(Banker.vn) - Mong muốn của cô hy vọng sau này sẽ trở thành hiện thực, để nhiều người trẻ đều có thể có được chiếc "Ngai Vàng" cho riêng mình.

Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Thạch Giáng Hạ, công tác tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) chi nhánh Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Tôi được cô chủ đặt ngay ngắn trên kệ gỗ sau khi sắp xếp xong vài giấy tờ cần thiết cho một ngày hệ trọng. Cô chủ đã trúng tuyển vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn, mai là ngày thử việc đầu tiên của cô. Tôi thấy niềm vui, sự tự hào hiện rõ trên gương mặt gầy gò ấy suốt hai tuần nay, kể từ ngày cô nhận được cuộc gọi báo trúng tuyển của chú Trưởng phòng Hành chính SCB Bến Thành. 

Cô chủ xuất thân là con gái út trong một gia đình nghề nông nghèo, nhà có nhiều anh chị em, vì là con út nên được ưu tiên vào Sài Gòn học hết đại học, ba mẹ luôn mong con gái có tấm bằng đại học trong tay, ngồi làm việc trong văn phòng để thoát cảnh làm nông vất vả. Cô hiểu hoàn cảnh gia đình mình, luôn gắng học và đặt mục tiêu sau khi tốt nghiệp đại học sẽ thi tuyển vào ngân hàng mình yêu thích. Theo cô vào chốn đô thành bao năm nay chắc có anh xe Cub đời 81 là tài sản lớn nhất; ngoài ra, có tôi là lính chiến trung thành nhất đã theo cô từ thuở phổ thông, lên đại học, nay đã tốt nghiệp và sắp ra nghề - tôi: cặp kính cận.

Thời gian này, Sài Gòn vào mùa mưa, cứ rả rích đêm ngày. Mưa lạnh là vậy, sáng sớm 5h cô chủ đã dậy chuẩn bị cơm nước bỏ hộp đem theo đi làm để khỏi lo tốn tiền ăn trưa vì nghe đâu giữa Quận Nhứt đô thành Sài Gòn, một suất ăn cũng không dưới bốn mươi nghìn đồng. Sáng sớm ngày đầu nhận việc mưa gió đì đùng như muốn thử thách cô gái vốn nhỏ bé. Dắt chiếc xe cà tàng ra khỏi khu xóm trọ, với chiếu áo mưa mỏng đã chuẩn bị sẵn, ngoài trời dù mưa to nhưng lòng cô ánh nắng chiếu rọi.

Cô đến văn phòng khá sớm, đến tầng M Phòng Hành chính như lịch hẹn, có khá nhiều nhân viên cũng đến sớm, gặp ai cô cũng lễ phép chào hỏi. 

- Chào chị, em là My đến nhận việc ngày đầu ạ!

- Chào My, chị là nhân viên hành chính. Chúng ta làm nhanh một số thủ tục rồi chị dẫn em đi gặp mặt lãnh đạo và các đồng nghiệp trong chi nhánh nhé!

Đó là một chi nhánh lớn ngay trung tâm Quận Nhứt, gần chợ Bến Thành, khách hàng ra vào không đếm xuể, từ bảo vệ đến nhân viên giao dịch ai cũng niềm nở đón khách, đáp ứng các nhu cầu giao dịch một cách nhanh chóng thuận tiện nhất cho khách hàng. Là một giao dịch viên thử việc, hẳn cô chủ cũng ít nhiều cảm thấy áp lực khi phải vừa đón tiếp khách thật niềm nở còn phải tìm hiểu các sản phẩm của SCB vì nghe đâu các sản phẩm dịch vụ của SCB rất đa dạng.

My đến chào hỏi đồng nghiệp trong quầy giao dịch không quên kèm theo câu nhờ mọi người giúp đỡ nhiều. Chị kiểm soát viên có gương mặt khá nghiêm nghị, chắc do tính chất công việc đây mà, chị ấy hướng dẫn chỗ ngồi, cho cô chủ ít tài liệu để đọc và phân công nhiệm vụ chính của cô là... đi trình ký và đóng dấu sổ tiết kiệm. Do nhân viên giữ dấu ngồi trong Phòng Hành chính trên tầng M nên mỗi lần có khách mở sổ tiết kiệm là phải chạy lên đấy đóng dấu. 

Lãi suất tiết kiệm của SCB rất tốt, sản phẩm đa dạng phù hợp nhu cầu của nhiều khách hàng kèm theo phục vụ chu đáo nên mỗi ngày lượng sổ tiết kiệm được phát hành rất nhiều. Cô chủ ngày nào cũng chạy lên lầu đóng dấu không biết bao nhiêu lần đến nỗi sứt cả gót giày mới sắm, dù vậy cô vẫn vui vì mình đã đóng góp được một phần công sức cho chi nhánh, giúp được các chị giao dịch viên có thời gian hạch toán cho các khách kế tiếp.

Ngoài các công việc được chị Nga - kiểm soát viên giao, hàng tuần cô My phải nộp báo cáo thử việc theo tiến độ để đánh giá. Ngày ấy, chị Nga đọc xong báo cáo tuần đầu tiên bỗng tức giận: “My! Bài báo cáo viết rất chi tiết, đáng khen. Nhưng sao tên của mình mà em lại viết sai? Sao lại ghi tên thành Diểm My chứ! Sau này em là giao dịch viên cần phải cẩn trọng từng con số con chữ, không thể nào tên mình mà viết sai thế này em à.” Cô chủ mếu máo: “Dạ thưa... thưa chị. Em viết tên đúng mà. Tên em ba mẹ đặt là Võ Diểm My, đúng y chang như trong giấy khai sanh, giấy chứng minh nhân dân cũng vậy chị nè.” Cô vừa nói vừa lấy chứng minh nhân dân ra, tay run run, bắt đầu nức nở. Không để mình mất bình tĩnh trước mặt mọi người, cô chạy ù vào trong toilet. Tôi thấy rõ gương mặt áy náy và biết lỗi của chị Nga vì lỡ trách oan cô My.

Cuối ngày làm việc, cô chủ mếu máo lục tìm mãi không thấy cái điện thoại di động đâu cả. Đó là điện thoại Samsung J5, chiếc Smartphone quý giá mà ba mẹ tặng cô khi cô thông báo trúng tuyển ngân hàng, ba mẹ đã phải bán đi mấy tạ thóc để mua lại điện thoại cũ của người ta để con làm văn phòng được bằng đồng nghiệp. Chị Nga đặt tay lên vai cô chủ, giọng trìu mến: “Dù công việc có khó khăn, nhiều thử thách đến đâu, em hãy cứ nhiệt tình và có tinh thần cầu tiến như bao lâu nay nhé! "Sờ tay hắng rì, sờ tay phun lịch "này có phải của em bỏ quên trong toilet không? Lúc nãy chị định ra tìm em xin lỗi, bước vào toilet thì thấy chiếc điện thoại này để quên trên bồn rửa mặt.” Chị kiểm soát viên vừa nói vừa chìa ra chiếc Smartphone cũ, màn hình điện thoại cô chủ để cái câu khẩu hiệu bao lâu nay: “Stay hungry, stay foolish!” (Hãy cứ khát khao, hãy cứ dại khờ!)

- Dạ em cảm ơn chị đã cho em bài học lớn nhất cho giao dịch viên là luôn luôn thận trọng trong từng con số, con chữ. Em không buồn đâu ạ. Em là Võ Diểm My! Võ-Ngã, Diểm-Hỏi, My-Dài chị nè! 

Cô chủ cười tít như chưa từng xảy ra chuyện gì trước đó, cô còn hăm hở vì hôm nay đã được học một bài học lớn dành cho giao dịch viên nữa kìa.

Một tháng sau, cô chủ được đặc cách cho hạch toán và thực hiện giao dịch với khách hàng luôn mặc dù xưa nay ai cũng phải qua hai tháng thử việc mới được. Sếp nói là do cô được đánh giá tốt về năng lực và thái độ làm việc. Cô My vui lắm vì cuối cùng đã được tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và đã được ngồi ghế riêng và quầy giao dịch riêng của mình. Đó là chiếc ghế nhân viên màu xanh SCB, nó có mấy cái bánh xe có thể lăn linh hoạt, cả chi nhánh chắc có tầm hơn trăm chiếc như vậy. Nhưng với cô, nó đặc biệt lắm, ngồi ghế đó cô cảm giác như được ngồi trên chiếc "Ngai Vàng" mà mình đã phấn đấu giành lấy bấy lâu nay.

My đặc biệt ưu thích cái sự kiện mà cứ đúng ngày 5 tây hàng tháng, chuông điện thoại của tất cả nhân viên trong ngân hàng đều báo tin nhắn đồng loạt. Mỗi lần như vậy, cô lại đăng nhập vào SCB Mobile Banking thực hiện chuyển tiền nhanh 24/7 về quê biếu ba mẹ. Thương ba mẹ vất vả, phải chuyển nhanh, ba mẹ nhận tiền liền mới được dù chuyển liên ngân hàng, ấy vậy mà nhờ dùng tài khoản thanh toán S-free, chuyển tiền về quê không bao giờ bị tốn phí nên cô thích lắm. Một thời gian sau, SCB thông báo tài khoản lương của cán bộ nhân viên mỗi lần có biến động số dư sẽ không được nhận SMS nữa nhằm mục đích tiết kiệm chi phí cho ngân hàng. Thế mà không sao, cứ ngày chi lương hàng tháng cô My rất yêu thích công việc đăng nhập vào SCB Mobile Banking kiểm tra xem tài khoản lương đã có tiền chưa và thông báo kịp thời cho mọi người cùng biết, ai cũng tủm tỉm khen cô My thật là đáo để. 

Thời gian thấm thoát qua, guồng công việc cứ thế quay, nghề giao dịch ít khi được rảnh tay trong giờ hành chính lắm. Lâu lâu được dịp vắng khách, My lại ngồi nhớ lại thời xưa khi còn là sinh viên hay ghé ngân hàng nộp tiền học phí. Lúc ấy, My ngồi ghế khách hàng nhìn vào trong quầy cảm thấy thật ganh tị với các cô giao dịch viên vì lúc nào cũng trang điểm đẹp, mặc đồng phục đẹp, miệng lúc nào cũng tươi như hoa và tự nhủ mình phải phấn đấu để được ngồi trong quầy như thế. Nay phấn đấu thành công rồi, ngồi trong quầy nhìn ra khách hàng lại cảm thấy ghen tị bội phần với họ vì họ có của để dành, tiết kiệm được tiền gửi ngân hàng cũng là ước mơ cả đời của ba mẹ cô. Cô tự nhủ phải phấn đấu hơn nữa, công việc phải phát triển hơn để tăng thu nhập mới có của để dành.

Bấy lâu nay đi làm, cô chủ hay đặt anh Cub 81 kế bên anh Cub 67 của chú bảo vệ già, gọi là già vì nhìn mặt chú nhiều nếp nhăn lắm, gương mặt nhìn khắc khổ thương lắm. Nghe đâu chú mới hơn bốn mươi tuổi thôi nhưng do hoàn cảnh khó khăn, vợ mất do ung thư mấy năm nay, một mình chú phải vất vả tăng ca ngày đêm làm bảo vệ ngân hàng để kiếm tiền nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Nhiều lần ngồi tâm sự với chú sau giờ làm việc, cô chủ mới biết rằng niềm vui lớn nhất trong ngày của chú là đến giờ trưa khi đã ngưng giao dịch với khách hàng, chú được ngồi trên chiếc ghế đẩu bằng nhựa đã bạc màu, ngấu nghiến thưởng thức hộp cơm trưa mua vội trong hẻm. Thì ra với chú, hạnh phúc thật giản đơn, chiếc ghế đẩu ấy còn hơn cả chiếc "Ngai Vàng".

Đoạn đường tan ca về My hay đi ngang qua hai mẹ con nọ, họ ngồi ngay góc đường Hàm Nghi giao với Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Quận 1, bán ít tăm bông và khăn giấy. Người mẹ nhìn nhỏ con, gương mặt khắc khổ đen đúa, đứa con trai nhỏ tầm 3 tuổi có đôi mắt sáng ngời. Lần nào đi ngang My cũng nhìn họ thương lắm, cảm thấy mình đã rất hạnh phúc so với nhiều người ngoài kia. Cô chủ hay mua ủng hộ mẹ con họ ít đồ, lần nào cũng đưa dư ra không nhận tiền thối lại với ước mong có thể giúp họ được một phần dù rất nhỏ nhoi. Cô chỉ mong sao đứa bé đến tuổi đi học có thể đến trường như bao đứa trẻ khác. SCB có chương trình thiện nguyện thường niên nhằm giúp đỡ người nghèo với tinh thần sẻ chia, cô tự nhủ sẽ lưu ý trường hợp này với Ban Tổ chức. Mong sao đứa bé có thể được ngồi trên ghế nhà trường, ghế ấy phải chăng là chiếc "Ngai Vàng" của bé rồi. 

My rất thích mưa vì mưa gắn liền thanh xuân của cô với SCB. Chiều tan làm ấy cũng vào buổi chiều mưa, cô tự hào mặc lên người cái áo mưa màu xanh có gắn logo SCB xinh xắn thay cho áo mưa mỏng trước đó hay dùng. Áo này cứ mỗi năm cán  bộ nhân viên đều được phát một cái. Mà áo mưa SCB dùng tốt lắm, thiết kế thật đẹp, vải thật dày, cô dùng mấy năm rồi mà vẫn còn tốt. Mấy cái áo mưa sau này cấp phát, cô không dùng đến lại gửi về quê cho ba mẹ, cô hay nói đùa là quảng cáo đến tận quê hương Ninh Thuận giùm SCB mà không hề tốn chi phí nhé! Nhắc đến quê hương, cô luôn ước mong một ngày nào đó SCB sẽ mở thêm chi nhánh mới ở quê cô để cô được xin về làm gần gia đình mình. Có SCB về Ninh Thuận, cô dì chú bác ở quê sẽ có cơ hội trải nghiệm những dịch vụ tốt nhất của ngân hàng. Có SCB về Ninh Thuận sẽ tạo ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho lớp trẻ sắp vào đời sau này. Mong muốn của cô hy vọng sau này sẽ trở thành hiện thực, để nhiều người trẻ đều có thể có được chiếc "Ngai Vàng" cho riêng mình.

THẠCH GIÁNG HẠ 

Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ