Công ty con của CII muốn nâng sở hữu và chi phối tại Năm Bảy Bảy (NBB)?

(Banker.vn) Công ty CP Đầu tư Năm Bảy Bảy (HoSE – Mã: NBB) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc bổ sung các nội dung vào chương trình họp ĐHĐCĐ bất thường lần 1 năm 2022 tổ chức ngày 2/11.

Cụ thể, Năm Bảy Bảy trình cổ đông chấp thuận cho Công ty CP Xây dựng Hạ tầng CII (viết tắt: Công ty CEE) và người có liên quan của Công ty CEE được mua vào cổ phiếu NBB của Năm Bảy Bảy thông qua Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM để đạt hoặc vượt mức 25%, 35%, 45%, 65%, 75% tổng lượng cổ phiếu có quyền biểu quyết tại Năm Bảy Bảy mà không cần thực hiện thủ tục chào mua công khai. Công ty CEE sẽ không sở hữu vượt quá 80% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy.

Công ty con của CII muốn nâng sở hữu và chi phối tại Năm Bảy Bảy (NBB)?
Công ty con của CII muốn nâng sở hữu và chi phối tại Năm Bảy Bảy (NBB).

Theo tìm hiểu, Công ty CEE được thành lập ngày 19/1/2006, người đại diện pháp luật là Phùng Văn Hiền và có địa chỉ tại số 191 Hoa Lan, phường 2, quận Phú Nhuận, TP. HCM.

Điểm đáng lưu ý, tính tới 30/9/2022, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM (mã CII – sàn HoSE) sở hữu 80% vốn điều lệ tại Công ty CEE và ghi nhận là đầu tư vào công ty con. Ngoài ra, tính tới 30/9/2022, CII cũng đang sở hữu 37,52% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận là công ty liên kết.

Bản chất giao dịch này là CII thông qua công ty con là Công ty CEE để nâng sở hữu tại Năm Bảy Bảy khi cổ phiếu này chỉ còn giao dịch vùng giá 15.200 đồng/cp.

Trong một diễn biến khác, cổ đông lớn tại Năm Bảy Bảy đã báo cáo kết quả giao dịch cổ phiếu tại công ty. Theo đó, Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP. HCM vừa bán 10 triệu cổ phiếu NBB để giảm sở hữu từ 47,51% về còn 37,52% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện từ 7/7 đến 5/8.

Trước đó trong thời gian 6/6 - 4/7, CII chỉ bán thành công 1,5 triệu cổ phiếu NBB trên tổng số 10 triệu cổ phiếu đã đăng ký theo hình thức thỏa thuận do chưa đạt được giá bán kỳ vọng.

Được biết, tính tới 31/12/2020, CII sở hữu 93,7% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và ghi nhận là đầu tư vào công ty con. Tuy nhiên, sau nhiều lần bán ra, CII đã chuyển ghi nhận từ đầu tư vào công ty con sang đầu tư vào công ty liên kết tại Năm Bảy Bảy. Như vậy, chỉ trong vòng hơn 1 năm, CII đã bán ra 56,18% vốn điều lệ tại Năm Bảy Bảy và chuyển từ công con sang công liên kết.

Thống kê từ ngày 13/10/2021 đến 5/4/2022, CII đã bán tổng cộng khoảng 41,74 triệu cổ phiếu NBB. Trong đó, thời điểm CII đẩy mạnh bán cổ phiếu NBB khi cổ phiếu này giao dịch vùng giá từ 31.000 đồng đến 59.700 đồng/cổ phiếu. Trong khi đó, hiện tại, cổ phiếu NBB chỉ giao dịch vùng giá 15.200 đồng/cp, giảm 74,5% từ giá 59.700 đồng/cp (ngày 11/1/2022).

Trước đó, Năm Bảy Bảy cũng trình cổ đông kế hoạch chào bán 50.237.828 cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu để huy động 753,6 tỷ đồng, thời gian dự kiến trong quý I và quý II/2022.

Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 422,4 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu dân cư Sơn Tịnh – Quảng Ngãi; và 331,2 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn đầu tư dự án Khu nghỉ dưỡng cao cấp kết hợp khu dân cư De Lagi – Bình Thuận.

Trên thị trường chứng khoán, đóng cửa phiên giao dịch ngày 25/10, cổ phiếu NBB giảm 800 đồng về 15.200 đồng/cp.

Diễn biến giá cổ phiếu TNI thời gian gần đây. Nguồn TradingView
Diễn biến giá cổ phiếu NBB thời gian gần đây. Nguồn TradingView

Lợi nhuận 9 tháng Năm Bảy Bảy 'bốc hơi' đến 99%

Về kết quả kinh doanh, trong quý III/2022, doanh thu của NBB tăng đột biến tới 20 lần so với cùng kỳ năm trước, đạt 121 tỷ đồng. Nguồn thu chủ yếu đến từ doanh thu kinh doanh bất động sản (114 tỷ đồng - cùng kỳ không ghi nhận khoản này).

Tuy nhiên, doanh thu tài chính lại giảm mạnh 85,6%, còn 39 tỷ đồng. Nguyên nhân là do cùng kỳ, công ty ghi nhận 250 tỷ đồng thu nhập từ chuyển nhượng quyền tham gia dự án đầu tư; cùng khoản lãi tiền gửi, tiền cho vay cũng giảm mạnh từ 21 tỷ đồng còn 82 triệu đồng.

Lợi nhuận quý III vỏn vẹn 300 triệu đồng
Lợi nhuận quý III của NBB vỏn vẹn 300 triệu đồng. Hình minh họa

Trong khi đó, chi phí tài chính lại tăng vọt 2,5 lần lên 86 tỷ đồng, do nảy sinh thêm các khoản vay phục vụ chiến lược phát triển hoạt động kinh doanh. Về chi phí vận hành, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm 81%, còn 4,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng không đáng kể.

Kết quả, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm 92%, còn 17 tỷ đồng. Bên cạnh đó, NBB phát sinh 14 tỷ đồng chi phí khác (là các khoản phạt do vi phạm hợp đồng), khiến lợi nhuận sau thuế giảm 98,6% còn 2,8 tỷ đồng. Khấu trừ thuế, lợi nhuận sau thuế teo tóp còn 300 triệu đồng, trong khi cùng kỳ con số này là 172 tỷ đồng.

Luỹ kế 9 tháng, doanh thu thuần của NBB giảm 48% so với cùng kỳ năm trước, còn 290 tỷ đồng; lợi nhuận gộp giảm 24,6%, đạt 153 tỷ đồn; biên lợi nhuận gộp được cải thiện từ 36,3% lên 52,7%.

Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 2 tỷ đồng, giảm sâu 99% so với cùng kỳ; trong đó lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ là 2 tỷ đồng. Với kết quả này, NBB mới chỉ hoàn thành 2% kế hoạch lợi nhuận năm 2022.

Về nguồn vốn, tại ngày 30/9/2022, nợ phải trả của NBB tăng 79,6% so với đầu năm, đạt 4.569 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng dư nợ vay của công ty đã tăng vọt 2,6 lần lên 3.121 tỷ đồng, chiếm một nửa tổng nguồn vốn. Trong đó, vay trái phiếu là 290 tỷ đồng, vay ngân hàng là 689 tỷ đồng, còn lại là các khoản vay khác. Hệ số nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 2,5 lần; còn hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu là 1,7 lần.

Kết thúc tháng 9/2022, tổng tài sản của NBB đã tăng 45% so với đầu năm lên 6.388 tỷ đồng. Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là các khoản phải thu, đạt 3.017 tỷ đồng, tăng 1.632 tỷ đồng so với đầu năm, chiếm 47% tổng tài sản.

Trong cơ cấu các khoản phải thu của NBB, đáng chú ý là khoản phải thu dài hạn tăng mạnh 2,6 lần, chủ yếu do Công ty ghi nhận phải thu vốn góp hợp tác đầu tư 1.566 tỷ đồng so với đầu năm. Theo thuyết minh, đây là khoản hợp tác với CII về việc đầu tư kinh doanh phân chia lợi nhuận từ cao ốc 152 Điện Biên Phủ với số tiền 1.150 tỷ đồng. 416 tỷ đồng còn lại là số tiền NBB góp vốn hợp tác với Công ty TNHH MTV Khu Bắc Thủ Thiêm (công ty con của CII) thực hiện hoạt động kinh doanh tại các dự án trong KĐT mới Thủ Thiêm.

Một điểm khác là khoản trả trước cho người bán ngắn hạn tăng mạnh từ 334 tỷ đồng lên 888 tỷ đồng, là do Công ty CP Xây dựng Hạ Tầng CII tăng từ 21 tỷ đồng lên 603 tỷ đồng - công ty liên quan đến CII - đơn vị liên tục thoái vốn khỏi NBB từ cuối năm 2021 đến nay.

Bên cạnh đó, hàng tồn kho cũng tăng 36,6% lên 1.272 tỷ đồng, chiếm 20% tổng sản; chủ yếu là bất động sản dở dang tại các dự án khu dân cư Sơn Tịnh - Quảng Ngãi, dự án Delagi,…

Hàng tồn kho và các khoản phải thu tăng cao cũng chính là nguyên nhân khiến dòng tiền kinh doanh 9 tháng của NBB âm kỷ lục 862 tỷ đồng. Dòng tiền đầu tư cũng âm tới 1.083 tỷ đồng.

Để bù đắp thâm hụt dòng tiền, Công ty đã tăng cường vay mượn. Cụ thể, dòng tiền vay/trả trong kỳ tăng cao, lần lượt là 2.065 tỷ đồng/131 tỷ đồng, tức tăng 2,4 lần và giảm 44%. Kết qủa, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ vẫn âm 12 tỷ đồng, khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 66,6% còn 18 tỷ đồng.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán