Đạm Cà Mau bất ngờ nâng mạnh 45% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024

(Banker.vn) Đạm Cà Mau (DCM) vừa công bố điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2024, nâng chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế lên 1.222 tỷ đồng, tăng 45% so với mục tiêu ban đầu. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, công ty điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh vào thời điểm cuối năm để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.

Ngay trong ngày cuối năm 31/12/2024, Công ty CP Phân bón Dầu khí Cà Mau (Đạm Cà Mau, HOSE: DCM) thông báo điều chỉnh một số chỉ tiêu kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh chính của năm 2024. Theo đó, Đạm Cà Mau tăng kế hoạch sản xuất urê lên 947.000 tấn và NPK lên 188.000 tấn, lần lượt tăng 6% và 4% so với các chỉ tiêu ban đầu. Đồng thời, sản lượng tiêu thụ urê mới cũng tăng thêm 7% so với kế hoạch cũ, ở mức 800.000 tấn.

Đạm Cà Mau bất ngờ nâng mạnh 45% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2024
Đạm Cà Mau lên kế hoạch kinh doanh năm 2025 “thận trọng” khi chỉ đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 13.983 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 864 tỷ đồng

Tuy nhiên, doanh nghiệp phân bón này lại giảm chỉ tiêu kinh doanh Đạm chức năng xuống còn 88.000 tấn, giảm 20% so với chỉ tiêu ban đầu, và điều chỉnh giảm 14% sản lượng tiêu thụ NPK về mức 154.000 tấn.

Theo đó, mục tiêu doanh thu năm 2024 được nâng lên 13.605 tỷ đồng (tăng 15%) và lợi nhuận trước thuế đạt 1.222 tỷ đồng (tăng 45% so với kế hoạch đầu năm). Lãnh đạo Đạm Cà Mau cho biết, kết quả dự kiến năm 2024 vượt mục tiêu, với doanh thu 13.661 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.270 tỷ đồng. Đây là năm thứ 5 liên tiếp, công ty điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh vào thời điểm cuối năm để phù hợp với tình hình kinh doanh thực tế.

Bước sang năm 2025, Đạm Cà Mau lên kế hoạch kinh doanh “thận trọng” khi chỉ đặt mục tiêu tổng doanh thu ở mức 13.983 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế là 864 tỷ đồng. So với mức ước tính của năm 2024 thì chỉ tiêu doanh thu năm 2025 nhích tăng thêm 2% nhưng lợi nhuận trước thuế dự kiến giảm tới 32%. Nếu kết quả thực tế đạt mức này thì đây sẽ là mức lãi thấp nhất của Đạm Cà Mau kể từ năm 2021.

Hiện một số hãng chứng khoán kỳ vọng lợi nhuận năm 2025 của Đạm Cà Mau sẽ tăng trưởng tích cực khi phân bón được áp thuế Giá trị gia tăng với mức thuế suất 5% kể từ ngày 1/7/2025.

Đồng thời, Đạm Cà Mau dự kiến sẽ đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thứ 2 tại tỉnh Bình Định từ quý 1/2025. hà máy này sẽ sản xuất, phối trộn các loại phân bón cao cấp như NPK+TE công suất 50.000 tấn/năm; đóng gói thành phẩm 50.000 tấn/năm các loại phân bón khác cũng như lưu trữ, kinh doanh phân bón/nguyên vật liệu sản phẩm phân bón khoảng 150.000 tấn/năm.

Chứng khoán SSI dự báo riêng quy định thuế Giá trị gia tăng mới sẽ giúp Đạm Cà Mau ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 16% trong năm 2025.

Biên lợi nhuận gộp ngành phân bón dự kiến tăng trong năm 2025

Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố báo cáo cho thấy giá phân bón nội địa trong năm 2025 dự kiến giảm nhẹ, nhưng mức giảm sẽ thấp hơn so với xu hướng toàn cầu. Cụ thể, giá urê, DAP và NPK trong nước có thể giảm lần lượt 3%, 2%, và 2% so với cùng kỳ, trong khi giá thế giới của các loại này dự báo giảm mạnh hơn, lần lượt 7%, 8%, và 3%.

Nguyên nhân chính của sự sụt giảm giá trên toàn cầu đến từ nhu cầu yếu hơn tại các thị trường lớn như Ấn Độ và Brazil. Điều này kết hợp với việc giá nguyên liệu đầu vào như khí tự nhiên và than giảm, cùng giá nông sản như lúa và gạo trên thị trường quốc tế đi xuống, tạo áp lực lên giá phân bón. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nội địa dự kiến sẽ giảm giá bán ít hơn nhờ nhiều yếu tố tích cực.

Đầu tiên, thời tiết được dự báo thuận lợi hơn khi hiện tượng La Nina chấm dứt vào tháng 3/2025, theo Viện Nghiên cứu Thời tiết Quốc tế (IRI). Sự ổn định khí hậu này hứa hẹn thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, kéo theo nhu cầu phân bón tăng cao. Thêm vào đó, giá nông sản nội địa, đặc biệt là lúa gạo, nhiều khả năng vẫn duy trì ở mức cao hơn so với giai đoạn trước năm 2023, dù đã giảm nhẹ so với cùng kỳ.

Không chỉ nhờ điều kiện thuận lợi của thị trường, các doanh nghiệp phân bón lớn tại Việt Nam như Đạm Cà Mau (DCM) và Đạm Phú Mỹ (DPM) còn tích cực thực hiện các chương trình hỗ trợ nông dân và xây dựng thương hiệu. Thay vì giảm giá bán, họ tăng chi phí bán hàng thông qua các hoạt động như khuyến mãi, tư vấn kỹ thuật, và đồng hành cùng nông dân. Điển hình, DCM đang tập trung đẩy mạnh dòng sản phẩm NPK một hạt – loại phân bón có ưu điểm vượt trội về chất lượng và khả năng cung cấp dinh dưỡng đồng đều hơn.

Một yếu tố khác ảnh hưởng tích cực đến giá phân bón trong nước là việc áp dụng thuế Giá trị gia tăng (VAT) 5% đối với ngành phân bón, dự kiến bắt đầu từ ngày 1/7/2025. Tuy nhiên, vì chưa có thông tư và nghị định hướng dẫn cụ thể, các doanh nghiệp chưa thể tận dụng ngay chính sách này để giảm chi phí trong ngắn hạn.

Mặc dù giá bán có xu hướng giảm, biên lợi nhuận gộp của ngành phân bón Việt Nam năm 2025 vẫn được kỳ vọng tăng, nhờ giá dầu và khí đầu vào giảm nhanh hơn giá phân bón. Dự báo giá dầu Brent trong năm tới có thể giảm 9%, xuống còn 73,4 USD/thùng, hỗ trợ đáng kể cho chi phí sản xuất. Tuy vậy, việc gia tăng chi phí bán hàng cũng đặt áp lực nhất định lên lợi nhuận ròng của các doanh nghiệp.

Giá bán phân bón nội địa năm 2025 dự kiến giảm nhẹ hơn giá thế giới

Theo Hiệp hội phân bón thế giới (IFA) và Ngân hàng thế giới (World Bank), giá bán Ure/DAP/Kali thế giới giảm lần lượt 7%/8%/3% so ...

Phạm Hường

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục