Công bố sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024: "Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”

(Banker.vn) Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. Đồng chí Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán và đồng chí Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN đồng chủ trì buổi họp báo.
Ngày 25/4/2024, tại Hà Nội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) tổ chức họp báo thông tin về sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024. Đồng chí Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán và đồng chí Đoàn Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, NHNN đồng chủ trì buổi họp báo.

Tham dự họp báo có đại diện Lãnh đạo các đơn vị thuộc NHNN: Vụ Truyền thông, Văn phòng, Tạp chí Ngân hàng, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam, Công ty cổ phần Thanh toán Quốc gia Việt Nam; lãnh đạo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ thuộc Hiệp hội Ngân hàng; đại diện lãnh đạo các ngân hàng thương mại cổ phần: Quân đội, Tiên Phong, Quốc tế, Phương Đông, Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh, Hàng Hải, Nam Á, Sài Gòn - Hà Nội, Kỹ Thương; đại diện lãnh đạo các công ty trung gian thanh toán: Công ty cổ phần Dịch vụ EPAY, Công ty cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam - VNPAY, Công ty trách nhiệm hữu hạn Hệ thống thông tin FPT.
 

Toàn cảnh buổi họp báo
 
Năm 2023 đánh dấu nhiều thành công trong quá trình chuyển đổi số ngành Ngân hàng

Thời gian qua, NHNN đã nghiên cứu, phổ biến, triển khai nhiều chính sách quan trọng như Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 01/7/2024) với nhiều quy định về đẩy mạnh chuyển đổi số; ban hành Chỉ thị số 02/CT-NHNN ngày 15/01/2024 về đẩy mạnh chuyển đổi số và đảm bảo an ninh, an toàn thông tin trong hoạt động ngân hàng; Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030… Theo đó, NHNN tiếp tục duy trì thứ hạng cao trong các bộ, ngành về chỉ số kiến tạo thể chế chuyển đổi số.

Để đảm bảo quá trình chuyển đổi số thành công, cơ sở hạ tầng phục vụ chuyển đổi số ngành Ngân hàng luôn được chú trọng đầu tư, nâng cấp, phát triển. Nhiều sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thân thiện, giàu tiện ích, đem lại giá trị thiết thực đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng của khách hàng. Đến tháng 12/2023, các nghiệp vụ cơ bản đã được số hóa hoàn toàn 100% (tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi có kì hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, mở thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, cho vay...); phần lớn các TCTD tại Việt Nam có tỉ lệ trên 90% giao dịch thực hiện trên kênh số; 77,41% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản ngân hàng, hơn 35 triệu tài khoản thanh toán và khoảng 14,9 triệu thẻ được mở bằng phương thức điện tử eKYC đang hoạt động. Trong năm 2023, thanh toán trên thiết bị di động tăng 59,86% về số lượng và 12,73% về giá trị; thanh toán qua QR code tăng tương ứng 242,46% về số lượng và 157,2% về giá trị so với cùng kì năm 2022. Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và hoạt động ngân hàng số trong hai tháng đầu năm 2024 so với cùng kì năm 2023 tiếp tục đạt tỉ lệ tăng trưởng khá: Giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 59,6% về số lượng và 32,73% về giá trị; qua kênh internet tăng tương ứng 51,60% và 23,88%; qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 63,24% và 33,43%; qua phương thức QR code tăng tương ứng 846,41% và 1.146,14%; qua POS tăng 2,53% và 3,56%.

Phát huy vai trò tiên phong trong việc thực hiện chuyển đổi số, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai Quyết định số 06/QĐ-TTg ngày 06/01/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) cũng như thực hiện Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN giữa Bộ Công an và NHNN về triển khai các nhiệm vụ tại Đề án 06. Đến nay, trong toàn hệ thống có 48 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ Căn cước công dân (CCCD) gắn chíp qua ứng dụng điện thoại; 58 TCTD đã và đang triển khai ứng dụng xác thực khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chíp qua thiết bị tại quầy; 14 TCTD đang triển khai thử nghiệm ứng dụng tài khoản định danh và xác thực điện tử (VNeID) vào các nghiệp vụ: Mở tài khoản thanh toán, xác thực giao dịch thanh toán, đối chiếu, xác thực thông tin khách hàng; 07 TCTD đã và đang triển khai giải pháp chấm điểm khả tin. Trong công tác làm sạch dữ liệu, có 23 TCTD đã kí kết với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - Bộ Công an (C06) để triển khai làm sạch dữ liệu khách hàng theo phương thức offline.

Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống luôn được NHNN chú trọng triển khai thực hiện. NHNN thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động; tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính qua nhiều phương thức tiếp cận nhằm giảm thiểu hoạt động bất hợp pháp, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích của văn hóa số.

Đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái số là mục tiêu trọng tâm của Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024
 
 
Đồng chí Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng phát biểu tại họp báo
 
Thông tin về Sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, đồng chí Hoàng Thanh Nhàn - Tổng Biên tập Thời báo Ngân hàng cho biết, với mục tiêu trọng tâm là ứng dụng dữ liệu dân cư vào hoạt động ngân hàng, trong năm 2023, ngành Ngân hàng đã tích cực triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư để làm sạch, chuẩn hóa cũng như thu thập, mở rộng thêm cơ sở dữ liệu khách hàng. Dưới sự chỉ đạo của NHNN, Vụ Thanh toán phối hợp với Thời báo Ngân hàng đã tổ chức sự kiện chuyển đổi số ngành Ngân hàng với chủ đề “Ứng dụng dữ liệu dân cư trong hoạt động ngân hàng - động lực thúc đẩy chuyển đổi số”. Sự kiện đã thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số quốc gia cũng như đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tiếp nối thành công của sự kiện năm trước, chủ đề sự kiện năm nay là “Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số” với quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc tiếp tục triển khai hiệu quả các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chuỗi sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024 sẽ diễn ra vào ngày 8/5/2024 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Thành phố Hà Nội.
 
Đặc biệt, tại sự kiện Chuyển đổi số ngành Ngân hàng năm 2024, Hội thảo chuyên đề lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Ngân hàng: Mở rộng kết nối và phát triển hệ sinh thái số”. Hội thảo có sự tham gia thuyết trình của các chuyên gia tài chính, công nghệ hàng đầu trong nước và thế giới đến từ Google, IBM, Fidelity, SAP… Bên cạnh đó, NHNN sẽ tổ chức 16 gian trưng bày, giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ công nghệ mới nhất của các ngân hàng, các công ty trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ, hứa hẹn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị cho khách hàng.



Đồng chí Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN trình bày một số định hướng
chuyển đổi số ngành Ngân hàng trong thời gian tới

 
Tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán NHNN đã trình bày một số định hướng trong thời gian tới nhằm thực hiện tốt các mục tiêu, kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng như sau: (i) NHNN tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt, Chiến lược phát triển hệ thống thanh toán Việt Nam đến năm 2030; (ii) Nghiên cứu, hoàn thiện khuôn khổ pháp lí, cơ chế, chính sách về thanh toán không dùng tiền mặt, chuyển đổi số, các văn bản, thông tư hướng dẫn Luật Các TCTD năm 2024, Nghị định mới về thanh toán không dùng tiền mặt; (iii) Tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch phối hợp số 01/KHPH-BCA-NHNN nhằm tạo thuận lợi cho các TCTD cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán, trong đó tập trung triển khai, kết nối Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cho phép TCTD có thể xác minh thông tin, hỗ trợ khách hàng tiếp cận các dịch vụ ngân hàng; (iv) Đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt với dịch vụ công, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, y tế, chi trả an sinh xã hội...; (v) Tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn và bảo mật hệ thống, đồng thời đẩy mạnh truyền thông, giáo dục tài chính cho công chúng trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ tài chính, ngân hàng.

Ngọc Linh
 
 
 
 
 
Theo: Tạp chí Ngân hàng