Dân số nhiều quốc gia giảm tới một nửa vào năm 2100, trong đó có Việt Nam

(Banker.vn) Dân số Việt Nam dự báo sẽ tăng lên 107 triệu người vào năm 2044 nhưng sau đó lại giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100.
Dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào trung tuần tháng 4 Có bao nhiêu % dân số của Việt Nam đang đầu tư chứng khoán?

Một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 dự báo, 23 quốc gia sẽ chứng kiến dân số giảm hơn một nửa vào 2100. Trong đó, dân số Việt Nam sẽ tiếp tục tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh.

Dân số nhiều quốc gia giảm tới một nửa vào năm 2100, trong đó có Việt Nam
Dân số nhiều quốc gia giảm tới một nửa vào năm 2100, trong đó có Việt Nam. Ảnh: CAND

Các thập kỷ qua, mức giảm sinh tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ, từ 6,5 con/phụ nữ (trong những năm 1960) xuống còn 2,05 vào năm 2020 và duy trì mức sinh này cho đến nay.

Tại Việt Nam, từ năm 2006 đến nay, tỷ suất sinh đã đạt mức sinh thay thế, trung bình mỗi phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49) có 2,1 con. Tuy nhiên, mức sinh lại chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mức sinh của khu vực thành thị, toàn bộ các tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó, một số tỉnh, thành phố có mức sinh rất thấp, chỉ ở 1,48 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.

Ngoài ra, ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7% các cặp vợ chồng. Trong số hiếm muộn, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng, đến 15 - 20% sau mỗi năm, và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh.

Theo Cục Dân số, Việt Nam đang duy trì mức sinh thay thế, song có sự chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, đồng thời tỷ lệ vô sinh cao, ảnh hưởng đến quy mô và cơ cấu dân số trong tương lai

Giới chuyên gia nhận định, mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa dân số, suy giảm quy mô dân số. Đồng thời, tác động tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội.

Nhiều quốc gia châu Á tỷ suất sinh giảm mạnh trong 70 năm qua. Điều này tác động không chỉ đến quy mô dân số của các quốc gia mà còn ảnh hưởng đến cơ cấu dân số.

Tâm An

Theo: Báo Công Thương