Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành: Kỳ vọng năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn

(Banker.vn) Với những động thái tích cực của nền kinh tế thời gian qua, đại biểu Quốc hội kỳ vọng năm 2024, kinh tế Việt Nam sẽ có những triển vọng tốt hơn, khởi sắc hơn.
Kinh tế Việt Nam: Triển vọng cải thiện trong năm 2024 "Cánh cửa đặc biệt" đang mở ra với kinh tế Việt Nam Kinh tế Việt Nam 2024: Khởi đầu hanh thông, xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương xung quanh vấn đề này.

Thưa đại biểu, mục tiêu tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2024 được xác định từ 6 - 6,5%. Ông có kỳ vọng gì về triển vọng kinh tế của nước ta trong năm nay?

Tôi nghĩ rằng, với những kết quả đạt được từ năm 2023, chúng ta kỳ vọng năm 2024 sẽ đạt được những kết quả tốt hơn, khởi sắc hơn về kinh tế - xã hội trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi.

Trước tiên, hệ thống nền tảng pháp luật của chúng ta đang tháo gỡ từng bước những khó khăn, vướng mắc trong những lĩnh vực có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế, đặc biệt liên quan đến sản xuất kinh doanh, bất động sản, tài chính, tín dụng…

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Bên cạnh đó, trong lĩnh vực nông nghiệp, chúng ta vẫn có những điểm sáng, nhất là trong xuất khẩu nông sản với rất nhiều ngành hàng hiện nay đang có giá trị xuất khẩu lớn, đạt được con số trên 1 tỷ USD, như ngành rau quả. Đồng thời, lúa gạo vẫn là nền tảng, giữ vị trí quan trọng trong xuất khẩu hiện nay, vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước, vừa tăng cường xuất khẩu để đóng góp ngoại tệ cho đất nước.

Quá trình hội nhập quốc tế, cũng như việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam. Bên cạnh các thị trường truyền thống, chúng ta cũng đã mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sang các nước như Mỹ Latinh…

Với sự kết hợp rất nhiều biện pháp cũng như những kết quả đạt được trong năm 2023 và những chỉ đạo trong công tác điều hành của Chính phủ, đặc biệt là sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, năm 2024, tôi hy vọng rằng triển vọng kinh tế nước ta sẽ đạt kết quả khả quan hơn và tốt hơn.

Mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6-6,5% là kỳ vọng nhưng sẽ bị tác động ảnh hưởng, phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Thứ nhất, phụ thuộc vào các thị trường nước ngoài trong bối cảnh về địa chính trị đang có nhiều biến động và diễn biến phức tạp, sẽ trực tiếp tác động đến chuỗi kinh tế toàn cầu mà nền kinh tế nước ta đang có độ mở lớn và phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố đó.

Thứ hai, phụ thuộc vào những nỗ lực từ phía trong nước, đặc biệt là vấn đề tháo gỡ những khó khăn về thể chế, cơ chế, chính sách kịp thời cho người dân và doanh nghiệp.

Thứ ba, phụ thuộc những biện pháp can thiệp của Nhà nước trong hỗ trợ, chính sách phát triển, nhất là liên quan đến chính sách về tín dụng và vốn đầu tư. Đó là những vấn đề quan trọng.

Bên cạnh đó, còn liên quan đến yếu tố về đầu tư nước ngoài. FDI vẫn là một lĩnh vực chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế của nước ta. Chúng ta cần thiết lập một chính sách ổn định nhằm thu hút được đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vừa góp phần để thu hút đầu tư mới, vừa để tăng cường mở rộng tái đầu tư.

Việc Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu tại Kỳ họp thứ 6 cũng là một nội dung quan trọng, bên cạnh việc thực hiện những quy định của các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế), mặt khác phải có những chính sách ưu đãi nhất định để kịp thời giữ chân cũng như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.

Đại biểu vừa nhắc đến những điểm sáng trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy còn lĩnh vực công nghiệp của nước ta, theo ông sẽ có những điểm sáng nào?

Công nghiệp nước ta cũng có những điểm sáng nhất định liên quan đến rất nhiều ngành, lĩnh vực tiếp tục được đầu tư, đặc biệt liên quan đến các ngành chế tạo, máy tính, điện tử và bán dẫn. Đây là những ngành hiện nay đang bắt kịp được thị trường thế giới và chúng ta đã có những định hướng phát triển cho những lĩnh vực này. Chẳng hạn, Chính phủ quyết định sắp tới tiến hành đào tạo để có được khoảng 50.000 nhân lực cho ngành bán dẫn.

Đại biểu Quốc hội: Kỳ vọng năm 2024 kinh tế Việt Nam sẽ khởi sắc hơn
Kỳ vọng về điểm sáng từ công nghiệp chế biến chế tạo

Bên cạnh đó, một số ngành khác liên quan đến sản xuất hàng công nghiệp chế tạo, lắp ráp ô tô hoặc một số những ngành để sản xuất hàng tiêu dùng trong nước tiếp tục có những khởi sắc.

Tuy nhiên, bên cạnh những sự khởi sắc đó, chúng ta cũng gặp khó khăn liên quan đến các ngành dệt may và ngành gỗ. Các ngành này hiện đang bị tác động bởi yếu tố thị trường, những rào cản kỹ thuật mà bắt buộc chúng ta phải hội nhập trong quá trình xây dựng các tiêu chuẩn xanh của nền kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Điều này đòi hỏi bắt buộc các ngành công nghiệp trong nước phải có những thay đổi để có thể giữ được những đơn hàng và mở rộng các thị trường hay có những đơn hàng mới. Đây là những yêu cầu bắt buộc mà chúng ta phải làm.

Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo được đánh giá là một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế. Ông nhận định gì về vấn đề này?

Việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo, liên quan đến ngành điện tử vừa qua, qua hai mô hình thực hiện rất thành công ở Bắc Ninh, Thái Nguyên là những điểm rất sáng không chỉ của Việt Nam mà còn của thế giới.

Hiện nay chúng ta đã trở thành trung tâm để cung cấp thiết bị, linh kiện điện tử ra thế giới và chiếm một thị phần không phải nhỏ. Đây là một thành tựu rất lớn trong công cuộc đổi mới và chính sách điều hành của Chính phủ.

Trong giai đoạn sắp tới, các lĩnh vực điện tử, công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là một yêu cầu cấp thiết và xu thế phát triển của thế giới, đặc biệt khi thế giới và Việt Nam chuyển sang xây dựng xã hội số, chuyển đổi số, kinh tế số, đòi hỏi mỗi quốc gia phải có sự đầu tư phát triển và chúng ta đang đi đúng hướng.

Tuy nhiên, mặc dù công nghiệp chế tạo luôn được xác định là một ngành chủ đạo nhưng tỷ trọng ngành công nghiệp chế tạo của nước ta hiện nay chưa nhiều. Đây là ngành đòi hỏi có công nghệ, kỹ thuật cao nên cần có những đầu tư phù hợp, nhất là cần có chính sách ưu đãi, có trọng tâm, trọng điểm thúc đẩy hơn nữa các ngành công nghiệp nền tảng như ngành cơ khí phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Quỳnh Nga (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương