Đầu năm, ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn

(Banker.vn) Hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh trong năm 2024, nhằm củng cố nguồn lực tài chính, gia tăng nguồn vốn trung và dài hạn
21 ngân hàng thương mại và 6 công ty tài chính được chấp thuận tăng vốn điều lệ Tín dụng 2023 tăng 13,5%, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh Phó Thống đốc Đào Minh Tú: Không chấp nhận khi giá vàng thế giới tăng 1, trong nước lại tăng 3

Nhiều ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ

Những ngày cuối năm 2023 và đầu năm 2024, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có một loạt văn bản về việc chấp thuận cho các ngân hàng tăng vốn điều lệ thông qua nhiều phương án như: Phát hành cổ phiếu để chia cổ tức, chào bán riêng lẻ, phát hành cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài…

Theo đó, các ngân hàng được chấp thuận tăng vốn điều lệ gồm: Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LPBank), Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (SaigonBank)…

Đại diện LPBank cho biết, vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ 20.576 tỷ đồng lên hơn 25.576 tỷ đồng. Trước đó, LPBank cũng đã được chấp thuận tăng vốn điều lệ thêm tối đa 11.385 tỷ đồng theo phương án do đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 thông qua. Cụ thể, ngân hàng này phát hành hơn 328,5 triệu cổ phiếu trả cổ tức với tỷ lệ 19%, đồng thời phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá trị tương đương 5.000 tỷ đồng.

Sau tăng vốn điều lệ, LPBank tiếp tục nằm trong top những ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống.

Một số ngân hàng có lãi suất thấp sẽ được ưu tiên điều chỉnh room tín dụng (Ảnh H.H)
Hoạt động tăng vốn điều lệ tiếp tục được các ngân hàng thương mại đẩy mạnh trong năm 2024

Tương tự, NCB cũng cho biết, vừa được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên hơn 11.800 tỷ đồng. Theo đó, NCB sẽ phát hành và chào bán 620 triệu cổ phiếu với giá 10.000 đồng/cổ phiếu, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 6.200 tỷ đồng. Nếu phát hành thành công, vốn điều lệ của NCB sẽ tăng từ 5.602 tỷ đồng lên 11.802 tỷ đồng.

Theo kế hoạch, NCB sẽ thực hiện phát hành cổ phiếu ngay sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận (dự kiến trong quý II/2024). Việc chuyển nhượng số cổ phiếu này bị hạn chế trong vòng 1 năm kể từ ngày hoàn thành chào bán.

Trước đó, hồi cuối tháng 12/2023, SaigonBank cũng được chấp thuận tăng vốn điều lệ tối đa thêm 308 tỷ đồng dưới hình thức phát hành cổ phiếu để chi trả cổ tức cho cổ đông hiện hữu. Đại diện ngân hàng này cho biết, việc tăng vốn điều lệ là cần thiết đối với SaigonBank nhằm nâng cao năng lực tài chính, đồng thời đổi mới công nghệ bắt kịp xu hướng phát triển.

Theo thống kê, trong năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chấp thuận tăng vốn điều lệ đối với 21 ngân hàng thương mại cổ phần, chủ yếu là từ nguồn vốn chủ sở hữu của ngân hàng (lợi nhuận để lại và các quỹ dự trữ).

Các ngân hàng được chấp thuận bao gồm: HDBank, MB, SeABank, ACB, VIB, TPBank, LPBank, BacABank, VietABank, VietBank, Techcombank, Eximbank, OCB, ABBank, SHB, BVBank, MSB, KienLongBank, NamABank, NCB, VPBank.

Đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng Nhà nước cũng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét bổ sung vốn nhà nước cho BIDV từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021 và chỉ đạo Vietcombank, VietinBank hoàn thiện lại phương án tăng vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2021…

Cải thiện CAR, tăng quy mô hoạt động

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn (CAR) và xếp hạng các tổ chức tín dụng. Hệ số CAR được tính theo Thông tư số 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tiếp cận chuẩn mực quốc tế Basel II, được quy định tối thiểu là 8%.

Đầu năm, ngân hàng “ồ ạt” tăng vốn
Vốn điều lệ là một cấu phần chủ yếu để tính toán hệ số an toàn vốn

Theo Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025, ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2023, tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng thương mại đạt tối thiểu 10 - 11%, đến năm 2025 đạt tối thiểu 11 - 12%.

Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, mặc dù các ngân hàng liên tục có kế hoạch tăng vốn, đặc biệt trong quý IV/2023, hàng loạt ngân hàng đã đẩy mạnh thực hiện các thủ tục cuối cùng để tiến hành trả cổ tức bằng cổ phiếu cho cổ đông theo kế hoạch đã đề ra, qua đó có thêm nguồn lực gia tăng vốn điều lệ, nhưng hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn đang mỏng vốn, hệ số CAR thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Đặc biệt, nhiều nước trong khu vực đã thực hiện áp dụng Basel III hoặc một phần của Basel III.

Theo số liệu công bố mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 5/2023, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đạt 888.864 tỷ đồng, tăng 1,35% so với cuối năm 2022.

Tỷ lệ CAR của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 11,70% (giảm nhẹ so với mức 11,68% vào thời điểm cuối năm 2022), trong đó tỷ lệ an toàn vốn của nhóm ngân hàng thương mại nhà nước đạt 9,53% (tăng 0,37% so với cuối năm 2022); nhóm ngân hàng thương mại cổ phần đạt 11,90% (giảm 0,11%); nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 21,21% (tăng 2,05%).

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cho rằng khối ngân hàng thương mại tư nhân tiếp tục đặt mục tiêu tỷ lệ CAR cao hơn trước, nhờ sự chủ động trong quản lý vốn và tiếp cận gần hơn với các tiêu chuẩn Basel III để xây dựng cơ sở vốn vững chắc và thúc đẩy tăng trưởng cho vay.

“Tỷ lệ CAR của các ngân hàng này duy trì cao hơn mức trung bình của hệ thống và cải thiện nhẹ trong năm 2023. Ngược lại, khối ngân hàng thương mại quốc doanh gặp khó khăn hơn trong việc tăng vốn do ngân sách hạn hẹp và quá trình phê duyệt diễn ra chậm chạp”, ông Hiếu nhận định.

Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cho biết, mức vốn điều lệ lớn cho phép các ngân hàng tăng quy mô tài sản, nâng cao năng lực tài chính, mở rộng hơn nữa hoạt động kinh doanh thông qua việc tăng giới hạn được cấp tín dụng. Do đó, việc tăng vốn để nâng cao năng lực tài chính là hết sức cần thiết đối với các nhà băng trong năm 2024.

Fitch Ratings cũng cho rằng Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng khá nhanh những năm gần đây, đòi hỏi các ngân hàng phải tăng vốn, đảm bảo các tỷ lệ an toàn: "Hệ thống ngân hàng cần bổ sung vốn tới 10,7 tỷ USD (2,9% GDP) để đảm bảo dự phòng rủi ro và duy trì hệ số CAR ở mức 10%".

Trong kế hoạch tăng vốn của nhiều ngân hàng gần đây đều lên phương án gọi vốn từ các nhà đầu tư ngoại. Đây là phương án được đánh giá là phù hợp vì dòng tiền dài hạn của nhà đầu tư nội nhiều năm nay bị chững lại. Chẳng hạn như LPBank, Vietcombank, BIDV… cũng đang lên kế hoạch phát hành riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài. BIDV đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch bán 9% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Vietcombank dự kiến phát hành riêng lẻ 6,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài...

Theo một thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, danh sách những nhà đầu tư nước ngoài muốn gắn bó lâu dài tại Việt Nam nói chung, với các ngân hàng trong nước nói riêng ngày càng nhiều hơn. Một phần do môi trường kinh doanh, tỷ giá của Việt Nam ổn định, một phần do tỷ lệ sinh lời của ngân hàng Việt Nam tốt hơn nhiều nước.

TS. Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính, ngân hàng cũng đồng tình rằng, có không ít nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào các ngân hàng Việt Nam với mục đích kiếm lời. Với mục tiêu đó, họ cũng sẽ tìm các ngân hàng tốt để đầu tư. Có ba tiêu chuẩn chính mà nhà đầu tư lựa chọn với ngân hàng trong nước, đó là: Lợi nhuận trong quá khứ và kỳ vọng lợi nhuận tương lai khá cao; có bộ máy quản trị tốt; ngân hàng đó đã niêm yết để họ có thể thoái vốn khi cần.

Mặc dù vẫn hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại nhưng các ngân hàng trong nước muốn thu hút được nguồn vốn từ các nhà đầu tư này thì cần phải có kết quả hoạt động tốt, có năng lực quản trị vững vàng, minh bạch… Đầu tư vào ngân hàng, điều mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm không chỉ là lợi nhuận cao mà còn là lợi nhuận ổn định, bền vững. Bên cạnh lo ngại chất lượng tài sản, một trong những vấn đề nhà đầu tư nước ngoài e ngại khi đầu tư vào ngân hàng trong nước là câu chuyện chất lượng tài sản, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều rủi ro như hiện nay.

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục