Đa dạng hoá nguồn lực tài chính để đạt các mục tiêu về môi trường

(Banker.vn) Ngày 15/2, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo bàn tròn với Đặc phái viên về biến đổi khí hậu của Chính phủ Liên hiệp Vương quốc Anh, Phó Chủ tịch COP26 và Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Thường trực Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, thời gian qua, Việt Nam luôn tích cực và chủ động tham gia với quốc tế trong công cuộc giảm phát thải nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và coi đó là cơ hội để chuyển đổi mô hình phát triển.

Hội thảo bàn tròn là một cơ hội tốt để các bên trao đổi những vấn đề cùng quan tâm, nhất là với Việt Nam khi các mục tiêu về chống biến đổi khí hậu và các cam kết ở COP26 đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách của Chính phủ.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ, việc huy động vốn là hết sức quan trọng, trong bối cảnh ngân sách Việt Nam còn eo hẹp. Việt Nam có phân loại, chương trình dự án thuộc phạm vi hỗ trợ của Chính phủ do Chính phủ trực tiếp triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, có những chương trình dự án phải xác định giao cho khu vực tư nhân thực hiện trên tinh thần bảo đảm hệ thống tài chính an toàn, quản lý nợ công bền vững, góp phần tăng trưởng bền vững, ổn định kinh tế vĩ mô, chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực.

Chính phủ Việt Nam rất coi trọng vấn đề tài chính để thực hiện được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 như đã cam kết. Các chương trình, dự án cụ thể đang được các bộ, cơ quan chức năng của Việt Nam khẩn trương xây dựng và rà soát.

Đại diện đối tác phát triển, bà Caroly Turk, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam đánh giá, mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 là tham vọng lớn của Việt Nam, bên cạnh những mục tiêu khác như đạt vị thế nước có thu nhập cao vào năm 2045, tăng trưởng toàn diện vì mọi người, phát triển con người,… đã đề ra trong các chiến lược phát triển. Để đạt được những mục tiêu này cần phải có nguồn lực lớn.

Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam chỉ ra điểm tích cực là khả năng huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cho các nhiệm vụ này rất lớn. Thách thức ở đây là làm sao tạo môi trường thông thoáng để khu vực tư nhân có thể đầu tư một cách dễ dàng, ít rủi ro. Để thúc đẩy sự tham gia đầy đủ của đối tượng này, đòi hỏi rất nhiều việc liên quan đến khu vực tài chính, ngân hàng, thị trường vốn.

Một phần nguồn lực tài chính lớn khác từ khu vực công, các đối tác như WB, ADB sẵn sàng làm việc với Chính phủ Việt Nam để khuyến nghị, cùng tìm ra giải pháp thích hợp.

Bà Caroly Turk lưu ý một số lĩnh vực cần giảm phát thải như giao thông, nông nghiệp cần phải có sự tham gia của đầu tư công. Việc thiết kế đầu tư cũng phải được nghiên cứu cụ thể để Việt Nam có thể ứng phó được với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả, nhất là với việc thay đổi thời tiết, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long… Đây là những điểm rất quan trọng có thể ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế.

PV

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ
    Bài cùng chuyên mục