Công bố ''Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng"

(Banker.vn) Chiều ngày 1/6, tại TP Đồng Hới đã diễn ra Hội nghị công bố “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng giai đoạn 2021-2030”.
Quảng Bình: Công nghiệp và thương mại đều tăng trưởng dương Quảng Bình: Phát hiện vi phạm đối với một đơn vị kinh doanh vàng bạc

Sau 23 năm được thành lập, đặc biệt sau hơn 20 năm được UNESCO vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới (tháng 7/2003) đến nay, Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn trong nước cũng như trên thế giới, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của du lịch Quảng Bình trên thị trường du lịch quốc tế.

Tuy nhiên, sản phẩm du lịch vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, chất lượng một số sản phẩm du lịch chưa cao, còn nặng tính mùa vụ. Vì vậy, để tiếp tục phát huy có hiệu quả các giá trị của di sản, ngày 23/1/ 2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình đã ban hành Quyết định số 153/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, giai đoạn 2021-2030.

Đề án được thực hiện trong phạm vi diện tích 124.832 ha bao gồm toàn bộ Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và một phần diện tích rừng phòng hộ và rừng sản xuất liền kề được giao cho Ban quản lý Vườn quản lý, bảo vệ.

Công bố Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Toàn cảnh buổi Hội nghị

Được biết, Đề án được xây dựng với 4 mục tiêu chính bao gồm, khai thác hết tiềm năng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học, hệ thống hang động gắn với bản sắc văn hóa các dân tộc; tiếp tục nâng cao hiệu quả kinh tế của Vườn quốc gia; góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân địa phương; tiếp tục kêu gọi đầu tư để xây dựng các tuyến điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí mới, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, thu hút lượng khách đến tham quan ngày càng tăng.

Phấn đấu trong giai đoạn từ năm 2024 đến năm 2025, lượng khách du lịch tăng bình quân tối thiểu 12,5%. Đến năm 2025, lượng khách du lịch đạt 1,5 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 500 tỷ đồng. Đến năm 2030, lượng khách du lịch đạt khoảng 3 triệu lượt, tổng doanh thu đạt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Phạm Hồng Thái- Giám đốc Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho hay: “Được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ chỗ chỉ có 2 sản phẩm du lịch đến nay tại khu vực Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã có 17 sản phẩm du lịch. Doanh thu trên 1.900 tỷ đồng, tạo ra hàng ngàn việc làm cho lao động địa phương, phát triển du lịch tỉnh nhà”.

Hội nghị lần này nhằm cung cấp thông tin, cung cấp các vị trí có tiềm năng du lịch để cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư quan tâm. Đồng thời, thông qua Hội nghị hy vọng các nhà đầu tư sẽ đồng hành để biến tiềm năng di sản thiên nhiên này trở thành một giá trị độc đáo, tạo ra giá trị phát triển bền vững”- ông Thái cho biết.

Ông Hoàng Xuân Tân- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay, Quảng Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều thắng cảnh nổi tiếng, đặc biệt khu vực Phong Nha- Kẻ Bàng có những cảnh đẹp mà không nơi nào có được. Vườn được xác định là trái tim du lịch của tỉnh Quảng Bình, có tiềm năng lớn trong việc phát triển môi trường rừng, hệ sinh thái và du lịch.

Để triển khai để án hiệu quả và mang tính bền vững, ông Hoàng Xuân Tân đã đề nghị Ban Ban Quản lý Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cp nhật, đánh giá những khó khăn, đặc biệt là những vướng mắc đối với các nhà đầu tư để kịp thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tạo điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Với sự quyết liệt của các cấp, các ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp, các nhà đầu tư, hy vọng rằng những định hướng, mục tiêu của Đề án sẽ được thực hiện tốt.

Công bố Đề án Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng giải trí Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng
Các đơn vị ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác

Được biết, về định hướng nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đang khai thác. Hiện nay, tại Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đang khai thác 17 sản phẩm du lịch, tuy nhiên chất lượng một số sản phẩm chưa tương xứng với tài nguyên của di sản, vì vậy đề án đã phê duyệt lần này yêu cầu các doanh nghiệp đang quản lý, khai thác các sản phẩm du lịch tiếp tục đầu tư để nâng cao chất lượng các dịch vụ, không ngừng chuyên nghiệp hóa phong cách phục vụ, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm tốt nhất các giá trị khác biệt của di sản thế giới.

Ngoài các tuyến, điểm du lịch đang khai thác, đề án cũng đã xác định 20 khu vực (gồm 9 điểm và 11 tuyến du lịch) có tiềm năng cần ưu tiên kêu gọi đầu tư để phát triển các loại hình, sản phẩm du lịch.

Thành Long

Theo: Báo Công Thương