Đắk Lắk: Xúc tiến, quảng bá sầu riêng đến người tiêu dùng

(Banker.vn) “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và hội nhập” là chủ đề của Lễ hội sầu riêng Krông Pắc lần thứ II diễn ra từ 31/8 - 2/9 tới tại tỉnh Đắk Lắk.
Đắk Lắk: Hướng đến thị trường đầu ra bền vững cho sầu riêng Nông sản đang là mặt hàng Trung Quốc có nhu cầu tiêu thụ nhiều nhất

Làm giàu từ cây sầu riêng

Krông Pắc - một huyện miền núi tỉnh Đắk Lắk với 35 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 36,49% dân số. Phần lớn diện tích đất của địa phương này thuộc nhóm đất Bazan nâu đỏ màu mỡ rất thuận lợi trong việc phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả lâu năm như: cà phê, hồ tiêu, sầu riêng, bơ,...

nâng tâm giá trị sầu riêng huyện Krông Pắk
Nâng tâm giá trị sầu riêng huyện Krông Pắk

Theo số liệu của UBND huyện Krông Pắc, hiện toàn huyện có 7.157 ha sầu riêng, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng 3.000 đến 3.200 ha (kể cả diện tích thu bói). Tổng sản lượng ước tính 57.000 - 60.000 tấn. Diện tích trồng chủ yếu tập trung tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Hòa Đông và một số xã có diện tích đất và điều kiện thổ nhưỡng phù hợp yêu cầu sinh lý cây sầu riêng trên địa bàn huyện. Diện tích cho sản lượng hiện nay tập trung chủ yếu tại xã Ea Yông và Ea Kênh.

Để đảm bảo phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường về chất lượng, an toàn thực phẩm sản phẩm, trong những năm gần đây huyện Krông Pắc đã đẩy mạnh đầu tư hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, người sản xuất sầu riêng áp dụng những quy trình sản xuất an toàn theo các tiêu chuẩn như VietGAP, sản xuất hữu cơ; xây dựng, quản lý vùng sản xuất, cơ sở đóng gói đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, khuyến khích người dân hợp tác liên kết sản xuất tiêu thụ với các hợp tác xã, tổ hợp tác, các cơ sở doanh nghiệp thu mua đóng gói xuất khẩu đã được cấp mã số theo quy định.

Đến cuối năm 2022, số diện tích sầu riêng đã được kiểm tra đánh giá cấp giấy chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP) trên địa bàn huyện: 653 ha với 594 hộ dân sản xuất, địa điểm trồng tại các xã Ea Yông, Ea Kênh, Ea Knuếc và Hòa Đông, trong đó, tập trung chủ yếu vẫn là xã Ea Yông 497 ha, xã Ea Kênh 91 ha, xã Ea Knuêc và Hòa Đông.

Tính đến nay, toàn huyện Krông Pắc có tổng số 34 mã vùng trồng sầu riêng được Cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt, với diện tích 2.015 ha sầu riêng của 3.761 hộ dân thuộc địa bàn các xã Ea Yông, Ea Kênh và Ea Knuếc. Số cơ sở đóng gói các loại trái cây tươi xuất khẩu đã được cấp mã số đang hoạt động trên địa bàn huyện hiện có 13 cơ sở (đã và đang được kiểm tra, giám sát).

Năm 2022, sản phẩm trái sầu riêng tươi huyện Krông Pắc đã được Cục sở hữu trí tuệ Bộ Khoa học và Công nghệ cấp giấy chứng nhận số 413207, chứng nhận đăng ký Nhãn hiệu “Krông Pắc Durian - sầu riêng Krông Pắc” cho tập thể Hội nông dân huyện Krông Pắc theo quyết định 16552/QĐ-STT ngày 08/03/2022 của Cục sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ.

Sản phẩm “sầu riêng Krông Pắc” có những ưu thế về chất lượng phẩm chất vượt trội so với các địa phương khác đã được các doanh nghiệp thương lái và người tiêu dùng đánh giá có chất lượng tốt: thơm, ngon, cơm vàng, có độ ngọt và béo cao đặc trưng chỉ có trái sầu riêng trên địa bàn huyện Krông Pắc có được mà các địa phương khác không có.

Hiện nay, cây sầu riêng có vai trò quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp của huyện, mang lại lợi nhuận và thu nhập cao cho người dân cũng như các cơ sở, đại lý thu mua sơ chế, đóng gói, tiêu thụ sầu riêng trên địa bàn.

Bà Ngô Thị Minh Trinh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - cho biết, nhờ cây sầu riêng nông dân địa phương đã làm giàu. Theo thống kê sơ bộ của huyện, chỉ trong 2 năm, hàng nghìn nông dân trồng sầu riêng đã mua ô tô. Cụ thể, năm 2022, người dân mua khoảng 400 chiếc, năm 2023 khoảng 600 ô tô. "Năm nay, giá sầu riêng được chốt tại vườn 90.000 đồng/kg. Con số mua ô tô của nông dân sẽ không ngừng tăng lên", bà Trinh nhấn mạnh.

Đẩy mạnh quảng bá đặc sản địa phương đến người tiêu dùng

Cùng với việc đẩy mạnh về chất, huyện Krông Pắc đã và đang xúc tiến thương mại, quảng bán sản phẩm sầu riêng đến người tiêu dùng trong nước và thế giới.

Bà Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc - cho biết, sau thành công của Lễ hội sầu riêng lần thứ I năm 2022, nhằm tôn vinh giá trị kinh tế các loại trái cây đặc sản, chất lượng cao, những sản phẩm đặc sản tiềm năng, thế mạnh của huyện, đặc biệt là Sầu riêng Krông Pắc; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, người sản xuất, nhà doanh nghiệp, cơ sở chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng,… từ ngày 31/8 - 2/9, huyện sẽ tổ chức Lễ hội sầu riêng Krông Pắc - Đắk Lắk lần thứ II năm 2024.

Với chủ đề “Sầu riêng Krông Pắc - Phát triển và Hội nhập”, Lễ hội lần này được đánh giá có quy mô lớn hơn và nhiều hoạt động mới, đặc sắc hơn. Theo đó, với 12 chuỗi sự kiện chính, gồm: Lễ khai mạc, chương trình bắn pháo hoa nghệ thuật, hội thảo xây dựng và phát triển hệ sinh thái sầu riêng bền vững, hội chợ giới thiệu sản phẩm OCOP và nông nghiệp tiềm năng của địa phương, Hội thi Nông dân sản xuất Sầu riêng giỏi, Lễ bế mạc…

Bên lề lễ hội sầu riêng còn có chuỗi các hoạt động văn hóa, quảng bá du lịch của huyện như: Giải chạy Việt Dã vì sức khỏe cộng đồng, Lễ hội đường phố, Ngày hội văn hóa - Ẩm thực các dân tộc huyện Krông Pắc (mở rộng), Trải nghiệm thưởng thức Sầu riêng tại vườn và tham quan cây Sầu riêng cổ thụ;…

Cũng theo bà Nguyễn Thị Kim Oanh, Lễ hội sầu riêng năm nay, huyện Krông Pắc truyền đi thông điệp mong muốn xây dựng hệ sinh thái làm nông nghiệp tử tế, bền vững an toàn, tạo ra kinh tế cao, đưa thương hiệu, sản phẩm sầu riêng Krông Pắc “bay cao, bay xa”, hội nhập ra năm châu. Nội dung chính của lễ hội năm nay tiếp tục phát huy vai trò của người nông dân - người trực tiếp làm nên những quả sầu riêng thơm ngon, chất lượng. Huyện Krông Pắc mong muốn thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp lỗi thời “đèn nhà ai nấy sáng, ruộng nhà ai nấy cày”.

Trái sầu riêng muốn đi xa, tạo thị trường bền vững, thì mọi chủ thể trong chuỗi giá trị cần phải chung sức chung lòng, hợp tác gắn bó để cùng đi lên. Nông dân, doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng và cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học cần “đi cùng nhau” trong tổng thể không gian liên kết phát triển ngành hàng. Các chuyên gia cho rằng, với tư duy “chia sẻ”, tư duy “không một ai trong chúng ta thông minh bằng tất cả chúng ta”. Cùng với việc nâng cao về chất, củng cố về lượng, đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, giúp ngành sầu riêng của Việt Nam nói chung và của Đắk Lắk nói riêng mãi là niềm vui chung của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục