Cuộc thi sinh viên tài năng kinh doanh số 2022

(Banker.vn) Lễ chung kết cuộc thi sinh viên tài năng kinh doanh số 2022 đã được tổ chức tại Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, xướng tên 11 đội thi xuất sắc nhất.
Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng 15% trong năm 2022 Bộ Công Thương tạo lợi thế phát triển kinh tế chia sẻ trên thương mại điện tử

Vào tháng 8 năm 2022, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Mạng lưới các trường đại học đào tạo thương mại điện tử (VecomNet) đã quyết định hàng năm sẽ tổ chức cuộc thi sinh viên tài năng kinh doanh số.

Năm nay đánh dấu lần đầu tiên cuộc thi được diễn ra. Cuộc thi sinh viên tài năng kinh doanh số 2022 chính thức bắt đầu vào ngày đầu tiên của tháng 11 và kết thúc vào ngày 10/12/2022. Lễ chung kết trao giải cuộc thi đã diễn ra vào tối ngày 22/12 vừa qua.

Cuộc thi này đánh dấu bước ngoặt của hoạt động đào tạo chính quy tại các trường đại học về thương mại điện tử và kinh doanh số ở nước ta. Lần đầu tiên hàng nghìn sinh viên có thể “thực chiến” kinh doanh trên các nền tảng thương mại điện tử hàng đầu Việt Nam.

Cuộc thi sinh viên tài năng kinh doanh số 2022 đã tìm ra đội thắng giải
Cuộc thi là cơ hội vàng để các trường đại học cùng các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới kinh tế số và thương mại điện tử có được bức tranh toàn diện về đào tạo nguồn nhân lực chính quy cho lĩnh vực này ở nước ta

Gần 50 trường đại học với 210 đội thi đã tham gia cuộc thi này. Mỗi đội thi bao gồm từ 2 tới 5 sinh viên cùng một trường nhằm nâng cao kỹ năng làm việc nhóm và năng lực khởi nghiệp kinh doanh. Miền Bắc có nhiều trường và đội thi nhất với các con số tương ứng là 22 trường và 111 đội thi. Tiếp đó là miền Nam với 15 trường và 86 đội thi. Toàn bộ miền Trung với nhiều trường đại học tại các trung tâm đào tạo lớn ở Vinh, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang hay Đà Lạt chỉ vỏn vẹn có 2 trường với 6 đội dự thi. Những con số này cũng phản ánh chính xác sự mất cân đối rất lớn của thương mại điện tử nước ta với trên 70% tập trung ở hai thành phố là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Bốn nội dung của cuộc thi đã bao quát khá đầy đủ những thành phần cơ bản của thương mại điện tử, bao gồm: bán sản phẩm hàng hoá và dịch vụ trực tuyến, tiếp thị số, giải pháp công nghệ và ý tưởng kinh doanh số. Trên 50% đội thi đã chọn nội dung thi bán sản phẩm trực tuyến, khoảng 25% đội thi chọn nội dung tiếp thị số, 20% chọn nội dung ý tưởng kinh doanh số. Khá ít đội chọn nội dung giải pháp công nghệ. Điều này phản ánh xu hướng hiện nay khi phần lớn các trường đào tạo ngành thương mại điện tử đã tập trung vào các học phần kinh doanh và giảm nhẹ các học phần về công nghệ thông tin.

Tại đêm chung kết trao giải, 11 đội thi với 11 dự án xuất sắc nhất đã được vinh danh, bao gồm: 1 giải nhất, 1 giải nhì, 3 giải ba và 6 giải khuyến khích. Giải thưởng cho các đội rất phong phú, bao gồm 50 triệu đồng cho đội đạt giải nhất và nhiều gói quà tặng là sản phẩm, dịch vụ từ các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu.

Giải nhất đã thuộc về đội thi UITERS - Trường Đại học Công nghệ Thông tin - Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh; Giải nhì thuộc về đội thi nhóm 1 - Đại Học Thủy Lợi - Trường Đại học Thủy lợi; Giải ba thuộc về 3 đội thi: SIVITALENT - Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; VER - Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh; DIGITHI - Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông.

Cuộc thi đầu tiên này đã đạt được mục tiêu lớn nhất là tạo ra môi trường hấp dẫn để sinh viên các ngành thương mại điện tử và liên quan như tiếp thị số, kinh tế số, tài chính ngân hàng, công nghệ thông tin, logistics và quản lý chuỗi cung ứng vận dụng kiến thức từ nhà trường vào thực tiễn kinh doanh và khởi nghiệp sáng tạo.

Cuộc thi cũng đã kết nối được các doanh nghiệp thương mại điện tử hàng đầu tới đông đảo sinh viên trên phạm vi cả nước. Không chỉ là thực hiện trách nhiệm xã hội mà các doanh nghiệp này cũng có cơ hội để nắm bắt thực tế đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực, quảng bá giải pháp của mình tới đội ngũ nhân sự quan trọng cho lĩnh vực kinh doanh số trong giai đoạn tới.

Việc đào tạo nguồn nhân lực thương mại điện tử tại các trường đại học là một trong những yếu tố quyết định để thương mại điện tử nước ta đảm bảo được tốc độ tăng trưởng. Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia đã đề ra mục tiêu tới năm 2025 có 50% cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp triển khai đào tạo thương mại điện tử.

Báo cáo Đào tạo Thương mại điện tử tại các trường đại học 2022 của VECOM cho thấy, lĩnh vực này có những bước tiến đáng kể trong những năm gần đây. Trên phạm vi cả nước đã có trên 110 trường đào tạo học phần thương mại điện tử. Trong đó, số trường đào tạo ngành thương mại điện tử trình độ đại học đã lên tới 36 trường và gần 40 trường đại học đào tạo chuyên ngành thương mại điện tử. Hầu hết các trường này đều ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

Mỹ Phụng

Theo: Báo Công Thương