nhấn mạnh: Kinh nghiệm của các quốc gia đi đầu trong sản xuất nông nghiệp trên thế giới cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch là xu hướng tất yếu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hóa nông sản, thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của xã hội, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu, hướng tới phát triển nông nghiệp bền vững.

Tại Việt Nam, xác định tầm quan trọng của ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, nông nghiệp sạch, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 17/12/2012 phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình Quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020 và Quyết định số 575/QĐ-TTg ngày 04/5/2015 phê duyệt Quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, Nghị quyết số 30/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02/2017 cũng đã đề ra các giải pháp trọng tâm thúc đẩy phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các bộ, ban, ngành để khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo sự hấp dẫn về cơ chế, chính sách thu hút nguồn lực xã hội vào nông nghiệp công nghệ cao, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, thúc đẩy tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Qua đó, nhiều khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đã được hình thành từ năm 2010, góp phần thúc đẩy xây dựng và phát triển nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao.

Toàn cảnh Hội thảo

Về phía ngành Ngân hàng, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong những năm qua, NHNN đã ban hành/trình cấp có thẩm quyền nhiều chính sách ưu đãi đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thống đốc NHNN đã ban hành Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24/4/2017 chỉ đạo các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch với một số nội dung chính như: (i) Đối tượng vay vốn bao gồm pháp nhân và cá nhân có nhu cầu vay vốn để thực hiện dự án, phương án sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch theo tiêu chí xác định chương trình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch quy định tại Quyết định số 738/QĐ-BNN-KHCN ngày 14/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; (ii) Các NHTM tự cân đối nguồn vốn để cho vay với lãi suất cho vay bằng VND thấp hơn từ 0,5%/năm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất cho vay thông thường cùng kỳ hạn của NHTM. Ngành Ngân hàng đã hoàn thành nhiệm vụ được giao theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện chương trình cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; đến nay, đã có kết quả vượt mục tiêu đề ra theo Nghị quyết số 30/NQ-CP.

Tính đến cuối tháng 8/2024, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt gần 27 nghìn tỉ đồng với trên 9.600 khách hàng còn dư nợ; doanh số cho vay trong 8 tháng năm 2024 đạt khoảng 15 nghìn tỉ đồng (doanh số năm 2022 đạt khoảng 15 nghìn tỉ đồng, năm 2023 đạt trên 20 nghìn tỉ đồng). Vốn tín dụng là một trong các nguồn lực quan trọng để người dân, doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, áp dụng cơ giới hóa, khoa học, kỹ thuật phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn khẳng định: “Việc tổ chức Hội thảo là cơ hội để các nhà hoạch định chính sách, cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng trao đổi, thảo luận, tìm ra các khoảng trống pháp lý nhằm tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng vốn và tiếp cận vốn tín dụng cho các hợp tác xã, hộ nông dân và doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch”.

Phó Thống đốc NHNN Đoàn Thái Sơn đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý, các chuyên gia sẽ đi sâu, tập trung thảo luận, giải quyết 3 nhóm vấn đề: (i) Đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện hơn những vấn đề lý luận chung về các cơ chế, chính sách tín dụng hiện hành cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia trong việc thúc đẩy hoạt động cấp tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; (ii) Đi sâu phân tích, đánh giá kinh nghiệm thực tiễn của một số tổ chức tín dụng trong cung ứng vốn tín dụng cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, rút ra được những bài học kinh nghiệm đối với Việt Nam; (iii) Phân tích, đánh giá cơ chế, chính sách hỗ trợ và thực trạng hoạt động cấp tín dụng đối với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch; tìm ra các rào cản, những tồn tại, hạn chế làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả cung ứng và tiếp cận vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch.
 
3 “nút thắt” mà ngành nông nghiệp cần tháo gỡ
 
Trình bày tham luận “Tài chính cho nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch - Kinh nghiệm quốc tế và một số khuyến nghị cho Việt Nam”, TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN cho biết, khái niệm phát triển nông nghiệp bền vững được hiểu và nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau. Nông nghiệp bền vững có thể tập trung ứng dụng khoa học - công nghệ vào nông nghiệp theo hướng bền vững, đặc biệt là công nghệ giúp giảm sự phụ thuộc vào các nguồn tài nguyên không tái tạo và đầu vào có hại cho môi trường, ví dụ nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp vĩnh cửu, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sử dụng ít đầu vào, nông nghiệp nhạy cảm với môi trường... Nông nghiệp bền vững cũng có thể được nhìn nhận dưới góc độ liên quan đến khả năng phục hồi (khả năng của hệ thống chống đỡ những cú sốc) và khả năng duy trì hoạt động. Nói cách khác, đó là những khả năng thích ứng với những thay đổi bên trong và bên ngoài.

TS. Phạm Minh Tú, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng, NHNN tham luận tại Hội thảo

Kinh nghiệm triển khai nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch tại một số quốc gia (Mỹ, Ấn Độ…) cho thấy, tín dụng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch có một số đặc điểm, đặc trưng như sau: (i) Nguồn vốn lớn; (ii) Cần phải có hướng dẫn cho vay và các tiêu chí để xác định dự án nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch; (iii) Các dịch vụ tư vấn giúp cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiệu quả và công tác hỗ trợ đào tạo, khảo sát thực tế là cần thiết.

Theo TS. Phạm Minh Tú, kinh nghiệm các nước cho thấy, để phát triển nền nông nghiệp sạch, bền vững, cần ưu tiên giải quyết 4 vấn đề chính, gồm: (i) Chứng nhận chất lượng; (ii) Phát triển thị trường; (iii) Hỗ trợ đầu tư nghiên cứu và đào tạo nhân lực; (iv) Có cơ chế chính sách hỗ trợ có hiệu quả.

Tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của nông nghiệp nước ta, đó là: Quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, giá trị gia tăng thấp; chưa thực sự chuyển mình theo hướng công nghiệp hiện đại gắn với kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp vẫn còn thấp; chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn nhiều hạn chế.

Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
tham luận tại Hội thảo

Bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa nêu ra 3 “nút thắt” mà ngành nông nghiệp cần phải tháo gỡ là “manh mún, nhỏ lẻ”, “nông nghiệp bị động” và “nông nghiệp đánh đổi”, qua đó, đề xuất một số giải pháp:  

Thứ nhất, chuyển đổi tư duy kinh tế: Phải chuyển đổi ngay để tối ưu hóa về mặt giá trị chứ không tối ưu hóa sản lượng. Quan trọng vẫn là sản xuất bán được ở đâu, thu bao nhiêu chứ không phải là sản xuất được bao nhiêu.

Thứ hai, áp dụng khoa học công nghệ: Cần phải dựa trên công nghệ cao, lấy công nghệ cao là mục tiêu cuối cùng. Phải hình thành các trung tâm chế biến, trung tâm đổi mới khoa học sáng tạo cho các khu vực. Sử dụng công nghệ cao để nâng cao được giá trị nông sản.

Thứ ba, đầu tư chuyên sâu: Đầu tư cho các khu vực nông nghiệp hàng hóa gắn với xây dựng thương hiệu, tập trung theo nhóm cây trồng chủ lực, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất xanh, thân thiện môi trường.

Thứ tư, xây dựng và hoàn thiện chính sách: Xây dựng và hoàn thiện các chính sách quản lý, sử dụng tài nguyên theo hướng thân thiện môi trường, tập trung vào hai ngành có lượng thải carbon lớn là chăn nuôi và trồng lúa để thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.
 
Việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn còn những khó khăn, vướng mắc
 
Tại Hội thảo, bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN cho biết, trong thời gian qua, bên cạnh các chính sách riêng, NHNN đã triển khai nhiều giải pháp để tạo thuận lợi cho hoạt động tín dụng nói chung cũng như tín dụng phục vụ phát triển lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp công nghệ cao, như: (i) Thường xuyên rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, đặc biệt là các quy định về hoạt động cấp tín dụng, tổ chức và hoạt động của các loại hình tổ chức tín dụng, thanh toán, sản phẩm dịch vụ ngân hàng,… theo hướng phù hợp với nguyên tắc thị trường, yêu cầu phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng mở rộng cung ứng tín dụng, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phát triển kinh tế nói chung và lĩnh vực nông nghiệp nói riêng; (ii) Điều hành chính sách tiền tệ góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thành phần kinh tế đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Điều hành lãi suất theo hướng giảm mặt bằng lãi suất, giúp giảm chi phí vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp giảm chi phí vốn vay, tăng khả năng đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, cải thiện đời sống; (iii) Thường xuyên chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực nông nghiệp; rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn tín dụng…

Bà Hà Thu Giang, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN tham luận tại Hội thảo

Tuy nhiên, bà Hà Thu Giang cũng trăn trở về một số khó khăn, vướng mắc trong việc cung ứng tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đó là:

Thứ nhất, các dự án nông nghiệp công nghệ cao thường yêu cầu vốn vay lớn, thời gian dài; trong khi nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng chủ yếu là tiền gửi tổ chức, dân cư có kỳ hạn ngắn, được huy động theo cơ chế thị trường.

Thứ hai, sản xuất nông nghiệp luôn tiềm ẩn rủi ro từ thiên tai, dịch bệnh; các công cụ phòng ngừa, hạn chế rủi ro còn chậm triển khai. Ví dụ, gần đây nhất, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại cho các lĩnh vực về sản xuất nông nghiệp trên 30.800 tỉ đồng, chiếm khoảng 38% tổng thiệt hại về kinh tế.

Thứ ba, nguồn vốn của ngành Ngân hàng luôn sẵn sàng để đáp ứng nhu cầu đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tuy nhiên số lượng các dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch hiện nay còn hạn chế; nhiều dự án chưa được đầu tư bài bản, chưa chứng minh được tính khả thi, hiệu quả, thị trường tiêu thụ không ổn định..., nên các ngân hàng khó khăn trong thẩm định và quyết định cho vay...
 
Ngành Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao

Thời gian tới, để đẩy mạnh đầu tư tín dụng có hiệu quả phục vụ phát triển nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, NHNN cho biết sẽ tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất linh hoạt, phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện giảm lãi suất thị trường. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan hoàn thiện Báo cáo tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 55/2015/NĐ-CP), Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2028 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (Nghị định số 116/2018/NĐ-CP); đề xuất sửa đổi, bổ sung chính sách.

Cùng với đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục triển khai có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn (trong đó có chính sách cho vay ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp) theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP và Nghị định số 116/2018/NĐ-CP; triển khai một số chương trình cho vay như chương trình cho vay lĩnh vực lâm sản, thủy sản; chương trình cho vay phát triển bền vững 1 triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và giảm phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; chủ động cân đối nguồn vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nói riêng; đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ; đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân và doanh nghiệp …

Bên cạnh các giải pháp của ngành Ngân hàng, cần có sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan để nâng cao hiệu quả đầu tư vốn tín dụng phục vụ lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, góp phần thực hiện thành công Kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận để tìm ra giải pháp cho những vấn đề liên quan đến nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp sạch như hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai; đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch…
 
Diệp Anh

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục